1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Doanh thu sa sút và cái kết không ngờ của chị em ông Đặng Thành Tâm

Mai Chi

(Dân trí) - Trong khi Kinh Bắc của đại gia Đặng Thành Tâm gặp khó trong quý 3 thì Tân Tạo cũng bị giảm mạnh doanh thu nhưng nhờ kiểm soát tốt chi phí vẫn có lãi tăng ngoạn mục gần 65%.

Doanh thu sa sút và cái kết không ngờ của chị em ông Đặng Thành Tâm - 1

Hoạt động kinh doanh của đại gia Đặng Thành Tâm gặp bất lợi trong quý 3

Diễn biến trái chiều của ITA và KBC

Cặp cổ phiếu của chị em đại gia Đặng Thị Hoàng Yến và Đặng Thành Tâm sáng nay tưởng như hai cực trái dấu. Nếu như ITA của Tân Tạo tăng mạnh 4,1% lên 4.790 đồng thì KBC của Kinh Bắc lại đánh mất 3,6% xuống 13.350 đồng.

Nguyên nhân một phần do ảnh hưởng của kết quả kinh doanh quý 3 lên quyết định của nhà đầu tư.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất mà Tân Tạo vừa công bố, trong quý 3 vừa qua, doanh thu thuần sụt giảm mạnh, giảm tới 37,6% so với cùng kỳ. Nhờ giá vốn kiểm soát tốt, giảm tới 57,4% nên lãi gộp của Tân Tạo vẫn đạt 138,5 tỷ đồng, tăng 20,4% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, chi phí tài chính giảm mạnh 76,2%; chi phí bán hàng cũng giảm mạnh tới 91,3% so với cùng kỳ; chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 24%... Theo đó, Tân Tạo vẫn báo lãi tăng 64,9% so với quý 3/2019, đạt 122 tỷ đồng, lãi ròng (lãi sau thuế thuộc về công ty mẹ) là 11,8 tỷ đồng, tăng 68,9% so cùng kỳ.

Luỹ kế 9 tháng, doanh thu thuần của Tân Tạo giảm 33,1% còn đạt 548,7 tỷ đồng nhưng lãi sau sau thuế chỉ còn giảm 8,7% xuống 210,8 tỷ đồng; lãi ròng giảm 5,5% xuống 184 tỷ đồng.

Trái lại, kết quả của Kinh Bắc lại không thuận lợi. Trong quý 3, doanh thu thuần Kinh Bắc sụt giảm 78% còn 202 tỷ đồng, lãi gộp giảm 69% còn 115 tỷ đồng.

Do chi phí tài chính tăng 33% lên 75,7 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 28% lên 47,3 tỷ đồng. Theo đó, sau khi khấu trừ chi phí, lãi trước thuế của Kinh Bắc “bay” tới 99,7% so với cùng kỳ còn 0,6 tỷ đồng, lỗ sau thuế 8,7 tỷ đồng so với mức lãi 132,2 tỷ đồng của quý 3/2019 và lỗ ròng 20,8 tỷ đồng (cùng kỳ có lãi ròng 109,6 tỷ đồng).

Luỹ kế 9 tháng, trong khi doanh thu thuần Kinh bắc giảm 63% xuống 930 tỷ đồng thì lãi trước thuế của doanh nghiệp này cũng giảm 81% xuống còn 165 tỷ đồng, lãi sau thuế giảm 85% còn 96,5 tỷ đồng và lãi ròng giảm 94% còn 30 tỷ đồng.

Cảnh giác lên cao, dòng tiền vào chứng khoán chững lại

Trong phiên sáng đầu tuần, thị trường đã rơi vào trạng thái giằng co căng thẳng. VN-Index vẫn chưa thể bứt lên và hiện tạm ghi nhận tăng khiêm tốn 1,6 điểm tương ứng 0,17% lên 927,07 điểm. HNX-Index tăng 0,35 điểm tương ứng 0,26% lên 135,69 điểm và UPCoM-Index tăng 0,22 điểm tương ứng 0,36% lên 63,08 điểm.

Thanh khoản thấp, tổng khối lượng giao dịch trên toàn sàn HSX sáng nay chỉ ở mức 142,48 triệu cổ phiếu tương ứng 2.716,42 tỷ đồng; HNX có 16,77 triệu cổ phiếu tương ứng 174,67 tỷ đồng và UPCoM có 6,02 triệu cổ phiếu tương ứng 81,62 tỷ đồng.

Với nền thanh khoản thấp như hiện tại, đây đang là vấn đáng lo ngại với thị trường. Các chỉ số sẽ gặp khó khi dòng tiền yếu đi.

Hết phiên sáng, toàn thị trường vẫn còn tới 969 mã cổ phiếu không diễn ra giao dịch nào. Trong khi đó, độ rộng thị trường lại đang nghiêng về phía các mã tăng với 351 mã tăng giá, 37 mã tăng trần so với 276 mã giảm, 16 mã giảm sàn.

Nhiều cổ phiếu lớn không còn giữ được phong độ và giảm giá. VIC mất nhẹ 0,5% xuống 106.000 đồng; VNM giảm 0,4% còn 107.600 đồng; VHM giảm 0,4% còn 75.700 đồng; HPG giảm 0,3% còn 30.450 đồng, VPB, MSN cũng giảm giá.

TTF gây thất vọng, mất thêm 4,4% xuống còn 6.130 đồng/cổ phiếu. Mã này có lúc được giao dịch giá sàn 5.970 đồng.

Một loạt cổ phiếu khác như KDH cũng giảm 2,6%; CTD giảm 2%; HNG giảm 1,4%, IDI giảm 1,2%; PLX giảm 1,2%.

Chiều ngược lại, FLC vẫn tăng 2,9% lên 4.300 đồng;HSG tăng 2,3% lên 15.350 đồng; OGC tăng 1,7% lên 7.250 đồng.

Một số cổ phiếu ngân hàng phục hồi khá tốt như CTG tăng 1,9% lên 29.550 đồng; VCB tăng 1,2% lên 84.00 đồng; TCB tăng 0,9% lên 21.550 đồng; SHB tăng 0,6% lên 15.500 đồng; STB tăng 0,4% lên 13.350 đồng; BID cũng tăng 0,3% lên 38.600 đồng.

Trong số này, VCB đang là mã có ảnh hưởng đáng kể nhất đến diễn biến thị trường chung. Chỉ riêng VCB đã đóng góp cho mức tăng chung của VN-Index 1,05 điểm. Ngoài ra, CTG cũng mang lại 0,58 điểm cho chỉ số.

Mức giảm tại VIC và VHM còn khá nhỏ nên không tác động đáng kể lên VN-Index trong phiên này.

Theo nhận xét của VDSC, thị trường đã trải qua một tuần giao dịch đầy sóng gió và các cổ phiếu đã có sự điều chỉnh khá sâu. Trong xu thế lớn thì đây chỉ là nhịp điều chỉnh tích cực của thị trường để tiếp nối một chu kỳ mới.

Vì vậy các nhà đầu tư có thể sẵn sàng tâm lý để duy trì tích lũy các cổ phiếu đã hoặc điều chỉnh hoàn thành trong danh mục của mình và đón chờ cơ hội mới.