1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Doanh nhân Mỹ tin vào triển vọng kinh tế Việt Nam

Kết quả từ một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ cho thấy, 77% số doanh nhân Mỹ được hỏi tin tưởng vào triển vọng nền kinh tế Việt Nam. 82% trong số này kỳ vọng tăng lợi nhuận tại Việt Nam.

Diễn thuyết trước nhiều vị đại sứ, doanh nhân nước ngoài và các nhà nghiên cứu, quản lý, doanh nghiệp của Việt Nam tại Câu Lạc bộ Giao lưu Kinh tế Văn hóa quốc tế, tối 28/7, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael W.Marine cho rằng, năm 2005 này là một thời điểm đáng nhớ của những dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước Việt - Mỹ.

Đó với việc kỷ niệm 30 năm kết thúc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, 10 năm hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao và 5 năm hai nước ký Hiệp định thương mại song phương.

Từ khi Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ có hiệu lực (tháng 12/2001) đến nay, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng gấp 3 lần, đạt 6,4 tỷ USD vào năm ngoái. Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam cũng tăng đến 250% trong vòng ba năm qua.

Đầu tư cũng là một điểm sáng trong bức tranh tổng thể về quan hệ song phương Việt Nam-Mỹ. Tổng vốn đầu tư của Mỹ tại Việt Nam hiện nay là 2,6 tỷ USD. Năm ngoái, các doanh nghiệp Mỹ là những nhà đầu tư đứng đầu về nguồn vốn đưa vào thực hiện tại Việt Nam với 531 triệu USD.

“Các nhà công ty Mỹ đang ngày càng quan tâm đến Việt Nam một phần là do giá nhân công trong một số lĩnh vực ở đây rẻ hơn tới 30% so với khu vực phía nam Trung Quốc”, Đại sứ Mỹ nói.

Tuy nhiên, Đại sứ Michael W.Marine cũng cho rằng nạn tham nhũng, sự chưa nhất quán trong hệ thống pháp luật, lộ trình đầu tư chưa rõ ràng, cơ sở hạ tầng chưa đủ mạnh, còn nhiều vi phạm về sở hữu trí tuệ đang là những thách thức với nền kinh tế Việt Nam nói chung và đối với quan hệ kinh tế thương mại hai nước.

Đại sứ nhận định rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam đã thấy rõ tất cả những thách thức này và đang nỗ lực giải quyết từng bước. Những nỗ lực này được ghi nhận ở sự hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đồng nhất, minh bạch; cải thiện cơ sở hạ tầng và đấu tranh chống tham nhũng.

Đặc biệt, theo ông Michael W.Marine, Việt Nam đang đi rất đúng hướng trong cải cách hệ thống ngân hàng với việc tiến hành cổ phần hóa một số ngân hàng thương mại quốc doanh và chuẩn bị ban hành Luật Sở hữu trí tuệ.

Theo TTXVN