Doanh nhân không cần quan hệ bất minh
(Dân trí) - Doanh nhân không cần quan hệ bất minh, đó mới là thế hệ doanh nhân liêm chính - TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã mong mỏi và truyền đi thông điệp này nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10).
Trong vai trò là cầu nối của cộng đồng doanh nhân, ông Lộc nhìn nhận rằng: “Nhiều doanh nhân đúng là đang dựa vào quan hệ để vươn lên. Và chi phí dành cho việc kiếm tìm, nuôi dưỡng các quan hệ ấy chiếm nguồn lực không nhỏ của doanh nghiệp, mà suy rộng ra là nguồn lực của xã hội. Tư duy phát triển dựa vào quan hệ cần phải thay đổi ngay. Doanh nhân không cần quan hệ bất minh, đó mới là thế hệ doanh nhân liêm chính”.
Nhưng thưa ông, tôi biết có nhiều doanh nhân thực sự không muốn quan hệ, mà tình thế bắt buộc họ, dù muốn dù không, cũng phải dựa vào quan hệ thân hữu để tồn tại và phát triển?
TS Vũ Tiến Lộc: Tôi từng nhấn mạnh rất nhiều lần rằng: thể chế nào thì doanh nhân đó. Đúng là những nút thắt của thể chế trước đây, tinh thần phục vụ và minh bạch, công khai chưa thấm nhuần được tới từng công chức, tế bào của thể chế, nên nhiều doanh nhân đã phải dựa vào quan hệ để làm ăn, kinh doanh. Cũng không phủ nhận rằng: trong một thời điểm nhất định, khi thể chế chưa được cải cách, đổi mới, thì quan hệ thân hữu vẫn là một “động lực” của doanh nhân. Nhưng vẫn có những doanh nhân liêm chính, vươn lên bằng nội lực và tài năng của mình. Đó là những viên gạch của một thế hệ doanh nhân chính danh.
Tôi chưa bao giờ và không bao giờ cổ vũ cho một thế hệ doanh nhân chỉ biết dựa vào quan hệ. Bởi dù nói thế nào đi nữa, thì kinh doanh dựa vào quan hệ bất minh cũng là lực cản của cải cách, của đổi mới. Mà đổi mới luôn phải có tác động hai chiều, từ trên xuống và từ dưới lên. Khi doanh nhân chỉ dựa vào quan hệ thân hữu, thì áp lực đổi mới từ dưới lên sẽ giảm đi rất nhiều.
Nhưng trong những hoàn cảnh khó khăn như vậy, nhất là sau 30 năm đổi mới, chúng ta đã có một thế hệ doanh nhân đang cố gắng vươn lên, thưa ông?
Sức chịu đựng của doanh nhân Việt Nam là rất bền bỉ. Sự linh hoạt của doanh nhân Việt Nam là không thể phủ nhận. Chỉ xét riêng giai đoạn 2011-2015 ta thấy, đây là giai đoạn dồn nén những khó khăn của doanh nghiệp: Thị trường bất động sản đóng băng, lãi suất ngân hàng tăng mạnh, chi phí sản xuất tăng cao trong khi giá cả đầu ra giảm sút, tồn kho lớn … Chưa bao giờ số doanh nghiệp thua lỗ, giải thể, ngừng hoạt động lại cao đến thế. Nhưng hàng chục ngàn doanh nghiệp vẫn cố gắng trụ vững, vượt qua khó khăn.
Tuy vậy, thế hệ doanh nhân được hình thành sau 30 năm đổi mới vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển bền vững và liêm chính.
Cho đến thời điểm này, Việt Nam chưa có được một thế hệ các nhà công nghiệp với những thương hiệu và đẳng cấp cao trong khu vực và trên thế giới. Xét về tổng tài sản, một số doanh nghiệp có quy mô tương đối lớn được xếp hạng cao trong khu vực, nhưng nhìn chung về hiệu quả và chất lượng thì còn nhiều việc phải bàn. Các đại gia của ta tới nay chủ yếu hoạt động trong khu vực tài chính ngân hàng và bất động sản. Tuyệt đại bộ phận doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, tính bài bản và chuyên nghiệp thấp và còn xa mới đạt tới các chuẩn mực phổ biến toàn cầu. Hộ kinh tế gia đình vẫn là chủ thể kinh tế phổ biến trong khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Nhưng ông từng nói rằng: cộng đồng doanh nhân vẫn không an tâm với tính bất định của chính sách. Phải chăng đó cũng là nguyên nhân khiến thế hệ doanh nhân Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của liêm chính?
Đúng vậy, những rủi ro thể chế, sự bất định của chính sách đối với doanh nhân cũng gây ra những tác hại không kém cho doanh nhân khi đối đầu với những rủi ro trên thương trường. Một mặt, doanh nhân phải dành nguồn lực cho thị trường, thì lại phải dành một phần nguồn lực đáng kể để thiết lập, nuôi dưỡng các mối “quan hệ”.
Nhưng, để doanh nhân không phải chịu đựng những khó khăn đáng có, tôi cho rằng những khó khăn về mặt thể chế cần phải được bãi bỏ. Chính phủ đã quyết bỏ cơ chế xin – cho thì doanh nghiệp cũng phải chống “quan hệ”. Đây đang là xu hướng chính của công cuộc cải cách để hình thành một chính phủ kiến tạo, phục vụ và một cộng đồng doanh nghiệp liêm chính, có sức cạnh tranh cao.
Sự chuyển mình của thể chế như vậy khiến tôi có một niềm tin vào một thế hệ doanh nhân mới, sáng tạo.
Thế hệ doanh nhân ấy có thể hội nhập thành công không thưa ông, khi mà những chuẩn mực của thế giới văn minh, phát triển cũng đang là thách thức của không chỉ cộng đồng doanh nhân Việt Nam?
Thách thức đó, tôi tin với sự linh hoạt, thích ứng nhanh, cộng đồng doanh nhân Việt Nam sẽ vượt qua được. Không phủ nhận rằng: rất nhiều doanh nhân đã thành công và tiếp tục phát triển dựa vào kinh nghiệm lăn lộn trên thương trường. Nhưng, khi hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, doanh nhân muốn vươn lên tầm cao mới, thì bắt buộc phải học hỏi và tuân thủ những chuẩn mực của thế giới nếu không muốn bị coi là “trọc phú”. Mà những chuẩn mực ấy luôn thấm đẫm tính nhân văn, tinh thần phụng sự.
Tính nhân văn và tinh thần phụng sự ấy đòi buộc cộng đồng doanh nhân khi định ra chiến lược kinh doanh phải coi con người là mục tiêu tối thượng, bên cạnh mục tiêu lợi nhuận. Bill Gate và Mark Zuckerberg là những điển hình cho việc kinh doanh lấy mục tiêu phụng sự con người làm mục tiêu chính. Microsoft hay Facebook trước hết được lập ra vì niềm đam mê và mong muốn làm cho cuộc sống trở nên tiện ích hơn, liên kết chặt chẽ hơn. Mục tiêu nhân bản ấy đạt được cũng chính là lúc Bill Gate và Mark Zuckerberg trở thành những tỉ phú của thế giới.
Tức là ông mong muốn doanh nhân Việt Nam trước khi tìm kiếm lợi nhuận thì phải đặt cái tâm lên đầu. Điều đó có quá xa xỉ trong thời buổi hiện nay không?
Một lãnh đạo địa phương cũng đặt câu hỏi tương tự với tôi cách đây không lâu. Và tôi trả lời rằng: không có gì là xa xỉ nếu đòi hỏi doanh nhân kinh doanh bằng trái tim. Những doanh nhân chân chính của Việt Nam từ trước tới nay đều hướng đến lợi ích của cộng đồng, của quốc gia với cả trái tim nhiệt huyết của mình. Những doanh nhân như Trịnh Văn Bô, Bạch Thái Bưởi… đã trở thành biểu tượng của doanh nhân Việt Nam khi đã hòa mình vào dòng chảy của thời đại họ sống với tất cả nhiệt huyết và quảng đại.
Thực tế ấy đã chứng minh rằng: kinh doanh bằng trái tim không phải là xa xỉ, mà là chân lý của những doanh nhân liêm chính. Bởi lý tưởng phụng sự xã hội, kiến tạo quốc gia thịnh vượng không xa vời, trái lại, nó gần gũi và thiết thân với doanh nhân, bởi lý tưởng ấy sẽ dễ dàng thực hiện nếu trái tim luôn có chỗ xứng đáng trong kinh doanh.
Nhưng hội nhập và cách mạng công nghệ đang đặt ra những thách thức lớn lao cho doanh nhân Việt Nam. Ông có nghĩ những thách thức đó sẽ đánh bật doanh nhân Việt Nam ra khỏi chuỗi giá trị toàn cầu?
Điều đó sẽ xảy ra nếu doanh nhân Việt Nam không chủ động nâng tầm và góp phần vào cải cách thể chế.
Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư đang được nói đến và là lời cảnh báo cho doanh nhân không chỉ ở Việt Nam. Những lợi thế về tài nguyên và lao động sẽ suy giảm, thương mại quốc tế có xu hướng đảo chiều. Các ngành công nghiệp cần nhiều lao động và thâm dụng tài nguyên có thể sẽ trở lại chính quốc ở Châu Âu và Bắc Mỹ với công nghệ tự động hóa, sử dụng người máy, trí tuệ nhân tạo và vật liệu mới, công nghệ nano, in 3D… với chi phí ngày càng giảm…
Mới đây, Tập đoàn công nghệ, đầu tư hàng đầu Foxconn vừa quyết định sử dụng 60.000 tay máy công nghiệp cho việc thiếu công nhân bản địa ở Trung Quốc và việc Nike, Adiddas quyết định trở lại đầu tư tại California - Hoa Kỳ và CHLB Đức để gần với các trung tâm thiết kế, nghiên cứ và thị trường tiêu dùng là những dấu hiệu cho chuyển dịch công nghệ và đảo chiều của thương mại quốc tế đối với các sản phẩm công nghiệp.
Các lợi thế về địa kinh tế của các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam có thể sẽ mất đi !
Không còn cách nào khác, cộng đồng doanh nhân Việt Nam phải chủ động nắm bắt những thách thức này và có chiến lược bài bản cho riêng mình. Trong “nguy” có “cơ”. Tôi cho rằng đây là cơ hội tốt nhất để doanh nhân Việt Nam nâng tầm, thích ứng và hội nhập tốt.
Cùng với những động thái quyết liệt của Chính phủ qua Nghị quyết 19, nghị quyết 35, tôi có niềm tin rằng: nền kinh tế cũng như doanh nhân Việt Nam không còn lẽo đẽo theo sau kinh tế và doanh nhân các nước tiên tiến.
Hà Anh