Doanh nghiệp Việt chật vật giải bài toán năng lượng sạch

(Dân trí) - Thiếu vốn đầu tư, thiếu cơ chế khuyến khích dành cho các dự án tiết kiệm nhiên liệu và thiếu hẳn những đơn vị kinh doanh nguồn năng lượng tái tạo… nên nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn chưa mặn mà với năng lượng sạch.

Ngại vì lâu thu hồi vốn

Năm 2014, Coca-Cola Việt Nam đầu tư để có được chứng nhận LEED (Leadership in Energy and Environmental Design) cho nhà máy tại TPHCM. Đây là chứng chỉ dành cho những nhà máy có giải pháp tiết kiệm năng lượng và nước, giảm tiếng ồn, nước thải, khí thải… Đơn vị này cũng được tuyên dương vì đã dùng CNG (khí nén tự nhiên) và nguyên liệu Biomass (nguyên liệu tái tạo) để thay thế dầu nhiên liệu FO.

“Kết quả của việc thay thế nguyên liệu và giải pháp sản xuất truyền thống giúp chúng tôi tiết kiệm được 20% chi phí sản xuất”, ông Nguyễn Văn Quyết, Giám đốc cung ứng chuỗi Coca-Cola Việt Nam cho biết.

Chuyên gia WWF cảnh báo nguy cơ an ninh năng lượng ở Việt Nam là có thật khi 50% năng lượng nhập khẩu
Chuyên gia WWF cảnh báo nguy cơ an ninh năng lượng ở Việt Nam là có thật khi 50% năng lượng nhập khẩu

Theo ông Quyết, trong điều kiện kinh tế cạnh tranh lớn như hiện nay, các DN càng sản xuất lớn thì càng phải tìm nhiều giải pháp khác nhau để giảm chi phí cũng như tác động đến môi trường để có thể tạo lợi thế cho mình. Đó chính là lý do, Coca-Cola Việt Nam định hướng giảm thiểu sử dụng nhiên liệu ngay từ khi quyết định đầu tư vào Việt Nam. Đơn vị này hướng đến trong tương lai gần, việc sử dụng năng lượng mặt trời sẽ chiếm 20 đến 25% tổng nguồn điện trong sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Quyết khẳng định: “Coca-Cola Việt Nam đang có kế hoạch đầu tư hoặc sẵn sàng mua lại từ những đơn vị sản xuất năng lượng sạch”.

Tuy nhiên, trong ba nhà máy của Coca-Cola Việt Nam, tính đến nay, chỉ mới chỉ có một nhà máy tại TPHCM là đạt chuẩn LEED. Hai nhà máy tại Đà Nẵng và Hà Nội cũng chỉ đang được đầu tư nâng cấp về cơ sở hạ tầng để hướng đến tiêu chuẩn LEED.

“Những khoản đầu tư cho giải pháp năng lượng đòi hỏi đầu tư rất cao nhưng khả năng thu hồi thì lại lâu. Như trường hợp hệ thống năng lượng mặt trời, thời gian thu hồi vốn tính đến 10 đến 20 năm”, ông Quyết chia sẻ. Đó chính là lý do DN còn nhiều ngại ngần khi tính đến các giải pháp năng lượng sạch.

Đồng quan điểm, ông Huỳnh Tiến Dũng, Trưởng ban Quản lý Dự án WWF chương trình Việt Nam cho biết, hiện GDP Việt Nam tăng trưởng tầm 7%/năm nhưng nhu cầu điện tăng trung bình 15%/năm và con số này vẫn đang tăng. Dự kiến, đến năm 2030, nhu cầu điện tại Việt Nam có thể tăng lên tầm 30%/năm. Trong cơ cấu tiêu thụ điện, hơn 50% là phục vụ sản xuất, hoạt động của DN.

Phát biểu tại hội thảo Phát triển năng lượng bền vững, cơ hội cho DN Việt Nam, diễn ra sáng 20/5 tại TP.HCM, ông Dũng tiếc rẻ: “So với thế giới, việc đầu tư tiết kiệm nhiên liệu ở DN Việt là chưa đáng kể”.

Cần một lộ trình thay thế

Trái ngược với sự e dè trong đầu tư năng lượng sạch ở Việt Nam, ông Jean Philippe Denruyter, chuyên gia năng lượng WWF cho biết, ở các nước, DN rất quan tâm đến năng lượng xanh. Những công ty đa quốc gia như Mars, Coca-Cola, HP, IKEA… đều đã có định hướng cụ thể cho việc sử dụng 100% năng lượng tự nhiên vào 10 hoặc chậm nhất là 20 năm tới.

Như trường hợp của IKEA, đơn vị này chấp nhận đầu tư 1,9 tỷ USD để có thể sử dụng toàn bộ năng lượng xanh từ năm 2015. “Đây chính là bước chuẩn bị không thể thiếu trong quá trình phát triển DN”, ông Jean Philippe Denruyter khẳng định.

Theo chuyên gia của WWF, năng lượng truyền thống như dầu, than đá… đang ngày một cạn kiệt và nguy cơ tăng giá sử dụng nguồn nguyên liệu này là trước mắt. Trong tương lai, nó ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản xuất.

Khảo sát của WWF cho thấy, trong tiến trình phát triển năng lượng, các nước tiên tiến đã ứng dụng các nguồn năng lượng gió, mặt trời, sinh khối… Điển hình là Nicaragua, hiện nay chỉ còn sử dụng 50% năng lượng truyền thống. Tương tự các nước Đan Mạch, Ý, Nhật đều cố gắng tăng tỷ lệ năng lượng sạch lên cao. Thế nhưng, hiện nay chính phủ Việt Nam vẫn chưa có kế hoạch cụ thể về những nguồn năng lượng thay thế mà vẫn phụ thuộc vào than đá.

Ngành công nghiệp Việt Nam đang chiếm tỉ trọng sử dụng năng lượng rất lớn
Ngành công nghiệp Việt Nam đang chiếm tỉ trọng sử dụng năng lượng rất lớn

Ông Phạm Hoàng Hải, Trưởng ban thư kí Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam, Phòng công nghiệp Việt Nam khẳng định, hiện năng lượng tiêu thụ ở Việt Nam có 10% từ thủy điện, chủ yếu là than đá. Tuy nhiên, tác động về mặt xây dựng thủy điện lại rất xấu với môi trường, hệ sinh thái… Việc ngập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long và hạn hán ở Tây Nguyên hiện nay là một minh chứng. “Nghiên cứu cho thấy an ninh năng lượng của Việt Nam đang bị đe dọa khi 50% năng lượng là nhập khẩu”, ông Jean Philippe Denruyter cảnh báo.

Theo ông Jean, không thể đợi nhà nước triển khai các chương trình khai thác năng lượng gió, mặt trời… chính bản thân DN phải chủ động hơn nữa trong việc đầu tư nguồn năng lượng mới. Nếu đầu tư cho năng lượng mặt trời hay phong năng chi phí ban đầu cao nhưng giá trị sử dụng lại rất lớn.

“Ở các nước, tuy vẫn cao hơn chi phí sử dụng xăng dầu, than đá… nhưng chi phí để sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió đang có xu hướng giảm dần. Thời gian tới ở Việt Nam, với sự tham gia của nhiều DN, chi phí này cũng sẽ giảm, việc tiếp cận sẽ dễ dàng hơn. Sử dụng nguồn điện tự nhiên tạo nên từ gió, năng lượng mặt trời… rõ ràng sẽ giúp DN chủ động hơn vì có thể “tự cung tự cấp”, chuyên gia của WWF khẳng định.

Khảo sát mới đây từ WFF cho thấy, DN biết sử dụng năng lượng sạch là giải pháp tốt và an toàn cho sản xuất của họ. Khách hàng cũng thích DN sử dụng năng lượng xanh để sản xuất. Chỉ có 2% khách hàng tham gia khảo sát cho biết, việc DN sử dụng năng lượng truyền thống là bình thường. 77% khách hàng quan tâm đến an ninh năng lượng. Điều này cho thấy, trong cuộc chiến giảm thiểu nguyên liệu hóa thạch, tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường, DN có vai trò rất lớn vì khách hàng cũng đang đòi hỏi điều này từ DN. DN quan tâm đến năng lượng, sẽ có thêm khách hàng và chắc chắn là giảm thiểu được chi phí.

Song Quý

Doanh nghiệp Việt chật vật giải bài toán năng lượng sạch - 3