1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

TPHCM:

Doanh nghiệp vận tải chần chừ giảm giá cước

(Dân trí) - Trong khi giá nhiên liệu liên tiếp giảm thì các doanh nghiệp vận tải vẫn tỏ ra “chậm chạp” trong việc giảm giá cước. Điều này ảnh hưởng đến quyền lợi hành khách, đó là chưa kể đến trường hợp doanh nghiệp lợi dụng lượng hành khách tăng cao để tăng mức giá trong dịp Tết Nguyên đán.

Trước tình hình giá nhiên liệu đầu vào liên tục giảm trong thời gian gần đây, Sở Tài chính TPHCM kêu gọi các doanh nghiệp vận tải kê khai giảm giá cước. Tuy nhiên, dù sắp đến Tết Nguyên đán nhưng nhiều doanh nghiệp “án binh bất động”.

Tính từ 18/11/2015 đến nay, giá xăng đã liên tiếp giảm 4 lần, giảm gần 1.300 đồng/lít. Theo Sở Tài chính TP, mức giảm trên có tác động đến giá cước khoảng 2,2%, tương ứng 200 – 350 đồng/km.

 

Tết Nguyên đán sắp đến gần nhưng nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn “án binh bất động” trong việc giảm giá cước
Tết Nguyên đán sắp đến gần nhưng nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn “án binh bất động” trong việc giảm giá cước

Ngày 12/1, trao đổi với PV Dân trí, ông Thượng Thanh Hải – Phó Giám đốc bến xe miền Đồng cho biết, hiện có 217 doanh nghiệp vận tải hoạt động trong bến xe. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại chỉ có 25 doanh nghiệp (trong đó có 19 doanh nghiệp của TPHCM) đã kê khai giảm giá cước, giảm từ 2 – 3%.

Theo ông Hải, giá xăng giảm thì doanh nghiệp vận tải cũng phải giảm giá cước để cạnh tranh. Tuy nhiên, giảm bao nhiêu là do doanh nghiệp quyết định. Doanh nghiệp sẽ kê khai với Sở Tài chính và niêm yết giá tại bến xe. Bến xe chỉ quản lý hoạt động chứ không có quyền can thiệp việc kê khai giá cước.

Còn đối với các hãng taxi đang hoạt động trên địa bàn thành phố, hai đơn vị lớn nhất là Taxi Vinasun và Mai Linh đã có kế hoạch giảm giá cước. Trước đó, hãng Happy Taxi đã kê khai giảm giá cước 500 đồng/km.

Đại diện tập đoàn Mai Linh cho biết, kể từ thời điểm giảm giá xăng ngày 4/1, doanh nghiệp đã xác lập mức giá cước mới của tất cả các đơn vị trên toàn hệ thống.

Tại thị trường TPHCM, doanh nghiệp đã đăng ký điều chỉnh giá cước với Sở Tài chính và Sở GTVT TP, với mức giảm 300 đồng/km cho tất cả các loại xe. Thời điểm giảm giá cước dự kiến bắt đầu từ ngày 12/1. Đối với các thị trường vùng – miền ngoài TPHCM, doanh nghiệp sẽ căn cứ tình hình thực tế của mỗi địa phương để điều chỉnh giá cước cho phù hợp.

Còn Taxi Vinasun đã quyết định giảm giá cước 500 đồng/km, kể từ ngày 14/1. Theo đó, trong phạm vi 30 km, mức cước xe 5 chỗ là 14.500 đồng/km, xe 8 chỗ là 15.500 đồng/km.

Trong khi đó ở lĩnh vực vận tải hàng hóa, ông Nguyễn Văn Chánh –  Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM cho biết, theo hướng chung thì các doanh nghiệp trong hiệp hội sẽ giảm giá cước vận tải. Tuy nhiên, giá cước vận tải được tính trên hợp đồng vận chuyển hàng hóa chứ không kê khai ra mức cụ thể như xe khách, taxi… nên khó nhận ra.

Ông Chánh phân tích, đặc thù của vận tải hàng hóa là thỏa thuận theo từng hợp đồng, hoặc đấu giá, đấu thầu… Tùy theo giá cả và những điều kiện khác mà chủ hàng lựa chọn đơn vị vận tải. Bởi, vận tải hàng hóa phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: lượng hàng, cự ly tuyến đường, phương tiện, loại hàng, thời gian chở hàng, thời điểm nhận hàng… Trong khi đó, vận tải hành khách tuyến cố định thì ổn định về lộ trình, thời gian, chi phí trên hành trình.

Theo đó, việc giảm giá cước vận tải, ngoài việc phụ thuộc vào cơ chế thị trường thì còn có sự ràng buộc (theo thỏa thuận) giữa chủ hàng và doanh nghiệp vận tải khi ký hợp đồng. Trong hợp đồng vận tải, người ta còn thỏa thuận là mức biến động giá nhiên liệu bao nhiêu thì mới thay đổi giá cước, hoặc chốt giá vận tải theo giai đoạn (3 tháng hoặc 6 tháng)…

Ông Chánh nhấn mạnh, trong xu thế cạnh tranh gay gắt như hiện nay thì các doanh nghiệp buộc phải giảm giá cước để giữ và thu hút khách hàng.

Quốc Anh

 

Doanh nghiệp vận tải chần chừ giảm giá cước - 2