1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Doanh nghiệp và dân cùng phá vỡ hợp đồng

Nếu không có sự điều chỉnh, chính sách bao tiêu nông sản có nguy cơ... phá sản Nghị quyết 80/CP của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng ra đời vào năm 2002 đã làm thay đổi nhận thức của doanh nghiệp (DN), hộ nông dân.

DN đã xác định được quyền lợi, trách nhiệm cụ thể đối với người sản xuất. Ngược lại, các hộ nông dân đã bước đầu ý thức được sự cần thiết phải có sự hỗ trợ về kỹ thuật, sự bao tiêu sản phẩm ổn định lâu dài từ phía DN. Thế nhưng trên thực tế, việc triển khai thực hiện vẫn còn nhiều bất cập. Có ý kiến cho rằng, nếu không có sự điều chỉnh kịp thời và hợp lý, Nghị quyết 80 sẽ phá sản.

Mua theo hợp đồng chỉ đạt từ 10% - 50%

Nghị quyết đề ra mục tiêu đến năm 2005, ít nhất 30% số lượng nông sản hàng hóa phải được tiêu thụ thông qua hình thức hợp đồng giữa DN và nông dân. Thế nhưng theo ông Nguyễn Phượng Vĩ, Trưởng Ban Chính sách NN-PTNT của Bộ NN-PTNT, tỉ lệ nông sản hàng hóa tiêu thụ thông qua hợp đồng còn rất thấp.

Đơn cử như mặt hàng gạo, cả nước có trên 3 triệu ha đất trồng lúa, nhưng trong ba năm từ 2002-2004, các DN chỉ ký hợp đồng tiêu thụ cho nông dân với diện tích rất khiêm tốn: 350.000 ha...

Các DN thành viên của Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) được coi là thực hiện tốt việc bao tiêu hàng hóa cho nông dân. Tuy nhiên, ông Trương Thanh Phong, Tổng Giám đốc Vinafood 2, nhìn nhận không những tỉ lệ nông sản hàng hóa được tiêu thụ thông qua hợp đồng còn quá thấp, mà ngay cả những hợp đồng tiêu thụ đã được ký kết giữa DN và người sản xuất, tỉ lệ thực hiện cũng không đáng kể.

Năm 2003, Vinafood 2 chỉ thu mua được 10% lượng lúa đã được ký kết hợp đồng bao tiêu, năm 2004 là 24%. Tương tự, Tổng Công ty Rau quả nông sản Việt Nam, tỉ lệ mua sản phẩm theo hợp đồng đối với nhiều loại rau quả cũng chưa đến 50%.

Dân “xù”, DN cũng “xù”

Hiện tượng phá vỡ hợp đồng đã trở thành thường xuyên và phổ biến. Mùa vụ 2005, Nhà máy Chế biến sắn Yên Bái có nguy cơ không đủ nguyên liệu để vận hành do việc thu hồi vốn đầu tư trong dân đang... giẫm chân tại chỗ. Khi bắt đầu đi vào hoạt động, DN này đã ký hợp đồng bao tiêu, cung cấp vốn, phân bón cho khoảng 1.000 hộ dân để xây dựng vùng nguyên liệu với diện tích 4.000 ha. Khi vào thu hoạch, khoảng 40% số hộ được đầu tư “xù” hợp đồng, mang sản phẩm bán ra ngoài.

Tuy nhiên, Theo Bộ NN-PTNT, không chỉ nông dân “xù” hợp đồng, mà nhiều DN đã làm mất lòng tin ở người sản xuất: Cung ứng vật tư không đúng chất lượng cho nông dân, đưa ra những yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm khi thu mua để giảm giá sản phẩm.

Bên cạnh đó có DN chưa thật sự sòng phẳng với nông dân, lạm dụng thế độc quyền để ép giá, thanh toán hợp đồng chậm, thậm chí có DN đơn phương phá bỏ hợp đồng với người sản xuất.

Đưa nhau ra tòa

Trong năm 2004, Công ty Bông Đồng Nai đã kiện hơn 100 nông dân ra tòa vì đã không thực hiện đúng những cam kết trong hợp đồng đã ký với công ty. Cụ thể, ngay từ đầu vụ sản xuất, Công ty Bông Đồng Nai đã đầu tư ứng trước vốn, giống, kỹ thuật cho nông dân trồng bông vải.

Đến khi thu hoạch, số hộ nông dân này đã không bán sản phẩm cho nhà đầu tư mà mang bán cho thương lái để lấy tiền mặt để khỏi bị trừ nợ. Mặc dù Tòa án tỉnh Đồng Nai xử thắng kiện, nhưng đến nay Công ty Bông Đồng Nai vẫn chưa thể thu hồi được vốn.

Ông Nguyễn Phượng Vĩ cho rằng nông dân và DN đưa nhau ra tòa là chuyện xưa nay hiếm. Bởi số hợp đồng mỗi DN đã ký với nông dân là hàng trăm hợp đồng, nếu nhờ tòa án giải quyết thì mỗi DN phải thành lập một bộ phận chuyên làm công tác pháp chế và chắc chắn tòa án không đủ thời gian để giải quyết các vụ kiện của DN.

Còn nông dân thì chưa thấy ai có đủ khả năng để kiện DN khi họ bội ước hợp đồng. “Cần đưa ra biện pháp chế tài cụ thể, tăng cường vai trò của các hợp tác xã để làm cầu nối giữa nông dân với DN. Bởi DN không thể tiếp cận trực tiếp với hàng ngàn hộ nông dân, còn nông dân không đủ “lực” để bảo vệ mình khi có tranh chấp hợp đồng xảy ra” - ông Vĩ nói.

Theo Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm