1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

"Doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan làm được thì Việt Nam cũng làm được"

(Dân trí) - Trong chuỗi cung ứng toàn cầu, các chuyên gia chỉ ra rằng, một mặt Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ giúp các doanh nghiệp Việt có cơ hội tiếp cận, hỗ trợ về vốn, công nghệ nhưng về phía các doanh nghiệp Việt, phải khẳng định quyết tâm, khẳng định người Việt có thể làm được.

Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Phát biểu tại toạ đàm "30 năm lan toả vốn FDI" do Bizlive tổ chức chiều nay (6/10), GS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, tại Việt Nam, tác động lan toả của FDI chưa được như kỳ vọng, thể hiện trong việc các doanh nghiệp Việt Nam vẫn hạn chế trong việc tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

GS Nguyễn Mại dẫn đánh giá chung của các nhà kinh tế cho biết, Việt Nam chỉ có khoảng 21% doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi đó ở Thái Lan tỷ lệ này là 30%, ở Malaysia là 46%. Như vậy, Việt Nam đang kém xa các nước xung quanh về mặt này.

Ông dẫn ví dụ như dệt may, đầu cuối với giá trị gia tăng cao là tiêu thụ thì các doanh nghiệp FDI chiếm gần như toàn bộ còn các doanh nghiệp Việt Nam làm các khâu có giá trị gia tăng thấp là may, dệt. Hay như da giày, doanh nghiệp Việt Nam chỉ sản xuất, còn khâu tiêu thụ, marketing vẫn thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài.

"Trách nhiệm đầu tiên thuộc về doanh nghiệp Việt Nam. Tôi đã tiếp xúc với nhiều giám đốc làm cho doanh nghiệp Nhật, Mỹ và Hàn Quốc. Theo họ, muốn thành công thì cần có 2 yếu tố, thứ nhất là tự tin. Các doanh nghiệp Việt hay tự ti, mà muốn làm được thì cần phải tự tin. Thứ hai là phải chủ động, chủ động tìm kiếm đối tác để tham gia vào chuỗi toàn cầu", ông nói.

"Nước ngoài làm được thì Việt Nam cũng làm được"

Bàn về câu chuyện này, ông Lê Duy Thành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng chỉ ra rằng, các doanh nghiệp Việt Nam có hạn chế về công nghệ, về quy mô, thậm chí còn cạnh tranh không lành mạnh với nhau gây ra hình ảnh xấu trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc dẫn một ví dụ về trường hợp chủ một doanh nghiệp ở Vĩnh Phúc khởi điểm là một công nhân tại nhà máy của Đài Loan cung cấp nguyên liệu cho Honda và Toyota. Với tư duy “người nước ngoài làm được thì người Việt Nam cũng làm được”, ông này đã lập doanh nghiệp, cung cấp vật liệu từ doanh nghiệp cấp 2, trở thành cấp 1, đang cung cấp chính cho Honda.

"Hôm trước có bài báo viết về hội thảo liên quan tới các doanh nghiệp hỗ trợ cho Samsung. Bài báo có đề cập doanh nghiệp Việt Nam không đủ khả năng là trở thành cung cấp cho doanh nghiệp nước ngoài. Một chủ doanh nghiệp ở Vĩnh Phúc nói với tôi rằng, không có cái gì doanh nghiệp Đài Loan làm được, doanh nghiệp Trung Quốc làm được mà doanh nghiệp Việt không làm được", ông kể.

Ông Thành cũng chia sẻ thêm: "Khi tôi đến doanh nghiệp của anh này thì thấy có tới 20 người Nhật làm thuê cho anh ấy, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể làm được. Anh chủ doanh nghiệp này cho rằng vì thiếu tự tin, tự tôn, tinh thần làm chủ, cứ nhìn doanh nghiệp FDI như một cái gì cao siêu lắm… nên doanh nghiệp Việt còn hạn chế. Nhìn thực trạng ở Vĩnh Phúc thì thấy có tình trạng như vậy".

"Chúng tôi muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ giúp các doanh nghiệp Việt có cơ hội tiếp cận, có chính sách quy định tỷ lệ nội địa hoá, một số chính sách hỗ trợ về vốn, công nghệ. Về phía các doanh nghiệp Việt, phải khẳng định quyết tâm, khẳng định người Việt có thể làm được", ông nói thêm.

Cần thêm chính sách hỗ trợ

Còn theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng phòng Pháp chế VCCI: "Vai trò của FDI tôi không muốn nói nhiều nhưng có 1 con số rất ám ảnh. Cách đây vài năm, 10 đồng xuất khẩu thì 5 đồng FDI, 5 đồng của doanh nghiệp dân doanh. Hiện nay thì 7,5 đồng đã của FDI rồi, dân doanh còn 2,5 đồng".

Dù vậy, vị chuyên gia cũng chỉ ra rằng, Việt Nam có một số điểm yếu bao gồm tham nhũng, chất lượng dịch vụ công, hạ tầng còn thấp.

"Trở lại câu hỏi chính, lan toả giữa khối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân còn chưa tốt, hàng năm, chúng tôi đều có những cuộc điều tra, trong đó cho thấy, các doanh nghiệp FDI chỉ mua khoảng 26,6% thiết bị, đầu vào từ doanh nghiệp Việt, còn lại là nhập khẩu và nhập từ công ty mẹ. Tôi đồng quan điểm với nhận định là sự liên kết giữa doanh nghiệp FDI và trong nước rất khiêm tốn. Dù có chuyển động nhưng rất chậm chạp", ông nói.

Theo ông Tuấn, đáng nói là những doanh nghiệp có giá trị gia tăng cao kết nối với doanh nghiệp trong nước ngày càng hạn chế.

"Vậy điều gì cản trở? Tôi cho rằng sự liên kết còn yếu do 3 yếu tố. Một là, chất lượng nhân lực chưa đáp ứng. Hai là, trình độ công nghệ và khả năng hấp thụ công nghệ. Ba là, khoảng cách địa lý ảnh hưởng rất lớn. Lương FDI trả cho nhân công khoảng 7 đến 8 triệu/người/tháng, doanh nghiệp nhỏ không đủ sức cạnh tranh. Khoảng cách giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI cũng rất lớn và năng lực cạnh tranh cũng rất kém. Do đó, cần có một chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước", ông nói thêm.

Phương Dung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm