1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Doanh nghiệp “tố” Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền trái khoáy

(Dân trí) - Công ty Cổ phần cửa cuốn Úc Smartdoor vừa tố cáo với giới báo chí xung quanh việc quyền sở hữu kiểu dáng công nghiệp đối với sản phẩm thanh nhôm định hình của Công ty này bị xâm phạm.

Doanh nghiệp “tố” Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền trái khoáy - 1
Quyết định xử phạt số 4695/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại đối với Công ty Austdoor (ảnh: Vũ Văn Tiến)

Lãnh đạo Tập đoàn Thiên Phú (Công ty mẹ của Công ty Cổ phần cửa cuốn Úc Smartdoor) khẳng định, tại Việt Nam, Công ty Smartdoor đã nhận được giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng li xăng số 1803/ĐKHĐSD ngày 18/12/2008 cho kiểu dáng công nghiệp theo văn bằng 8106 của Cục Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực đến 18/12/2010.

Tuy nhiên, trong suốt thời gian sử dụng mẫu kiểu dáng công nghiệp này, Công ty Smartdoor luôn bị các doanh nghiệp khác làm nhái, trong đó có Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hưng Phát, nay là Công ty cổ phần tập đoàn Austdoor. Công ty Austdoor đã hai lần bị Chi cục quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ do cố tình sản xuất, lưu thông, bán hàng hoá mang kiểu dáng công nghiệp nói trên với số lượng lớn.

Ngày 7/1/2009, Cục Sở hữu trí tuệ đã kết luận mẫu thanh nhôm định hình thu được từ Công ty Austdoor là vi phạm quyền đối với Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp số 8106 của Công ty Smartdoor. Sau đó 6 tháng, Cục Sở hữu trí tuệ thêm một lần nữa khẳng định lại điều này tại công văn số 957 gửi Đội quản lý thị trường số 17.

Tháng 8/2009, Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ đã giám định thanh nhôm định hình thu được từ Công ty Austdoor đã xâm phạm quyền đối với bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp số 8106 trong thời hạn hiệu lực của Công ty Smartdoor.

Sau đó, UBND thành phố Hà Nội đã ra quyết định xử phạt số 4695/QĐ-UBND vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại đối với Công ty Austdoor. Theo đó, Công ty Austdoor đã bị phạt trên 307 triệu đồng và buộc phải loại bỏ yếu tố vi phạm trên sản phẩm.

Tuy nhiên, mới đây, ngày 15/4/2010, Công ty Smartdoor lại nhận được công văn từ Công ty Austdoor yêu cầu chấm dứt việc sản xuất sản phẩm thanh kim loại định hình giống với kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ theo bằng độc quyền số 14163.

Sau khi tự tìm hiểu, Công ty Smartdoor tá hoả lên khi biết rằng, kiểu dáng công nghiệp theo bằng độc quyền số 14163 (do ông Hoàng Văn Tân, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ký) chính là kiểu dáng công nghiệp vi phạm quyền đối với Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp số 8106 mà Cục này đã cấp cho Smartdoor.

Trao đổi với Dân trí ngày 13/5, ông Trần Việt Hùng, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, về sự việc trên, Cục Sở hữu trí tuệ đã có công văn số 1644/SHTT-KDCN ngày 13/5/2010 trả lời những thắc mắc của  Công ty Cổ phần cửa cuốn Úc Smartdoor.

Công văn trên khẳng định: “Không có việc Cục Sở hữu trí tuệ cấp Văn bằng bảo hộ cho một kiểu dáng công nghiệp mà trước đó đã có kết luận về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Cục Sở hữu trí tuệ đang tiếp tục xem xét các hồ sơ có liên quan và sẵn sàng trao đổi trực tiếp với các bên liên quan nhằm làm rõ phạm vi bảo hộ của các kiểu dáng công nghiệp liên quan, cũng như hỗ trợ các biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp...”

Trao đổi với Dân trí ngày 13/5, ông Phạm Quang Hoàn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Phú cho biết: “Thật trớ trêu khi ông Hoàng Văn Tân, Cục phó Cục Sở hữu trí tuệ, người đã cấp bằng độc quyền cho Tập đoàn Thiên Phú và từng ký công văn làm cơ sở cho UBND TP Hà Nội xử phạt một doanh nghiệp vi phạm bằng độc quyền của Thiên Phú - lại vừa cấp bằng độc quyền “Thanh nhôm định hình” cho chính đơn vị này.

Hậu quả của việc làm “trái khoáy” trên gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp. Hiện nay, Tập đoàn Thiên Phú đang nghiên cứu khởi kiện Cục Sở hữu trí tuệ về hành động chưa từng có trong lịch sử sở hữu trí tuệ”.

Vũ Văn Tiến

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm