Doanh nghiệp thiệt hại vì “đói” ngoại tệ

(Dân trí) - Tại buổi đối thoại tháo gỡ khó khăn doanh nghiệp của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, không chỉ vướng về thủ tục vay vốn, doanh nghiệp còn chịu nhiều thiệt hại do không mua được USD từ các ngân hàng thương mại.

Doanh nghiệp thiệt hại vì “đói” ngoại tệ - 1
Chênh lệch tỷ giá giữa USD và Euro cũng khiến doanh nghiệp thiệt hại lớn (ảnh: Hữu Nghị).
 
Ngày 16/5, Hội nghị “Đối thoại với doanh nghiệp về tháo gỡ vướng mắc trong quan hệ giữa doanh nghiệp với ngân hàng” do Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức đã thu hút hơn 250 lãnh đạo các ngành khu vực phía Bắc và gần 500 doanh nghiệp tham dự.
 
Theo ý kiến của ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần chăn nuôi chế biến xuất nhập khẩu (Aprocimex): Trong một thời gian ngắn, việc NHNN nới biên độ tỷ giá lên +/-5% đã gây khó khăn cho doanh nghiệp. Cụ thể doanh nghiệp khó mua USD từ ngân hàng để thanh toán hàng hóa nhập khẩu, phục vụ sản xuất.
 
“Chúng tôi chủ yếu phải mua ngoại tệ trên chợ đen với giá cao. Cũng vì căng thẳng trên thị trường ngoại tệ, nhiều ngân hàng áp dụng trở lại quy định ký quỹ, nếu doanh nghiệp có đủ ngoại tệ để ký quỹ, thì việc xử lý của ngân hàng mất cũng tới 3 - 4 ngày, thậm chí tới 1 tuần” - ông Lý cho biết.
 
Ông Nguyễn Văn Tấn, Giám đốc Công ty Thương mại và Chế biến thực phẩm Thông Tấn bức xúc nói: Công ty vay 135.000 USD ở Việt Nam để nhập vật tư từ Trung Quốc, khách hàng trả lại bằng Euro, chúng tôi phải chịu chênh lệch lãi suất khi bán Euro giá thấp và mua USD giá cao trên thị trường tự do để trả nợ cho ngân hàng. Do đó, công ty bị thiệt hại hơn 300 triệu đồng vì chênh lệch tỷ giá, cơ sở sản xuất tạm ngừng hoạt động nửa tháng nay khiến công nhân phải nghỉ việc.
 
“Tôi xin hỏi, trong cùng một ngân hàng, cùng một loại ngoại tệ, sao ngân hàng không cho phép doanh nghiệp chuyển đổi từ Euro sang USD để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp?”, ông Tấn thắc mắc.
 
Đại diện một công ty xin được giấu tên “tố cáo”: “Muốn mua USD từ ngân hàng, doanh nghiệp phải ký 2 hợp đồng, một hợp đồng theo giá niêm yết và một hợp đồng có thêm các khoản phí. Các ngân hàng quốc doanh ít có chuyện bán cao hơn giá niêm yết, nếu không có USD họ trả lời là không có nhưng ít khi mình mua được. Do đó chúng tôi phải ra mua của ngân hàng cổ phần, mà phần lớn ngân hàng cổ phần đều bán giá cao hơn niêm yết”…
 
Giải đáp những thắc mắc này từ doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết: Trong mấy tháng đầu năm nay, tình hình kinh tế Việt Nam có nhiều tín hiệu tốt. Trước tiên là về xuất siêu, mặc dù xuất siêu có sự đóng góp của xuất khẩu vàng.
 
Tuy nhiên, thị trường ngoại tệ có sự căng thẳng. Doanh nghiệp trao đổi ngoại tệ trên thị trường tự do, dẫn đến việc chịu chênh lệnh biến động tỷ giá cao trong khi ngân hàng thương mại không mua được ngoại tệ nên không có ngoại tệ để đổi cho doanh nghiệp, tạo ra một vòng luẩn quẩn.
 
Để giải quyết vấn đề này, NHNN cũng đã có 6 quy định đối với thị trường ngoại hối. Trong đó có việc quy định xử lý nghiêm khắc đối với những tổ chức đẩy tỷ giá ngoại tệ vượt trần biên độ cho phép.
 
“Chúng tôi cũng đề nghị doanh nghiệp cung cấp cho NHNN qua đường dây nóng khi phát hiện trường hợp nâng tỷ giá ngoại tệ để xử lý. Bên cạnh đó, chúng tôi đề nghị các doanh nghiệp xăng dầu thay vì mua ngoại tệ, sẽ vay ngoại tệ để tăng nguồn cung USD cho ngân hàng”, ông Bảo nhấn mạnh.
 
An Hạ