Doanh nghiệp tăng năng suất lao động trên 50% từ sản xuất tinh gọn

(Dân trí) - Doanh nghiệp đã có bước nhảy vọt về năng suất lao động tới trên 50%, giảm tỷ lệ hàng lỗi xuống 8%, giảm chi phí sản xuất từ 5-10%/năm.

Đó là câu chuyện diễn ra tại Tổng Công ty May 10, doanh nghiệp đã áp dụng thành công sản xuất tinh gọn - Lean Manufacturing (gọi tắt là Lean) và sản xuất.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) ông Hà Minh Hiệp, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp (DN) cũng như nền kinh tế, tại Quyết định số 712/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 (Chương trình 712). Giai đoạn 2016 – 2018 của Chương trình 712 đã tiến hành đào tạo đội ngũ chuyên gia, bổ sung kiến thức về các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến NSCL như: Lean, TPM, KPIs,… cho hơn 3.000 học viên trên cả nước. Hàng nghìn doanh nghiệp trên cả nước đã được tiếp cận với các giải pháp nâng cao NSCL sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường

“Với sự nỗ lực và chủ động từ phía DN và sự hỗ trợ một phần của Chương trình 712, nhiều DN đã nghiên cứu, xây dựng và triển khai áp dụng thành công các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến NSCL, góp phần hợp lý hóa sản xuất, tiết giảm lãng phí, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản xuất hàng hóa và khả năng cạnh tranh của DN - trở thành các mô hình điểm về NSCL”, ông Hiệp cho hay.

Doanh nghiệp tăng năng suất lao động trên 50% từ sản xuất tinh gọn - 1
Nhờ áp dụng Lean, nhiều doanh nghiệp dệt may đã có những bước nhảy vọt trong nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm. Ảnh minh họa

Chia sẻ về lợi ích của việc đưa các công cụ cải tiến năng suất vào quá trình sản xuất của doanh nghiệp, TS Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng Trường đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp dệt may đã áp dụng Lean như một giải pháp nhằm nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa và được xem là hoạt động tạo giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp.

Cụ thể, tại Tổng Công ty May 10, sau khi áp dụng mô hình Lean, năng suất lao động tăng 52%, tỷ lệ hàng lỗi giảm 8%, giảm giờ làm 1 giờ/ngày, tăng thu nhập trên 10%, giảm chi phí sản xuất từ 5-10%/năm.

Cũng nhờ áp dụng Lean, năng suất toàn hệ thống của Tổng Công ty May Nhà Bè - CTCP đã tăng hơn 20% và điều quan trọng hơn là tạo sự cộng hưởng thi đua trong sản xuất của các đơn vị. Năng suất, chất lượng của từng chuyền đã được ổn định và kiểm soát qua từng giờ sản xuất. Thu nhập của người lao động tăng lên đáng kể. Đặc biệt từ khi áp dụng Lean, May Nhà Bè đã giảm giờ làm cho công nhân 1 giờ/ngày, được nghỉ chiều thứ 7 và tuyệt đối không phải làm ca, kíp.

Còn tại may Việt Tiến, kết quả do áp dụng Lean mang lại rất khả quan cho đơn vị: tiền lương công nhân tăng, giảm hàng lỗi, tiết kiệm mặt bằng để đầu tư thêm dây chuyền sản xuất mới mà không phải xây dựng nhà xưởng… Việc áp dụng công nghệ sản xuất mới theo phương pháp công nghệ Lean từ năm 2008 đến hiện nay đã phát huy tác dụng làm cho năng suất lao động nâng cao rõ rệt, tăng bình quân 20% so với trước đây.

Phong Lâm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm