1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Doanh nghiệp sản xuất chật vật vì thiếu điện

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Trong khủng hoảng thiếu điện vừa qua ở miền Bắc, việc cắt điện luân phiên ở các khu sản xuất công nghiệp ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ sản xuất cũng như thời gian giao hàng.

Doanh nghiệp khổ vì bị mất điện  

Trao đổi tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm phát triển ứng dụng điện mặt trời trong sản xuất công nghiệp của Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (Hansiba), ông Nguyễn Quang Vinh, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đã nhấn mạnh xu thế chuyển đổi xanh để "xanh hóa" hoạt động doanh nghiệp.

Theo ông Vinh, "xanh hóa" giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong thu hút đầu tư và nguồn vốn xanh. Đặc biệt, với các đối tác tại nhiều thị trường phát triển, việc đáp ứng các tiêu chuẩn về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường là yêu cầu bắt buộc đối với hàng hóa nhập khẩu.

Do đó, nếu doanh nghiệp Việt Nam không sớm có giải pháp để chứng minh hàng hóa, nguyên vật liệu, năng lượng sử dụng đạt tiêu chuẩn xanh thì sẽ khó có thể xuất khẩu được sang các thị trường quan trọng. "Đây không chỉ là vấn đề về chi phí mà là kế hoạch đầu tư dài hạn cho tương lai phát triển bền vững của doanh nghiệp", ông Vinh nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các doanh nghiệp cũng đều cho rằng năng lượng sạch có vai trò quan trọng trong sản xuất công nghiệp. Trong khủng hoảng thiếu điện vừa qua ở miền Bắc, việc cắt điện luân phiên ở các khu sản xuất công nghiệp như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nội, Thái Bình... khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ sản xuất cũng như thời gian giao hàng.

Doanh nghiệp sản xuất chật vật vì thiếu điện - 1

Năng lượng điện mặt trời dễ triển khai lắp đặt ngay trên mái nhà xưởng, nhà để xe, đất trống trong các khu công nghiệp (Ảnh: Dương Phong).

Năng lượng sạch giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh

Năng lượng điện mặt trời hiện đang được quan tâm nhiều nhất bởi yếu tố thuận lợi, dễ triển khai lắp đặt ngay trên mái nhà xưởng, nhà để xe, đất trống trong các khu công nghiệp.

Đánh giá về việc sử dụng năng lượng mặt trời áp mái đối với các doanh nghiệp sản xuất, ông Nguyễn Khắc Văn, Phó trưởng phòng Quản lý Năng lượng, Sở Công Thương Hà Nội, cho rằng việc sử dụng năng lượng tái tạo là xu hướng tất yếu mà các doanh nghiệp nên đi theo hướng dài hơi.

Theo đánh giá của ông Văn, phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam cũng có những lợi thế nhất định khi các nguồn năng lượng tái tạo đặc biệt là năng lượng áp mái được phát triển không giới hạn. Theo ông, đây cũng là yếu tố rất thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng nguồn năng lượng này trong thời gian tới.

Không chỉ vậy, ông Văn cũng cho rằng việc sử dụng năng lượng tái tạo sẽ có rất nhiều điểm lợi. Xét về mặt lưới điện, năng lượng tái tạo sẽ làm giảm phụ tải điện vì không phải truyền tải từ các nguồn phát từ xa.

Do đó, hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp cũng sẽ được nâng cao và giải quyết được nhiều vấn đề về thiếu hụt điện năng. Việc đầu tư cho năng lượng tái tạo còn là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi, lợi về nguồn thu cho doanh nghiệp cung cấp giải pháp và thiết bị, lợi về chi phí cho doanh nghiệp đầu tư sử dụng.

Về lợi ích lâu dài, ông nhấn mạnh việc doanh nghiệp sản xuất được cung cấp các chứng chỉ về phát triển bền vững khi sử dụng năng lượng xanh sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp khi cung ứng sản phẩm ra thị trường quốc tế.