1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

"Doanh nghiệp phát triển bền vững thực hiện mục tiêu kép như thế nào?"

Trường Thịnh

(Dân trí) - Rất nhiều những trăn trở của doanh nghiệp đi tìm giải pháp để vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi sản xuất - kinh doanh nhanh chóng đã được giải đáp trong hội thảo sáng 9/9 vừa qua của VBCSD-VCCI.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững lần thứ 8 (VCSF 2021), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VBCSD-VCCI) đã tổ chức thành công Hội thảo chuyên đề trực tuyến "Doanh nghiệp phát triển bền vững thực hiện mục tiêu kép" vào ngày 9/9.

Chương trình có sự tham gia của hơn 200 đại biểu đại diện cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức trong nước, quốc tế, các cơ quan truyền thông qua ứng dụng zoom và được phát sóng trực tuyến trên website sự kiện với hàng nghìn lượt theo dõi.

Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh làn sóng thứ tư của đại dịch Covid-19 đang gây ra những hệ quả hết sức nặng nề đến đời sống người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn quốc. Sức khỏe của doanh nghiệp đã bị suy giảm rõ rệt. Tuy nhiên, vượt lên trên những thách thức, những doanh nghiệp có sự cam kết mạnh mẽ, bền bỉ, kiên trì theo đuổi chiến lược phát triển bền vững trong nhiều năm qua vẫn trụ vững.

Những doanh nghiệp đó tự tạo ra được "kháng thể" trước đại dịch, duy trì ổn định hoạt động và tăng trưởng trong kinh doanh, hỗ trợ đắc lực cho Chính phủ, các cơ quan quản lý và cộng đồng trong việc thực hiện mục tiêu kép. "Bền để vững" - đó chính là thông điệp được truyền tải xuyên suốt trong hội thảo.

Phát biểu khai mạc chương trình, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI, Phó Chủ tịch điều hành VBCSD nhận định: "Bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, để sống chung và vượt qua đại dịch, mỗi doanh nghiệp cần phát huy nội lực của chính mình. Doanh nghiệp cần ưu tiên giải quyết vấn đề theo cả quan điểm kinh doanh lẫn quan điểm phát triển bền vững".

Ông Vinh cũng chia sẻ về sáng kiến thành lập "Hội đồng Hợp tác doanh nghiệp ứng phó Covid-19" của VCCI nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư và chỉ đạo của Chính phủ về việc các tổ chức, hiệp hội cần phát huy vai trò trong hỗ trợ doanh nghiệp thành viên, đặc biệt đẩy mạnh các hoạt động kết nối, chia sẻ thông tin, giúp các doanh nghiệp cùng nhau vượt qua khó khăn.

Hội đồng sẽ là nơi tập hợp sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp, kết nối các hiệp hội doanh nghiệp và các tổ chức liên quan cùng VCCI để chung tay với Chính phủ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn do đại dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi và phát triển.

Doanh nghiệp phát triển bền vững thực hiện mục tiêu kép như thế nào? - 1

Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI, Phó Chủ tịch điều hành VBCSD phát biểu khai mạc hội thảo.

Đại diện cho Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, bà Dorsati Madani, Chuyên gia Kinh tế cao cấp đã có bài trình bày về "Triển vọng kinh tế toàn cầu và tác động đến Việt Nam". Báo cáo của WB đã chỉ ra rằng trong phạm vi quốc gia, việc kiểm soát được dịch bệnh và đẩy nhanh hoạt động tiêm vắc xin đóng vai trò quan trọng đối với triển vọng tăng trưởng trong giai đoạn 2021-2022.

Tăng trưởng kinh tế cũng sẽ phụ thuộc vào triển vọng phục hồi của các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc - những khu vực đang chứng kiến sự phục hồi kinh tế, giúp tạo ra động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.

Cũng theo bà Dorsati, kinh tế Việt Nam được kì vọng sẽ phục hồi trở lại vào quý IV và GDP ước tăng khoảng 4.8% trong năm nay, tuy nhiên vẫn có những rủi ro đe dọa tăng trưởng. Các chính sách sau của Chính phủ có thể giúp giảm bớt các rủi ro trong trung và dài hạn đối với nền kinh tế: Giải quyết các hệ quả xã hội của khủng hoảng; cảnh giác với những rủi ro trong việc nợ xấu gia tăng và chuyển rủi ro từ nền kinh tế thực sang khu vực tài chính; và cảnh giác với những rủi ro tài khóa.

Doanh nghiệp phát triển bền vững thực hiện mục tiêu kép như thế nào? - 2
Đại diện Ngân hàng Thế giới khuyến cáo những rủi ro có thể tác động đến sự phục hồi kinh tế của Việt Nam và đưa ra các khuyến nghị giảm thiểu rủi ro.

Bên cạnh phần chia sẻ của tổ chức quốc tế, hội thảo tập trung đi sâu vào thực tiễn hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam trong thời gian qua, mở đầu với phần trình bày của ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam, Đồng Chủ tịch VBCSD-VCCI về "Cơ hội và thách thức của ngành thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam trước đại dịch".

Ông cho biết: "Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam đã tác động sâu sắc lên tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả ngành công nghiệp đồ uống và thực phẩm đóng gói. Các doanh nghiệp đã nỗ lực hết mình nhằm đảm bảo tính liên tục của hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh các chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng một cách nghiêm trọng".

Để vượt qua những thách thức này và duy trì hoạt động kinh doanh, từ góc nhìn của doanh nghiệp tiêu biểu trong ngành, đại diện Nestlé Việt Nam khuyến nghị bốn nhóm giải pháp.

Nhóm 1 là ưu tiên tiêm phòng đầy đủ cho tất cả công nhân và nhà thầu làm việc trong các nhà máy sản xuất đồ uống và thực phẩm thiết yếu. Nhóm 2 là trao quyền tự quyết cho doanh nghiệp trong việc áp dụng mô hình phòng chống Covid-19 tại các nhà máy dựa trên các hướng dẫn của Bộ Y tế.

Nhóm 3 là các quy định liên quan đến phòng chống dịch Covid-19 tại các địa phương cần được đơn giản hóa và thống nhất với chỉ đạo từ Trung ương; và nhóm 4 là số hóa các thủ tục hành chính công nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc nộp và phê duyệt hồ sơ trực tuyến, đặc biệt trong thời gian áp dụng giãn cách xã hội.

Doanh nghiệp phát triển bền vững thực hiện mục tiêu kép như thế nào? - 3

Bức tranh của ngành thực phẩm và đồ uống trước đại dịch cùng những đề xuất giải pháp để hỗ trợ cho sự ổn định và tăng trưởng của ngành được đại diện Nestlé Việt Nam chia sẻ.

Tiếp đến là phiên Tọa đàm "Doanh nghiệp phát triển bền vững thực hiện mục tiêu kép" do bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Deloitte Việt Nam, Phó Chủ tịch VBCSD điều phối.

Tọa đàm quy tụ sự tham gia của ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng Thư ký VCCI kiêm Phó Chủ tịch điều hành VBCSD; ông Phan Đức Hiếu - Đại biểu Quốc hội; bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO); bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội đồng quản trị PNJ, Phó Chủ tịch VBCSD; ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc C.P Việt Nam và bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Hội đồng Thành viên kiêm Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại AEON Việt Nam.

Đại diện VCCI, VBCSD - cơ quan đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp và tổ chức thúc đẩy phát triển bền vững doanh nghiệp, ông Vinh đánh giá qua 4 đợt dịch, doanh nghiệp đang dần kiệt sức và "cạn" tiền.

Theo ông Vinh, nguyên nhân chính là do đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước. Nhìn từ góc độ phát triển bền vững, có thể thấy doanh nghiệp đang mất cân bằng giữa 3 trụ cột: Vốn tài chính, vốn xã hội và vốn môi trường. Thực trạng hiện nay cho thấy đại dịch đang ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến nguồn vốn tài chính và nguồn vốn xã hội của doanh nghiệp. Cạn tiền và khủng hoảng nhân sự đang là những vấn đề cốt tử của doanh nghiệp hiện tại.

Bên cạnh yếu tố tác động tiêu cực từ đại dịch, thì khả năng quản trị rủi ro, quản trị khủng hoảng yếu kém cũng là một nguyên nhân lớn. Cũng theo đại diện VCCI, VBCSD, các doanh nghiệp thực hiện chiến lược phát triển bền vững nói chung, và áp dụng Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) nói riêng đã cho thấy sức chống chịu tốt hơn hẳn so với mặt bằng chung.

Đó là những doanh nghiệp có sức bền dẻo dai hơn, nên khả năng phục hồi cũng cao hơn. Để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận những kiến thức cập nhật về quản trị khủng hoảng, VCCI cùng đối tác kỹ thuật - Deloitte Việt Nam sẽ ra mắt phiên bản thứ hai của cuốn Cẩm nang Quản trị công ty - ứng phó, phục hồi và phát triển thời khủng hoảng trong tháng 9.

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu tiếp tục chia sẻ về kết cấu nền kinh tế gắn với phát triển bền vững doanh nghiệp và đề xuất những giải pháp cho doanh nghiệp Việt tiếp tục xây dựng và duy trì cấu trúc phát triển bền vững đó.

Đại diện cho LEFASO, bà Phan Thị Thanh Xuân đưa ra bức tranh của ngành da giày-túi xách, cùng những kiến nghị tập trung vào phục hồi sản xuất theo hướng sản xuất an toàn để khắc phục và vượt qua khó khăn của đại dịch.

Doanh nghiệp phát triển bền vững thực hiện mục tiêu kép như thế nào? - 4
Phiên thảo luận trong tọa đàm đã thu hút đông đảo bình luận và đánh giá cao từ các đại biểu tham gia chương trình.

Tham gia tọa đàm cũng có đại diện các doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực nông nghiệp - thực phẩm, phân phối và doanh nghiệp niêm yết thực hiện sản xuất - bán lẻ, đặc biệt đây đều là những doanh nghiệp có cam kết mạnh mẽ với kinh doanh có trách nhiệm, kinh doanh bền vững.

Những khó khăn và giải pháp để giải quyết các vấn đề trong ổn định chuỗi cung ứng, đảm bảo sản xuất kinh doanh, lợi ích của người lao động, và các sáng kiến chuyển đổi mô hình kinh doanh, áp dụng các phương thức kinh doanh dựa trên chuyển đổi số đã được các doanh nghiệp chia sẻ và nhận được sự hưởng ứng từ đại biểu tham gia hội thảo.

Các kiến nghị từ hội thảo sẽ được tập hợp và báo cáo lên Chính phủ và Hội đồng Hợp tác doanh nghiệp ứng phó Covid-19 của VCCI, từ đó góp phần xây dựng kế hoạch hành động của VCCI hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất- kinh doanh hiệu quả hơn trong thời gian tới. Đại biểu quan tâm có thể xem lại sự kiện tại https://vcsf.vbcsd.vn/.

Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) là hoạt động thúc đẩy đối thoại về phát triển bền vững doanh nghiệp quan trọng nhất trong năm do VBCSD-VCCI chủ trì. Năm nay, VCSF được tổ chức với chủ đề "Hướng tới thập kỷ phát triển bền vững tốt đẹp hơn: Không để ai bị bỏ lại phía sau".

Những nội dung trọng điểm dự kiến sẽ được thảo luận tại diễn đàn năm nay chính là những vấn đề then chốt cần được giải quyết nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội bao trùm và bền vững trong thập niên 2021-2030, bao gồm: Doanh nghiệp phát triển bền vững thực hiện mục tiêu kép; Kinh tế tuần hoàn: Tương lai của tăng trưởng kinh tế bình đẳng và bền vững; Quản trị doanh nghiệp bền vững với CSI và Tối ưu hóa chuyển đối số doanh nghiệp.

VCSF 2021 có sự đồng hành của Nestlé Việt Nam, BAT Việt Nam và nhiều đối tác khác.