1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Doanh nghiệp phải trở thành 1 phần trong dòng chảy xã hội

Trường Thịnh

(Dân trí) - Theo bà Nguyễn Thị Hà- Tổng giám đốc Công ty sữa VitaDairy, nhận thức của người tiêu dùng đã thay đổi rất nhiều theo những biến động của xã hội và doanh nghiệp phải nỗ lực để trở thành một phần trong dòng chảy của xã hội.

Theo bà Nguyễn Thị Hà- Tổng giám đốc Công ty sữa VitaDairy, nhận thức của người tiêu dùng đã thay đổi rất nhiều theo những biến động của xã hội và doanh nghiệp phải nỗ lực để trở thành một phần trong dòng chảy của xã hội.

Bà Nguyễn Thị Hà: Doanh nghiệp nào cũng cần bán hàng. Phải bán được nhiều hàng chúng tôi mới có thể sống. Phải bán được nhiều hàng mới có thể duy trì được công ăn việc làm cho người lao động của mình. Để giữ được việc cho gần 1.000 người lao động, đối với một doanh nghiệp quy mô vẫn ở mức nhỏ và vừa như chúng tôi là rất khó khăn.

Nhưng, cuộc chiến chống dịch còn vất vả, khốc liệt hơn nhiều. Là một công ty sữa được thành lập bởi các bác sĩ, hơn ai hết, chúng tôi thấu hiểu y bác sĩ cần gì trong những ngày phải chiến đấu chống dịch bệnh.

Đó là lý do chúng tôi đắp chỗ này, đổi chỗ kia để đóng góp vào Quỹ Bảo vệ y bác sĩ 24h số tiền 9,5 tỉ đồng, đúng như cam kết khi phát động chiến dịch cứ mỗi chia sẻ hình ảnh y bác sĩ kèm hashtag của chiến dịch trên facebook, công ty sẽ thay mặt người chia sẻ đóng góp 10.000 đồng vào quỹ.

Tiền ủng hộ là từ công ty. Vậy tại sao công ty không mang 9,5 tỉ đồng ấy đi tặng y bác sĩ, mà lại phải lập quỹ rồi kêu gọi cộng đồng chia sẻ?

Bà Nguyễn Thị Hà: Khi dịch bệnh bắt đầu tràn vào Việt Nam hồi đầu năm nay, câu chuyện thường xuyên được trao đổi ở trong công ty chúng tôi là vai trò của ngành y trong cuộc chiến chống dịch. Một trong hai thành viên sáng lập VitaDairy hiện vẫn đang là bác sĩ hồi sức cấp cứu tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội. Anh chia sẻ rằng, vào năm 2003, khi xảy ra dịch SARS, nhiều y bác sĩ ở Bệnh viện Việt Pháp đã ngã xuống trong cuộc chiến chống dịch, đến mức rúng động cả ngành y.

Các bác sĩ chuyên khoa ở các bệnh viện tuyến đầu đều phải chuẩn bị tâm lý tham gia chống dịch bất cứ khi nào. Tất cả họ đều sẵn sàng với suy nghĩ mình có thể phải tiếp bước đồng nghiệp của mình ở Bệnh viện Việt Pháp.

Khi bước vào vùng dịch, cách ly cùng người bệnh, không thể trở về nhà chừng nào dịch chưa dứt, chúng tôi biết các y bác sĩ cô đơn đến nhường nào. Thế cho nên, thay vì làm một việc đơn giản là mang tiền đi đóng góp, chúng tôi kêu gọi cộng đồng  tham gia. Và kết quả là các y bác sĩ biết rằng, họ không chỉ có 9,5 tỉ đồng để mua đồ bảo hộ, mà quan trọng hơn là có 860.000 người sát cánh với họ. Không ai đơn độc độc trong cuộc chiến này. Hơi ấm hậu phương sẽ mang đến cho họ sức mạnh để chiến đấu và chiến thắng.

Doanh nghiệp phải trở thành 1 phần trong dòng chảy xã hội - 1
 

Vậy còn doanh nghiệp, bà có cho rằng, doanh nghiệp có thể vượt qua dịch bệnh và khủng hoảng?

Bà Nguyễn Thị Hà: Khó khăn vẫn còn đó. Chúng tôi vẫn đang đối diện mỗi ngày. Và quả thực, khi phát động chiến dịch bảo vệ y bác sĩ, chúng tôi không có nhiều tiền đến thế. Ban đầu chỉ nghĩ là thu vén được khoảng 4 tỉ đồng để đóng góp cho ngành y chống dịch. Nhưng bất ngờ là quá nhiều người hưởng ứng, công ty rơi vào cảnh "vỡ quỹ". Hội đồng quản trị lúc ấy quyết định mượn trước quỹ marketing của năm sau để đảm bảo xã hội đồng hành đến đâu công ty đóng góp đến đó.

Nhưng cũng nhờ hiệu ứng tích cực của cộng đồng, chúng tôi nhận ra rằng, trong cơn nguy khó, nhận thức của người tiêu dùng cũng đã thay đổi rất nhiều. Thay vì chỉ đơn giản là tiêu dùng một sản phẩm, giờ đây người ta tiêu dùng một hình ảnh doanh nghiệp, tiêu dùng một văn hoá kinh doanh.

Thế nên, doanh nghiệp không thể chỉ làm một việc duy nhất là bán hàng, mải mê kiếm lợi từ xã hội, mà không mang đến việc đóng góp những giá trị thiết thực khi xã hội cần.

Khủng hoảng không phải là cơ hội kinh doanh, mà là cơ hội để doanh nghiệp chứng tỏ mình là một thành phần tích cực của xã hội. Chúng tôi cùng chung một mối âu lo và cùng chìa một vai gánh vác. Chúng tôi nhận ra rằng, cách để có một chỗ đứng vững bền là phải hoà mình vào đời sống và trở thành một phần trong dòng chảy của xã hội này.

Xin cảm ơn bà!