1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Doanh nghiệp phá sản phần lớn do không biết cách sử dụng vốn

(Dân trí) - Đồng ý rằng lãi suất cao là một trong những nguyên nhân dẫn tới "cơn bão" phá sản doanh nghiệp thời gian qua, song người phát ngôn Chính phủ cũng nhìn nhận, phần lớn là do doanh nghiệp quá nhỏ, có phương án sử dụng vốn không tốt nên mới bị nhà băng từ chối.

Doanh nghiệp phá sản phần lớn do không biết cách sử dụng vốn
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ công bố tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2012, trong quý I, có trên 2.200 doanh nghiệp và có trên 9.700 doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn hoặc dừng thực hiện nghĩa vụ thuế.

Trong khi đó, số doanh nghiệp thành lập mới là trên 15.300 doanh nghiệp. Báo cáo có nhận định “mặc dù tình hình kinh tế khó khăn song số doanh nghiệp thành lập mới vẫn lớn hơn số doanh nghiệp giải thể và đăng ký ngừng hoạt động”.

Nói về “cơn bão” giải thể của các doanh nghiệp vừa qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam thừa nhận, đó là một thực tế phải đối mặt. Theo đó, việc nhiều doanh nghiệp ngừng sản xuất và giải thể phản ánh một thực trạng là sản xuất có khó khăn, đặc biệt là với những doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, “Ở Việt Nam, quan niệm doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có khác so với các nước. Thực ra, ở chúng ta phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và cực nhỏ”.

Trong số các doanh nghiệp giải thể, rất nhiều trong số này là các doanh nghiệp đăng ký hoạt động kinh doanh nhưng chủ yếu là có quy mô rất nhỏ, vì thế số doanh nghiệp phải giải thể nhiều này không ảnh hưởng nhiều đến tình hình lao động”.

 Số lượng doanh nghiệp không quan trọng bằng chất lượng nền kinh tế

“Mổ xẻ” nguyên nhân vấn đề, người phát ngôn Chính phủ cho biết, vấn đề này có liên quan đến tốc độ tăng trưởng (đạt thấp, chỉ 4% trong quý I) và thậm chí là tốc độ tăng trưởng tín dụng còn ở mức âm.

“Đúng là nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được đến vốn vay ngân hàng”, ông nói. Song, ở đây có phần do lãi suất cao, nhưng còn có phần thuộc về bản thân doanh nghiệp.

Bởi trên thực tế, các ngân hàng cũng phải xem xét liệu vốn cho vay có thể có khả năng hoàn trả không. Do đó, có những doanh nghiệp khi trình bày phương án sử dụng vốn thì không được phía ngân hàng chấp nhận.

Và theo Bộ trưởng, chúng ta phải lưu ý một thực tế rằng, nhiều doanh nghiệp trong nhiều năm qua đăng ký và tồn tại nhưng hầu như lại không có hoạt động thực tế, không phát sinh doanh thu chịu thuế.

“Và cũng có hiện tượng là một cá nhân hay một doanh nghiệp lớn vì tính toán trong kinh doanh khác nhau, song phù hợp với quy định của pháp luật, đã lập ra rất nhiều doanh nghiệp nhỏ” - trích lời Bộ trưởng.

Ngoài ra, ông cũng chỉ ra rằng, có nhiều doanh nghiệp trước đây đã ngưng trệ sản xuất, bây giờ tại đúng thời điểm có những chính sách quản lý vĩ mô mới của nhà nước, đặc biệt là liên quan đến các quy định về tài chính, ngân hàng, đã chủ động làm thủ tục giải thể

Bộ trưởng nhìn nhận, trong nền kinh tế thị trường, việc các nhà kinh doanh lập các doanh nghiệp, đăng ký mới cũng như đóng cửa sản xuất là chuyện bình thường.

Theo đó, hướng điều hành của Chính phủ không chỉ trong năm nay và còn nhiều năm tới là tạo ra một nền kinh tế theo cơ chế thị trường, định hướng Xã hội chủ nghĩa. Như vậy, “số lượng các doanh nghiệp nhiều hay ít không quan trọng bằng chất lượng, hiệu quả kinh doanh của cả nền kinh tế” – ông kết luận.

Cần nhiều hơn các biện pháp hỗ trợ

Đề cập đến vấn đề tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, Bộ trưởng Đam cho rằng,  có rất nhiều giải pháp đồng bộ, từ vấn đề tiền tệ cho đến thuế và những giải pháp cải cách thủ tục hành chính.

Việc giãn thuế, trước đây, Bộ Tài chính cũng đã có đề xuất trình lên Chính phủ.

Mới đây, vấn đề này lại tiếp tục được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhắc lại. Bộ trưởng Đam cho biết, hiện đề xuất này đã được Chính phủ giao cho Bộ Tài chính và các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu trình phương án.

Điều đáng lưu ý mà người phát ngôn Chính phủ nhắc đến trong phiên họp báo lần này, đó là, qua thực tiễn cho thấy, các biện pháp giãn thuế này mới chỉ tập trung vào những doanh nghiệp có lợi nhuận chịu thuế.

Vì vậy, những doanh nghiệp rất khó khăn, chưa có lợi nhuận để được giãn thuế thì cũng cần có các giải pháp về thuế để hỗ trợ các doanh nghiệp diện này, ông nói.

Bích Diệp