1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Doanh nghiệp phá sản, cả họ vạ lây

Doanh nghiệp (DN) phá sản, ông chủ trắng tay là chuyện thường tình. Nhưng trớ trêu là đằng sau đó là rất nhiều người thân, họ hàng cùng góp vốn, làm ăn cũng bị vạ lây, thất nghiệp, vỡ nợ, mất nhà… thậm chí lâm vào vòng lao lý.

Doanh nghiệp phá sản, cả họ vạ lây
Rất nhiều người thân, họ hàng cùng góp vốn, làm ăn cũng bị vạ lây, thất nghiệp, vỡ nợ, mất nhà… thậm chí lâm vào vòng lao lý khi DN mà họ đầu tư phá sản.
 
Cùng theo một DN

 

Vốn đang làm nhân viên kinh doanh tại Công ty thép Hòa Phát với thu nhập ổn định, anh Nguyễn Ngọc Hùng về đầu quân cho anh rể cùng làm dân kinh doanh thép Posco mở DN. Doanh nghiệp thép Hùng Dũng ra đời năm 2006 có trụ sở tại đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội nhanh chóng lớn mạnh cùng với đà xây dựng như vũ bão của các khu đô thị vùng ven đô.

 

Làm ăn được, lần lượt vợ, rồi em trai, em dâu của vợ anh về đầu quân cho doanh nghiệp Hùng Dũng với các vị trí then chốt như phó giám đốc, trưởng phòng kinh doanh, kế toán trưởng, tài vụ, phân phối, giám sát...

 

Lúc cao điểm, doanh nghiệp Hùng Dũng có đến hơn 100 nhân viên tại địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận. Trong số đó, ngoài những vị trí chủ chốt là người nhà thì quá nửa cùng là thân quen họ hàng.

 

Anh Hùng kể: "Mọi chuyện bắt đầu xấu đi từ cuối năm 2009. Khi nhiều công trình là đối tác của công ty bất ngờ đắp chiếu do thiếu vốn khiến công việc làm ăn của công ty bị đình trệ. Để xoay xở, công ty tung anh em nhân viên kinh doanh đi các tỉnh... kiếm mối làm ăn. Cầm cự đến hết năm 2011 thì công ty đã lâm vào đường cùng, nợ người, người nợ, ngân hàng "cấm cửa"... DN coi như đóng cửa nghỉ hẳn.

 

DN thua lỗ đã là đau đớn lắm, nhưng buồn hơn là bây giờ cả nhà, anh em thân quen cùng làm ăn với mình giờ đều cảnh thất nghiệp, khổ sở. Nhất là mấy người cho công ty mượn tiền, họ không đòi nhưng tôi không dám đi gặp mặt".

 

Công ty Cổ phần Nhật Anh (Nhat Anh JSC) ở phố Hoàng Văn Thái - Hà Nội có mối làm ăn với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc trong lĩnh vực linh kiện điện tử.

 

Ông chủ Trần Đại Nghĩa xuất thân là nhân viên kinh doanh công ty điện tử Samsung nhiều năm kinh nghiệm làm cho doanh nghiệp nước ngoài. Mở DN riêng, ông Nghĩa cho gọi em trai, em dâu và rất nhiều hàng xóm cùng quê (Xuân Trường. Nam Định) về đầu quân.

 

Đang là nhân viên tín dụng của công ty bảo hiểm Bảo Việt, chị Quách Thị Dung, cùng quê với ông Nghĩa, về đầu quân cho Nhật Anh với tiền lương gấp rưỡi tại Bảo Việt. Không lâu sau, anh Trần Việt Bình, chồng chị cũng chia tay Nhà máy phụ tùng số 1 về làm nhân viên kỹ thuật cho ông Nghĩa.

 

Giờ thì chị Dung đang nghỉ không lương ở nhà. Chị kể: "Khi thấy công ty làm ăn khó khăn, đối tác liên tục nợ chậm tiền hàng, đối tác bên nước ngoài lại ít đơn đặt hàng do hàng không phân phối được. Biết DN đang gặp khó khăn chung, chồng tôi chủ động xin chuyển việc nhưng sếp động viên nên ở lại gánh vác. Nhưng đến khi DN không hy vọng gì nữa, chồng tôi mới xoay qua chỗ đã định chuyển tới nhưng người ta đã lắc đầu bởi họ cũng khó khăn".

 

"Bây giờ không chỉ nhà tôi mà nhiều anh em đồng nghiệp làm cùng công ty cũng khốn khó. Tết này nhóm đồng hương này buồn, không muốn về quê ăn tết".

 

Còn Trương Công Linh là dân giám sát xây dựng lâu năm, khi đủ sức thành lập công ty tư vấn riêng đã gọi rất nhiều anh em cùng quê Hương Khê - Hà Tĩnh về cùng làm. Nào ngờ xây dựng đình trệ, DN gần như không có việc làm, nhân viên thất nghiệp vạ vật đầy văn phòng. Dù sắp phá sản nhưng Linh không nỡ đuổi ai vì đều là con trong làng trong họ. May thay, cuối cùng anh cũng xoay ra làm rửa xe, chăm sóc ôtô, sửa chữa nhà dân dụng để... lo việc cho anh em sống qua ngày.

 

Vạ lây vì thân DN

 

Vợ chồng anh Hùng gần như tuyệt vọng khi vợ sinh con nhỏ, còn chồng thì thất nghiệp. Anh Hùng đã ngoài 40 nay cầm hồ sơ xin việc chạy khắp nơi đã mấy tháng mà không kiếm được việc làm.

 

Kinh tế gia đình khó khăn, cộng với cả họ hàng thất nghiệp theo doanh nghiệp Hùng Dũng, cả đại gia đình của anh Hùng như có đám, ít ai liên hệ với ai, thân ai người ấy lo chạy đôn chạy đáo kiếm việc làm có thu nhập qua đận khó.

 

Anh Hùng ngậm ngùi: "Tháng 8 vừa rồi, bố vợ tôi bị phát hiện ung thư vòm họng, cả nhà ai cũng khó khăn nên ông cụ nằm viện mấy bữa xin về vì không muốn con cái khó xử. Chúng tôi không nghe nên cụ vẫn nằm viện song anh em cũng chia nhau chăm sóc rồi kiếm đường đi làm thêm".

 

Căn nhà khang trang của ông chủ doanh nghiệp Hùng Dũng trên đường Phạm Văn Đồng giờ cửa đóng then cài. Nghe nói, giờ nó đã thuộc quyền sở hữu của một ngân hàng thương mại. Bà vợ ông chủ doanh nghiệp này đã đưa hai con về tập thể Thành Công ở với cha mẹ đẻ, còn ông chồng bà đã trốn nợ ở đâu đó nửa năm nay không còn liên lạc được.

 

Bữa cơm chiều cuối năm của mấy gia đình quê Xuân Trường, Nam Định được tổ chức ở nhà chị Dung, anh Bình ở A 12 tập thể Thanh Xuân Bắc trong không khí ảm đạm.

 

Anh Bình cười méo xệch: "Hai vợ chồng hai đứa con, mấy năm trước tính theo bác Nghĩa vài năm chuyển ra mua đất xây nhà. Giờ vẫn căn nhà tập thể ọp ẹp lo ăn từng bữa. Gần năm nay có bao nhiêu tiền tiết kiệm chi tiêu hết. Tôi đi làm thuê cho một xưởng gia công cơ khí tận dưới Thường Tín, vợ thì bán bánh giò buổi sáng ở cổng trường học".

 

Anh Bình kể: "Chị Hoa vốn nhà nhân viên kế toán ở Công ty môi trường đô thị Hà Nội; anh Quốc từng làm nhân viên kỹ thuật ở nhà máy in Hà Nội Mới; chị Chi bỏ làm phiên dịch cho doanh nghiệp của Hàn Quốc... Tất cả mấy anh em đều cùng quê, tính quây quần cùng anh Nghĩa làm ăn, xây dựng cơ nghiệp, nào ngờ...".

 

Anh Bình và những người đồng hương đang đau đáu nỗi niềm, cuối năm rồi, đưa nhau về quê ăn Tết ra sao khi tiền tiêu đang phải tính từng ngày. Anh Bình lẩm bẩm: Có hai vợ chồng trẻ cùng quê, đang làm cho doanh nghiệp nước ngoài thế nào rủ nhau đầu quân cho ông Nghĩa, giờ thất nghiệp cả hai nên vợ chồng trục trặc, không biết có đến mức ly hôn hay không?

 

Theo Song Linh

VEF

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm