Doanh nghiệp nước ngoài: Việt Nam sẽ mở cửa thế nào?

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - "Hiện nay, khi tôi trao đổi với các doanh nghiệp ở Áo, câu hỏi đầu tiên của doanh nghiệp và Bộ Kinh tế Áo là bao giờ Việt Nam mở cửa? Việt Nam sẽ mở cửa như thế nào?" - Đại sứ Nguyễn Trung Kiên nói.

Doanh nghiệp ngoại mong sớm mở đường bay

Tại tọa đàm với chủ đề "Triển khai Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển lấy doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ - Giải pháp và hành động" diễn ra ngày 10/12, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết, mối quan tâm chính của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam là nắm bắt thời thế, đón trước cơ hội để thích ứng thành công.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ, các doanh nghiệp Việt Nam với chỉ số sinh tồn, vượt khó cao đã "sống sót" và đang tiếp tục tìm cơ hội thịnh vượng trong bình thường mới. Hiện tại, Việt Nam đang chuyển mình.

Việt Nam đang chủ trương bình thường mới, kinh doanh, thích ứng với dịch bệnh. Mới đây nhất, các bộ, ngành của Việt Nam đã đồng thuận bình thường hóa các chuyến bay thương mại, tạo cơ hội tốt để khôi phục sản xuất, kinh doanh thương mại.

Doanh nghiệp nước ngoài: Việt Nam sẽ mở cửa thế nào? - 1

Cuộc tọa đàm "Triển khai Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển lấy doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ - Giải pháp và hành động" (Ảnh: TTXVN).

Bên lề cuộc tọa đàm, Đại sứ Việt Nam tại Anh Nguyễn Hoàng Long bày tỏ sự thấu hiểu về nhu cầu đảm bảo an toàn khi mở cửa nhưng cũng nhấn mạnh mở đường bay là mong muốn của các sứ quán và rõ ràng muốn khôi phục kinh tế thì bắt buộc phải mở đường bay.

"Khi tăng cường hợp tác kinh tế, các doanh nghiệp phải tăng cường giao thương, giao lưu, đi lại, các nhà đầu tư phải sang tận nơi gặp nhau, nhìn nhau còn nếu chỉ gặp trực tuyến không thì cũng rất khó" - Đại sứ Long nói.

Trong khi đó, Đại sứ Việt Nam tại Áo Nguyễn Trung Kiên cho biết: "Hiện nay, khi tôi trao đổi với các doanh nghiệp ở Áo, câu hỏi đầu tiên của doanh nghiệp và Bộ Kinh tế Áo là bao giờ Việt Nam mở cửa? Việt Nam sẽ mở cửa như thế nào?".

Cũng theo Đại sứ Việt Nam tại Áo, trong trao đổi, bạn bè và cộng đồng doanh nghiệp sở tại đều cho rằng khi trao đổi giao thương thì không online được.

"Online chỉ có thể cung cấp cho nhau thông tin, cung cấp cho nhau về sản phẩm, nhưng khi đàm phán thì không được. Rất nhiều doanh nghiệp Áo muốn vào Việt Nam quan tâm điều kiện cách ly, điều kiện quay trở về, vào thì làm việc với ai, đi thăm nhà xưởng, thăm sản phẩm, xem nguyên liệu như thế nào… Nếu không vào được thì không thể làm ăn kinh tế được" - Đại sứ Nguyễn Trung Kiên cho biết và nói thêm nhu cầu trở về thăm thân của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có cộng đồng người Việt Nam tại Áo.

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tại Mỹ

Tại cuộc tọa đàm, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc cho rằng, ngoại giao kinh tế, ngoại giao phục vụ doanh nghiệp giờ đây trở thành cốt lõi trong hoạt động của các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam, đặc biệt là Mỹ.

"Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất và quan trọng nhất của Việt Nam. Chính sách của Mỹ về cơ bản vẫn mở cửa cho các sản phẩm của Việt Nam vào Mỹ. Tuy nhiên, các hàng rào về kỹ thuật, chống bán phá giá, phòng vệ thương mại được dựng lên ngày càng nhiều, nhất là những nhóm mặt hàng có tốc độ tăng nhanh, tăng cao vào thị trường này thì sẽ rơi vào tầm ngắm của các nhà sản xuất, các hiệp hội cũng như các chính quyền" - ông Ngọc cho hay.

Vị Đại sứ cũng chỉ ra rằng thị trường Mỹ rất rộng lớn và có nhu cầu thu hút đầu tư. Hiện Việt Nam có 200 dự án đầu tư tại Mỹ và thành công phải kể đến một doanh nghiệp lớn đầu tư sản xuất xe điện và một doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thân thiện với môi trường với tổng vốn đầu tư tới 1 tỷ USD.

"Chúng tôi nghĩ vào thị trường Mỹ thì không đơn giản nhưng cũng có nhiều cơ hội và khi đã vào được thì cơ hội thành công khá cao" - Đại sứ Hà Kim Ngọc nói và cho biết một số xu hướng mới mà Mỹ phát triển mạnh, thậm chí bùng nổ khi đại dịch là kinh tế số, kinh tế xanh và đây là những lĩnh vực các doanh nghiệp Việt Nam nên tìm hiểu.