1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Doanh nghiệp nội và giấc mơ giữ thương hiệu Việt cho người Việt

Từ khoản đầu tư tài chính ban đầu cho tới giấc mơ giữ gìn và xây dựng thương hiệu bánh kẹo Việt cho người Việt, một doanh nghiệp nội đang mang lại những góc nhìn mới mẻ đầy cảm hứng về bức tranh cộng đồng doanh nghiệp hiện nay.


Thời gian đầu, SSI chiếm trên 35% cổ phần tại Bibica (Ảnh minh họa)

Thời gian đầu, SSI chiếm trên 35% cổ phần tại Bibica (Ảnh minh họa)

Thế cờ đảo ngược tại Bibica

Năm 2007, Lotte trở thành cổ đông lớn và tham gia hoạt động điều hành thương hiệu bánh kẹo có tiếng của Việt Bibica (BBC) với tỷ lệ nắm giữ hơn 30%. Sau đó, Lotte liên tục nâng tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu BBC của Lotte và không giấu diếm tham vọng “thâu tóm” doanh nghiệp này.

Để tránh nguy cơ bị Lotte thâu tóm hoàn toàn, Bibica đã chọn bắt tay với SSI. Hai bên hợp tác thông qua Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM). Thời gian đầu, SSI chiếm trên 35% cổ phần tại Bibica.

Mặc dù Bibica đã có sự "trợ lực" từ SSI nhưng nhiều nhận định cho rằng, SSI là nhà đầu tư tài chính nên nếu có lợi họ cũng sẵn sàng "nhường cổ phần" cho nhà đầu tư ngoại. Chưa kể, Lotte chính là “tay chơi” không ngại trả giá cao để đạt được mục tiêu.

Chia sẻ lúc bấy giờ, Tổng giám đốc của Bibica Trương Phú Chiến cho biết, điều khiến Bibica tin tưởng SSI nhất chính là SSI là công ty Việt, sẽ vì thương hiệu và tinh thần dân tộc mà không chuyển nhượng cho đối tác ngoại. Bên cạnh đó, khi đánh giá về định hướng đầu tư của SSI, ông Chiến nhận thấy sự đầu tư của SSI vào Bibica là có định hướng đầu tư ổn định, lâu dài.

Giữ nguyên cam kết từ những ngày đầu, tháng 1/2015, SSI bán cổ phiếu PAN Food, một doanh nghiệp cùng do ông Nguyễn Duy Hưng làm Chủ tịch. PAN Food sau đó đã liên tục mua thêm cổ phiếu để nâng tỷ lệ sở hữu lên 43,37% (tương đương 6,74 triệu cổ phiếu).

Không dừng ở đó, hôm 29/8 vừa qua, PAN Food chính thức công bố chào mua thành công 1,12 triệu cổ phần của Bibica, tương ứng với 7,27% vốn điều lệ, nâng tỷ lệ sở hữu tại Bibica lên 51% và thay thế Lotte nắm quyền chi phối lớn nhất tại hãng bánh kẹo có lịch sử lâu đời này.

Trao đổi với báo chí bên lề một hội nghị tại TP.HCM trước đó, ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT của SSI và PAN Group nói ngắn gọn: “Nếu Kinh Đô không bán 80% mảng bánh kẹo cho Mondelez, thì chúng tôi cũng không có ý định đầu tư lớn vào Bibica. Chúng tôi không muốn 5 năm nữa, trên bàn thờ tổ tiên không còn cái kẹo, cái bánh nào của Việt Nam”.

“Tầm ngắm” của “cá mập” nước ngoài

Câu chuyện PAN Food mang lại một góc nhìn mới mẻ về bức tranh cộng đồng doanh nghiệp hiện nay. Không chỉ dừng lại ở ý nghĩa người Việt Nam muốn giữ lại một trong các thương hiệu bánh kẹo Việt hiếm hoi và lâu đời mà sâu xa hơn nữa là câu chuyện giấc mơ giữ gìn và xây dựng các thương hiệu Việt cho người Việt.

Trong quá khứ, không thiếu những ví dụ về những thương hiệu tên tuổi của Việt Nam rơi vào tay người nước ngoài và dần dần biến mất khỏi thị trường hoặc thay tên đổi họ, không còn là “hàng Việt của người Việt” nữa.

Như trong lĩnh vực bánh kẹo, với việc bán 80% cổ phần mảng bánh kẹo cho Mondelez International, bánh kẹo Kinh Đô đã đổi tên thành Mondelez Kinh Đô và thuộc về nhà đầu tư đến từ Mỹ này. Ngay cả với Bibica, tại thời điểm năm 2013, nhiều người choáng váng khi Chủ tịch người Hàn Quốc của Bibica công bố dự định đổi tên thành "Lotte - Bibica". Tuy nhiên, đề xuất này không được thông qua.

Một điều không thể phủ nhận là thị trường bánh kẹo với tổng giá trị ước tính lên tới hơn 1 tỷ USD với sản lượng 500.000 tấn/năm của Việt Nam hiện đang nằm trong tay các doanh nghiệp ngoại. Không chỉ là sự tham gia tại 2 doanh nghiệp bánh kẹo chiếm tới 40% thị phần là Bibica hay Kinh Đô, trên thị trường cũng đang chứng kiến sự thay đổi giữa hàng ngoại và hàng nội khi tràn ngập khắp kệ siêu thị, cửa hàng lớn nhỏ là bánh kẹo nhập khẩu.

Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công Thương) từng tính toán, trong cơ cấu ngành kỹ nghệ thực phẩm, doanh thu thị trường bánh kẹo lớn hơn cả thị trường mì ăn liền và bột ngọt. Cụ thể, ngành bánh kẹo chiếm đến 40,43% thị phần trong cơ cấu ngành và là ngành có tốc độ phát triển cao, ổn định trong nhiều năm nay.

Nghiên cứu của BMI cũng chỉ rõ, thị trường bánh kẹo Việt Nam còn rất tiềm năng bởi mức tiêu thụ trên đầu người chỉ khoảng 2kg, thấp hơn mức trung bình của thế giới (2,8kg/người/năm).

Đây có thể cũng chính là lý do thị trường Việt Nam hấp dẫn các doanh nghiệp nước ngoài. Và nếu không có những doanh nghiệp Việt nuôi giấc mộng hàng Việt cho người Việt thì không biết vài mùa Tết nữa, sẽ còn bao nhiêu thương hiệu bánh kẹo Việt tồn tại trên thị trường?

Giấc mơ của ông chủ Việt

Ông chủ của PAN Group mới đây trải lòng: “Trong bữa tối vui vẻ với CEO Lotte toàn cầu, tôi đã chia sẻ giấc mơ của chúng tôi là xây dựng và gìn giữ các thương hiệu thực phẩm và bánh kẹo Việt Nam, giấc mơ đưa PAN thành tập đoàn nông nghiệp và thực phẩm hàng đầu trong nước”.

“Những thành viên NSC, ABT, SSC, LAF, 584, BBC, PMF, PSJ... đã gắn bó nhau trong tập đoàn PAN bằng giấc mơ chung và sắp tới sẽ còn nhiều hơn nữa các thành viên tiếp tục gia nhập ngôi nhà của chúng tôi. Giấc mơ lương thiện đã gắn bó và tạo thành nền tảng sức mạnh cho tập đoàn, nhưng để biến giấc mơ thành hiện thực chúng tôi cần sự chia sẻ hợp tác và ủng hộ của mọi người”, ông Hưng cho biết.

Quay trở lại với việc PAN Food thực hiện chào mua thành công nâng tỷ lệ sở hữu tại BBC lên trên 50% đưa BBC trở thành công ty con của PAN Food. Giới chuyên gia cho rằng, sự kiện này không chỉ góp phần hiện thức hoá giấc mơ của ông chủ Tập đoàn PAN (gìn giữ, xây dựng và phát triển thương hiện Việt) mà còn giúp người Việt chính thức giữ lại được một thương hiệu Việt hiếm hoi và lâu đời nhất. Đây cũng là nguồn cảm hứng để các Người Việt tiếp tục tạo lập, gìn giữ và phát triển nhiều thương hiệu Việt khác nữa.

Một chuyên gia từng chỉ ra rằng, mỗi năm, chúng ta có khoảng 500 doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao nhưng chỉ có 42 doanh nghiệp (8%) giữ vững thương hiệu này trong liên tục 20 năm.

“Những chiếc máy tính mang thương hiệu FPT ít ỏi, hay bút bi Thiên Long, giấy Bãi Bằng… để không bị cạnh tranh, thậm chí bị thâu tóm bởi doanh nghiệp nước ngoài thì điều tiên quyết là bản thân doanh nghiệp Việt cần tự thân nỗ lực, kiên định với giấc mơ giữ gìn thương hiệu của chính mình”, ông nói.

Ở một góc nhìn khác, bà Nguyễn Hương Quỳnh, Tổng Giám đốc Công ty Nielsen Việt Nam mới đây chia sẻ: “Tôi thực sự tự hào khi các doanh nghiệp trong nước đã gặt hái được những thành công nhất định khi đưa tên tuổi thương hiệu của mình vượt ra khỏi biên giới Việt Nam, và đặt dấu ấn ở tầm khu vực.”

Tuy nhiên, đại diện Nielsen cho rằng, kết quả năm nay lại thiếu đi sự tích cực so với bảng xếp hạng năm ngoái. Do đó, để giữ được động lực nhằm tiến đến thành công hơn nữa, điều quan trọng là các doanh nghiệp của chúng ta cần phải nỗ lực mạnh mẽ hơn để giữ gìn và nâng cao hình ảnh thương hiệu, giữ vững niềm tin với người tiêu dùng, và tiếp tục mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm/dịch vụ tốt nhất.

Hà Anh

Doanh nghiệp nội và giấc mơ giữ thương hiệu Việt cho người Việt - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm