Doanh nghiệp nhựa trong nước buộc phải lớn lên để cứu lấy mình
Nhựa đã trở thành nguyên liệu thiết yếu trong sản xuất công nghiệp cũng như dân dụng. Thị trường nhựa Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao, có không ít doanh nghiệp làm ăn hiệu quả. Trong lĩnh vực nhựa xây dựng có Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh; nhựa gia dụng có Duy Tân, Đại Đồng Tiến; bao bì nhựa có Tân Tiến, Ngọc Nghĩa hay túi nhựa sinh học có Nhựa An Phát...
Mặc dù không phải là ngành kinh doanh quá hấp dẫn nhưng ngành nhựa lại có khá nhiều doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, đặc biệt là những doanh nghiệp dẫn đầu trong những phân khúc của mình. Tuy nhiên, có một điểm yếu chung là quy mô của hầu hết các doanh nghiệp nhựa vẫn còn khiêm tốn, ngay cả đối với những doanh nghiệp vào loại lớn nhất như Bình Minh hay Tiền Phong.
Muốn tồn tại phải buộc phải lớn lên
Trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng vậy, những doanh nghiệp tiềm năng nhưng quy mô nhỏ rất dễ bị thâu tóm. Trước sức ép cạnh tranh, hiện nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong ngành nhựa đã bán một phần hoặc bán hết cho đối thủ nước ngoài.
Sau khi mua được một lượng đáng kể cổ phần của Nhựa Bình Minh và Nhựa Tiền Phong, Tập đoàn Thái Lan SCG đã mua lại 80% cổ phần của Bao bì Tín Thành (Batico). Bên cạnh đó, Tập đoàn Dongwon Systems của Hàn Quốc đã mua lại cùng lúc 2 doanh nghiệp là Bao bì Minh Việt – vốn là công ty bao bì thuộc Masan Group và Bao bì Nhựa Tân Tiến.
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, vẫn luôn có những cơ hội tốt để vươn lên. Dù cho các tập đoàn nước ngoài đang có những động thái mạnh mẽ để thâm nhập thị trường thì các doanh nghiệp trong nước vẫn có những lợi thế nhất định về thương hiệu, thị trường tiêu thụ…
Nhưng để tận dụng được những lợi thế đó cũng như phát triển lâu dài thì các doanh nghiệp nhựa trong nước buộc phải mở rộng quy mô để gia tăng thị phần cũng như đón đầu cơ hội từ một loạt hiệp định thương mại tự do sắp được ký kết.
Những động thái mạnh mẽ từ các doanh nghiệp trong nước
Một trong những doanh nghiệp đang có động thái mở rộng quy mô mạnh mẽ nhất là CTCP Nhựa và Môi trường xanh An Phát (An Phát Plastic – AAA). Công ty đã chủ động tăng vốn liên tục trong những năm vừa qua để chuẩn bị cho chiến lược dài hơi là dẫn đầu thị phần xuất khẩu túi nhựa màng mỏng vào những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản và EU.
Cuối năm 2015, vốn chủ sở hữu của An Phát đã lên đến hơn 800 tỷ đồng và là doanh nghiệp có quy mô lớn nhất xét riêng trong lĩnh vực bao bì nhựa tại Việt Nam.
Theo kế hoạch của An Phát, sau khi nhà máy 6 và 7 đi vào hoạt động, chạy 100% công suất thì sản lượng của An Phát sẽ đạt khoảng 80.000 tấn/năm, vượt qua đối thủ trực tiếp đến từ Thái Lan trở thành Công ty sản xuất bao bì màng mỏng lớn nhất Đông Nam Á.
Bên cạnh việc tăng vốn, các doanh nghiệp trong nước cũng có thể đi mua lại, hợp nhất với nhau để tăng cường năng lực. Cách đây hơn một năm, Nhựa Đồng Nai (Donaplast – DNP) chỉ là một công ty nhỏ với quy mô vốn hơn 30 tỷ đồng. Công ty đã đề ra kế hoạch rất tham vọng là tăng vốn lên 300 tỷ, đồng thời lên kế hoạch thâu tóm Nhựa Tân Phú để rút ngắn thời gian mở rộng. Nhựa An Phát cũng có khoản đầu tư nắm giữ 30% cổ phần của CTCP Nhựa Bao bì Vinh (VBC).
Ngay cả những doanh nghiệp đang ăn nên làm ra như Nhựa Bình Minh và Nhựa Tiền Phong cũng có những động thái quyết liệt để mở rộng mạng lớn sản xuất và phân phối của mình trước sức ép từ những đối thủ mới nổi lên như Ống nhựa Hoa Sen, Dekko…
Một khi các doanh nghiệp nhựa trong nước đã củng cố được năng lực của mình thì không những có thể tránh được nguy cơ bị thâu tóm mà còn có thể đi thâu tóm ngược lại các doanh nghiệp nước ngoài – xu thế đã và đang diễn ra tại rất nhiều lĩnh vực. Cơ hội rất rộng mở nhưng chỉ thuộc về những doanh nghiệp có tiềm lực, chủ động nắm bắt thời thế.