"Doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn vượt sóng thì phải học cách cưỡi sóng"

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Nhận diện thời cơ và thách thức, bổ sung kỹ năng quản trị, xây dựng hệ thống và đầu tư cho nhân sự là cách nhanh nhất để các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ của Việt Nam tìm được con đường phát triển bền vững và thịnh vượng.

Ngày 30/1, tại tọa đàm với chủ đề "Con đường phát triển bền vững, thịnh vượng cho doanh nghiệp đi lên từ chuyên môn" do báo Dân trí phối hợp với Trường đào tạo doanh nhân Success Business School tổ chức, 3 diễn giả khách mời đã phân tích đặc điểm của các doanh nghiệp đi lên từ chuyên môn, xác định ưu nhược điểm cũng như chỉ ra những thách thức mà doanh chủ phải đối mặt.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn vượt sóng thì phải học cách cưỡi sóng - 1

Các khách mời tại tọa đàm "Con đường phát triển bền vững, thịnh vượng cho doanh nghiệp đi lên từ chuyên môn" do báo Dân trí phối hợp với Trường đào tạo doanh nhân Success Business School tổ chức (Ảnh: Thành Đông).

Nhiều chủ doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ của Việt Nam có khát khao mãnh liệt

Theo TS Tô Nhật, Nhà sáng lập Trường đào tạo doanh nhân Success Business (Success Business School), Phó chủ tịch sáng lập tập đoàn AMACCAO, Chủ tịch SBK Holdings, chủ doanh nghiệp đi lên từ chuyên môn, từ nghề là những người có sẵn chuyên môn nào đó, như xây dựng, cơ khí, marketing, tài chính, nhân sự, hay xuất thân từ làng nghề… và thường có 3 nhược điểm lớn cản trở con đường lập nghiệp bền vững.

Cụ thể, những người này thường ôm đồm, không tin ai hoặc không có ai để cùng khởi nghiệp. "Trong khi đó, nếu xác định làm doanh nghiệp thì phải coi nó là một đội bóng, tức là mỗi vị trí trên sân phải có người chuyên ngành. Ông chủ doanh nghiệp phải ở ghế huấn luyện viên hoặc chủ tịch đội bóng. Nhưng thực tế, nhiều người lại làm tất cả các vị trí này theo kiểu 'làm tất ăn cả', và đây chính là nỗi đau của những doanh nhân 'khổ chủ' này. Họ tưởng mở doanh nghiệp ra sẽ được làm chủ, nhưng sau cùng họ lại là nô lệ cho chính doanh nghiệp của mình", TS Tô Nhật chia sẻ.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn vượt sóng thì phải học cách cưỡi sóng - 2
TS Tô Nhật - Nhà sáng lập Trường đào tạo doanh nhân Success Business, Phó chủ tịch sáng lập tập đoàn AMACCAO, Chủ tịch SBK Holdings (Ảnh: Thành Đông).

Thứ hai, họ thường không tập trung làm thương hiệu, ít chú ý đến marketing và truyền thông, chỉ làm chuyên môn, sản xuất và bán hàng. Đó là lý do vì sao họ không bền vững, mong manh dễ vỡ, chỉ dựa vào nhân hiệu của một (thường là của người chủ) hoặc vài người để bán hàng khiến doanh số thấp, bấp bênh, khó bứt phá.

Thứ ba là năng lực lãnh đạo hạn chế bởi doanh chủ không có tầm nhìn, không có khả năng dẫn dắt truyền cảm hứng, động lực cho đội ngũ, bản thân họ cũng chỉ nghĩ tới cơm áo gạo tiền, tự giới hạn chính bản thân mình, không thu hút và giữ chân được nhân tài.

Dẫu vậy, dưới góc nhìn của ông Trần Quang Huấn - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty thiết kế và xây dựng Chính Nam - các doanh nhân đi lên từ chuyên môn cũng sở hữu hàng loạt ưu thế, như am hiểu sâu sắc về sản phẩm, có được niềm tin vững chắc của những khách hàng, mô hình khởi nghiệp tinh gọn, linh hoạt, dễ dàng đi theo đúng xu hướng của thị trường.

Theo các khách mời, rất nhiều các doanh nhân, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ của Việt Nam đều khát khao phát triển mạnh mẽ, để được đứng vào nhóm các doanh nghiệp lớn nhằm thúc đẩy nền kinh tế cất cánh. Do đó, ngay khi khởi phát tư tưởng muốn doanh nghiệp mở rộng và tăng trưởng đột phá, những doanh nhân này cần phải chuyển đổi mô hình, thay đổi cách điều hành thông qua việc nhanh chóng bổ sung kỹ năng quản trị, học tập bài bản hoặc tìm kiếm người hỗ trợ chuyên môn.

"Tôi nhận thấy tầm ở đâu thì tiền ở đó. Các chủ doanh nghiệp đi lên từ chuyên môn nhưng lại thiếu kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng quản trị sẽ bất lợi trong việc điều hành. Để ổn định nhất thì tôi vẫn thích 'ba cây chụm lại nên hòn núi cao' - các chủ doanh nghiệp hãy kết hợp cùng nhau, mở rộng mô hình để có những người bạn, người cùng làm giúp đỡ vận hành doanh nghiệp tốt hơn", ông Phan Thanh Tùng - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tôn thép Việt Pháp - đưa lời khuyên.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn vượt sóng thì phải học cách cưỡi sóng - 3
Ông Phan Thanh Tùng - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tôn thép Việt Pháp - tin vào việc phối hợp giữa những người giỏi chuyên môn, những công ty trong cùng ngành sẽ giúp từng doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ (Ảnh: Thành Đông).

Bền vững và thịnh vượng không phải lúc nào cũng luôn song hành trong doanh nghiệp

Theo chia sẻ của TS Tô Nhật, một doanh nghiệp bền vững có thể được nhận biết bởi 4 tính chất, gồm có thương hiệu được chấp nhận phổ quát; phải tồn tại qua nhiều thế hệ lãnh đạo mà vẫn tiếp tục tăng trưởng phát triển đều đặn; sở hữu hệ thống quản trị bài bản khoa học; sản phẩm đã qua nhiều chu kỳ vẫn tăng trưởng, được thị trường đón nhận. Trong khi đó, doanh nghiệp thịnh vượng không chỉ tạo ra lợi nhuận, mà còn phải kiến tạo giá trị cho xã hội, giải quyết được vấn đề của cộng đồng.

Nhà sáng lập Học viện doanh nhân Success Business chỉ ra rằng bền vững và thịnh vượng không phải lúc nào cũng luôn song hành trong mọi thời điểm với doanh nghiệp, nhưng để đạt được sự thịnh vượng thì phải bền vững trước.

"Tôi cũng là người anh, đi trước, trải nghiệm trước nên có những thứ tôi đã vấp váp và giải quyết được rồi. Các doanh nghiệp đến gặp chúng tôi sẽ được chia sẻ kinh nghiệm này để giúp họ tháo những nút thắt. Với các doanh nghiệp đang mong muốn phát triển mạnh mẽ, tôi tin ở đâu có ý chí, ở đó sẽ có con đường, và chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với mong muốn đưa nhiều doanh nghiệp Việt Nam vươn tầm quốc gia và thế giới", TS Tô Nhật cho hay.

"Muốn doanh nghiệp vượt sóng thành công, người chủ phải biết cưỡi sóng"

Các diễn giả trong tọa đàm đều nhận định doanh nhân, doanh nghiệp trẻ Việt Nam đang đứng trước cơ hội chưa từng có khi vị thế quốc gia tăng cao, cũng như mối quan hệ với các cường quốc kinh tế đang rất tốt đẹp, dù phải đối mặt với hàng loạt thách thức về cạnh tranh, sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số.

TS Tô Nhật cho rằng sự phát triển của doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào ý chí, khao khát, tầm nhìn của người chủ, do đó, hơn lúc nào hết, doanh nhân phải "học cưỡi sóng để đưa doanh nghiệp vượt sóng thành công".

"Buôn có bạn, bán có phường - cha ông ta đã dạy rồi. Chúng ta vẫn là những doanh nghiệp non trẻ của Việt Nam và trên thế giới, do đó, để có thể phát triển, chúng ta cần bỏ qua cái tôi, hạn chế cái 'tôi biết rồi', phải tự đào tạo, rút kinh nghiệm cho bản thân, phối hợp được với nhau", ông Phan Thanh Tùng đưa lời khuyên.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn vượt sóng thì phải học cách cưỡi sóng - 4
Trần Quang Huấn - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty thiết kế và xây dựng Chính Nam (Ảnh: Thành Đông).

Trong khi đó, Chủ tịch Xây dựng Chính Nam khẳng định một doanh nghiệp thay đổi phụ thuộc 90% vào ông chủ, còn ông chủ thay đổi lại phụ thuộc 90% vào những kiến thức, trí thức. "Để có được kiến thức, tri thức đó, chắc chắn phải qua quá trình học, như học online, qua sách, qua clip chuyên gia chia sẻ và nhanh nhất là qua những người thầy. Đó là con đường mà doanh nghiệp trẻ muốn thành công phải thực hiện", vị này chia sẻ.