Doanh nghiệp Nhật Bản giảm nhựa như thế nào?
(Dân trí) - Tập đoàn Ajinomoto của Nhật Bản đang áp dụng phương châm tiết giảm, tái sử dụng và tái chế để hạn chế rác thải nhựa.
Mục tiêu của tập đoàn Nhật Bản là không có rác thải nhựa vào năm 2030.
Giảm sản lượng nhựa
Năm 1950, sản lượng nhựa trên thế giới chỉ có 2 triệu tấn/năm. Đến năm 2015, con số này là 380 triệu tấn. Sản lượng nhựa tăng còn nhanh hơn mức tăng dân số thế giới.
Có cung khắc có cầu, vì thế để giảm sản lượng nhựa cần hạn chế sử dụng nhựa. Từ năm 2000, Ajinomoto áp dụng nhiều biện pháp giảm sử dụng nhựa khi sản xuất, tiết kiệm khoảng 3.500 tấn nhựa/năm.
Thay vì dùng nhựa, vài sản phẩm được bọc bằng bao bì giấy. Đối với sản phẩm cần thiết phải có bao bì nhựa, công ty Nhật Bản này sẽ cải tiến phương pháp tạo hình và đóng gói mỏng nhẹ hơn, từ đó tiết chế việc dùng nhựa. Một thay đổi nhỏ là đủ tạo nên sự khác biệt. Chỉ nhờ tìm ra cách làm bao bì của một hộp cà phê mỏng đi 20 mm nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, doanh nghiệp này giảm được 20 tấn nhựa.
Tái sử dụng và tái chế
Khi tái sử dụng nhựa cần chọn lọc đúng loại nhựa bền, ví dụ như khay phục vụ, ghế nhựa, tô chén nhựa. Nhưng các sản phẩm làm từ nhựa dùng một lần (PET) hay nhựa dùng trong đóng gói thực phẩm thì không phù hợp, nên tái chế thay vì tái sử dụng. Các chai nhựa PET dễ tái chế sẽ được nén chặt lại và dùng để sản xuất ra chai lọ mới, làm vật liệu và sản phẩm khác như vải, khay phục vụ hay đồ văn phòng phẩm.
Tuy nhiên, loại nhựa dùng trong đóng gói thực phẩm khó tái chế hơn rất nhiều. Nhằm tạo ra một lớp bảo vệ thực phẩm khỏi vi khuẩn, độ ẩm, tia cực tím và các tác nhân làm hỏng khác, nhựa dùng để làm bao bì cần được cấu tạo từ nhiều lớp không đồng dạng. Vì vậy, khi tái chế loại nhựa này, không thể áp dụng phương pháp đơn giản là nén lại. Giới nghiên cứu cho rằng có thể thay nhựa thông thường bằng nhựa phân hủy sinh học làm từ sắn (khoai mì). Giải pháp này khả thi nếu như kiểm soát được độ ổn định sinh học, đảm bảo an toàn cho việc đóng gói thực phẩm.
Hiện tại, tập đoàn Ajinomoto áp dụng nhiều biện pháp tái chế: tái chế cơ học (tái chế thành vật liệu nhựa), tái chế hóa học (tái chế thành nguyên vật liệu nhựa thô) và tái chế nhiệt (thu hồi năng lượng). Mặc dù mỗi phương pháp đều có ưu điểm và nhược điểm, doanh nghiệp này luôn cập nhật các nghiên cứu, phương pháp mới, tập trung cho mục tiêu giảm chất thải nhựa, đồng thời tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn tài nguyên sẵn có.
Ajinomoto cũng giữ vai trò Ủy viên sáng lập của Clean Ocean Material Allience, hiệp hội liên minh vì vật liệu sạch vừa ra mắt vào đầu năm nay, bao gồm 159 viện nghiên cứu và công ty tham gia. Tổ chức này thực hiện nhiều chiến dịch nâng cao ý thức sử dụng nhựa an toàn, đề xuất những biện pháp mới thay thế cho nhựa, cũng như tìm cách giải quyết vấn nạn mảnh vụn nhựa đang đến lúc đáng báo động.