Doanh nghiệp nhà nước thủ đô gánh lỗ hàng trăm tỷ

(Dân trí) - UBND Hà Nội cho biết, có 11 doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ với vốn lũ kế đến cuối năm 2011 là hơn 263 tỷ đồng. Các doanh nghiệp này thua lỗ là do đầu tư dàn trải (chủ yếu bằng vốn vay), sản phẩm làm ra không phù hợp thị trường…

Chiều qua 15/11, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã làm việc với UBND thành phố Hà nội về tình hình kinh tế xã hội năm 2012 và Đề án sắp xếp, đổi mới Doanh nghiệp nhà nước trực thuộc thành phố giai đoạn 2012 - 2015.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh làm việc với Hà Nội về Đề án sắp xếp lại DNNN
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh làm việc với Hà Nội về Đề án sắp xếp lại DNNN

Theo đánh giá của UBND thành phố Hà Nội, năm 2012 kinh tế thủ đô duy trì tăng trưởng nhưng thấp hơn dự báo và mức tăng của các năm trước. Tổng sản phẩm trên địa bàn ước cả năm đạt 8,1%. Ngành công nghiệp xây dựng mức tăng giảm dần qua các quý, tỷ lệ sản phẩm tồn kho ở mức cao. Nhiều dự án đầu tư xây dựng và khu đô thị trên địa bàn tạm dừng hoặc giãn tiến độ thực hiện do thị trường bất động sản trầm lắng và suy giảm kinh tế. Kết quả thu ngân sách trên địa bàn ước đạt khoảng 128 nghìn tỷ đồng, bằng 87,5% dự toán HĐND thành phố giao.

Đánh giá về tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước thuộc thành phố, phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Huy Tưởng cho biết, năm 2011 có 108 trên tổng số 126 doanh nghiệp nhà nước kinh doanh có lãi. 11 doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ với lỗ lũy kế đến hết tháng 12 năm 2011 là hơn 263 tỷ đồng. Các doanh nghiệp có số lỗ lớn là Công ty TNHH một thành viên Haprosimex, Công ty sản xuất công nghiệp và xây lắp; Công ty cổ phần Haprosimex Thăng Long, Công ty TNHH một thành viên Thương mại và đầu tư. Nguyên nhân gây thua lỗ là đầu tư dàn trải chủ yếu bằng nguồn vốn vay, sản phẩm sản xuất ra không phù hợp với nhu cầu thị trường, chi phí nguyên vật liệu cao, tỷ lệ phế phẩm lớn, giá bán không đáp ứng giá thành .

Trên cơ sở phân loại các doanh nghiệp Nhà nước, giai đoạn 2011 - 2015, UBND thành phố xây dựng kế hoạch sắp xếp, chuyển đổi 68 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp. Sau khi thực hiện sắp xếp, thành phố Hà Nội nắm giữ 100% vốn nhà nước tại 19 doanh nghiệp là các công ty TNHH nhà nước một thành viên.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị Hà Nội rà soát đánh giá lại tình hình sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển của các doanh nghiệp. Đối với Đề án sắp xếp đổi mới doanh nghiệp trong giai đoạn 2011 - 2015, Phó Thủ tướng đề nghị thành phố tập trung chỉ đạo đến từng doanh nghiệp tái cơ cấu từ khâu tổ chức sản xuất, cơ cấu lại vốn, nợ, rà soát chương trình đầu tư để xây dựng chiến lược phát triển cho từng doanh nghiệp gắn với sắp xếp đổi mới, doanh nghiệp.

Thành phố Hà Nội cần đánh giá sâu hơn về mô hình, phương thức quản lý thế nào cho phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp đặc thù. Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là đến 2020 cơ bản sắp xếp xong doanh nghiệp Nhà nước. Chính phủ sẽ duyệt số lượng danh mục doanh nghiệp nhà nước được sắp xếp đổi mới và thành phố cần căn cứ tình hình thực tế chủ động phân giai đoạn thực hiện cho hiệu quả. Phó thủ tướng lưu ý Hà Nội cần tăng cường công tác quản lý sử dụng đất, nhất là việc sử dụng đất nông lâm trường như thế nào cho hiệu quả.

Quang Phong