Doanh nghiệp ngoại "đánh gục" đối thủ nhờ... khủng hoảng truyền thông?!

(Dân trí) - Dù không ra mặt nhưng nhờ khả năng công nghệ của mình, doanh nghiệp ngoại đã lợi dụng khủng hoảng để đánh gục đối thủ, chiếm lĩnh thị trường.

Đó là nhận định của ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc trung tâm cảnh báo rủi ro và an ninh mạng Athena tại hội thảo "Khủng hoảng truyền thông trên mạng xã hội gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức - Thực trạng, phòng ngừa, đề xuất" diễn ra tại TPHCM sáng 7/11.

Chờ khủng hoảng dìm đối thủ

Ông Thắng cho biết, trước đây, doanh nghiệp cũng có khủng hoảng truyền thông nhưng không nhiều như khi có mạng xã hội. Những vụ tấn công trên mạng xã hội hiện nay không đơn thuần mà là có chủ đích để tạo lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh, hạ gục đối thủ...

Đối tượng bị tấn công nhiều là cá nhân có tầm quan trọng trong xã hội, tổ chức doanh nghiệp. "Nếu đăng báo thì còn khiếu nại chứ trên mạng thì nếu không có hệ thống cảnh báo truy xuất nguồn thông tin thì không biết đâu mà lần", ông Thắng nói.

Dù không ra mặt nhưng nhờ khả năng công nghệ của mình, doanh nghiệp ngoại đã lợi dụng khủng hoảng để đánh gục đối thủ, chiếm lĩnh thị trường.
Dù không ra mặt nhưng nhờ khả năng công nghệ của mình, doanh nghiệp ngoại đã lợi dụng khủng hoảng để đánh gục đối thủ, chiếm lĩnh thị trường.

Trong thực tế thời gian ngắn vừa qua, những vụ việc lan truyền chóng mặt gây bất lợi cho doanh nghiệp.

Cách đây một tuần, Tập đoàn xây dựng Hòa Bình đã "bay" hàng ngàn tỷ đồng khi cổ phiếu rớt giá vì thông tin liên quan đến dự án của Khaisilk mà tập đoàn này đang thi công... "xù nợ".

Một thương hiệu xúc xích khá nổi tiếng nhưng bị thông tin sai sự thật "có chất cấm" đã bị khách hàng tẩy chay và đang trong tình trạng... chết lâm sàng. Doanh nghiệp này đã không "chống đỡ" nên khi truy tìm thông tin doanh nghiệp này bằng công cụ ứng dụng internet thì chỉ sau 24 giây, đã cho ra 325.000 kết quả toàn tin xấu.

Các chuyên gia kinh tế cho biết, bài học về "khủng hoảng truyền thông" và "xử lý khủng hoảng" trong những vụ như "Trà Dr Thanh", "Vinasun dán khẩu hiệu phản đối Grab, Uber"... vẫn còn nguyên giá trị, cần rút ra những kinh nghiệm "xương máu".

Nhiều người không đồng tình với cách hành xử và đổ lỗi cho tài xế của lãnh đạo hãng taxi Vinasun trong vụ dán khẩu hiệu phản đối Grab, Uber. Đó là cách hành xử thiếu khôn khéo và không quan tâm đến "cảm xúc" của mạng xã hội nên tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng.

"Các doanh nghiệp nước ngoài có công nghệ tốt hơn chúng ta. Khi chúng ta khủng hoảng, họ không ra mặt và chúng ta không có bằng chứng nhưng tôi thấy có dấu hiệu họ lợi dụng khủng hoảng để dìm đối thủ", chuyên gia Võ Đỗ Thắng nói.

Bảo vệ mình trước... "khủng hoảng PR"

Tại hội thảo, các chuyên gia về truyền thông cho rằng, cơ chế phát sinh thông tin bắt đầu từ những tin đồn, tấn công có tổ chức vào các cá nhân, pháp nhân thông qua các mạng, diễn đàn, báo chí không chính thống.

Thông thường, tin đồn được khơi nguồn vào ngày thứ sáu trong tuần. Vào 2 ngày cuối tuần, lợi dụng các đơn vị cơ quan nhà nước nghỉ làm việc thì thông tin đó lan truyền ào ạt trên mạng xã hội. Qua đầu tuần, khi cơ quan nhà nước vào cuộc thì thông tin đã lan truyền đầy. Sau đó, đối tượng tấn công tiếp tục dùng vi rút tăng lượt xem cho thông tin và đẩy thành khủng hoảng.

Nghệ sĩ Xuân Hương cho biết mình từng là nạn nhân của vụ tấn công mạng xã hội và cô cho biết dù bán nhà đi nữa vẫn quyết tâm theo đuổi vụ kiện để đòi lại danh dự
Nghệ sĩ Xuân Hương cho biết mình từng là nạn nhân của vụ tấn công mạng xã hội và cô cho biết dù bán nhà đi nữa vẫn quyết tâm theo đuổi vụ kiện để đòi lại danh dự

Bất kỳ cá nhân, tổ chức nào cũng bị khủng hoảng. Doanh nghiệp cần trang bị hệ thống lắng nghe mạng, xác định nguồn khủng hoảng, cảnh báo sớm trên toàn hệ thống rồi kết hợp nhiều công cụ công nghệ để dập tắt khủng hoảng càng sớm càng tốt.

"Khủng hoảng truyền thông là cơ hội tốt để đối thủ hạ gục, chiếm lĩnh thị trường. Doanh nghiệp không tỉnh táo sẽ bị rơi vào bẫy mà đối thủ giăng sẵn, thậm chí có doanh nghiệp phải bán mình luôn", một chuyên gia truyền thông nói.

Ở góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Giám đốc Trung tâm trọng tài thương mại luật gia Việt Nam (VLCAC) cho biết, trước khi nhờ đến sự can thiệp của pháp luật, mỗi cá nhân, tổ chức phải chấp nhận sống chung với tin đồn, phòng vệ và hạn chế rủi ro trước những tác động tiêu cực mà mạng xã hội mang lại.

Việc tung tin đồn ác ý để nói xấu cá nhân, tổ chức thông qua mạng xã hội được quy vào nhóm tội phạm về công nghệ thông tin. Theo bộ luật Hình sự mới sửa đổi, quyền bí mật đời tư, thông tin cá nhân được pháp luật bảo hộ. Nếu cá nhân, tổ chức nào vi phạm, nhẹ là bị phạt hành chính với mức tiền phạt tăng hơn so với trước, nặng là xử lý pháp nhân bằng chế tài như không cho công ty đó đăng ký kinh doanh, huy động vốn...

Tại hội thảo, đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, rất khó để tòa án thụ lý vụ kiện liên quan đến tin đồn. Luật sư Nguyễn Văn Hậu khẳng định, tòa án không được từ chối nhận đơn kiện.

"Cá nhân, tổ chức khi phát hiện mạng xã hội nói xấu mình thì nên lập vi bằng để làm bằng chứng. Mặt khác, cần chứng minh được thiệt hại của mình. Khi có đủ bằng chứng thuyết phục thì tòa không thể không thụ lý. Không có trong luật thì sử dụng án lệ. Nếu không án lệ có thì dùng tương tự, phong tục tập quán để mà thụ lý", luật sư Hậu nói.

Công Quang