1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Doanh nghiệp nản lòng trước "núi" 4.200 điều kiện kinh doanh

(Dân trí) - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), TS Nguyễn Đình Cung vừa có báo cáo gửi Thủ tướng về thực trạng hệ thống điều kiện kinh doanh (ĐKKD) tại Việt Nam hiện nay. Đáng nói, mặc dù các ngành nghề đã được giảm song các ĐKKD vẫn còn rất nhiều.

Theo báo cáo của CIEM, quy định của Luật đầu tư, có 7 ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và 243 ngành nghề có điều kiện. Ngoài ra, cả nước, còn có 19 hàng hóa cấm kinh doanh, 05 dịch vụ cấm kinh doanh, 7 hàng hóa hạn chế kinh doanh và 1 dịch vụ hạn chế kinh doanh; có 92 loại hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện; 20 loại hàng hóa, dịch vụ độc quyền nhà nước .

Theo thống kê của Viện CIEM, cả nước hiện có khoảng hơn 4.200 điều kiện kinh doanh.
Theo thống kê của Viện CIEM, cả nước hiện có khoảng hơn 4.200 điều kiện kinh doanh.

CIEM dẫn thực tế: Tổng số các điều kiện đầu tư kinh doanh tương ứng với 243 ngành nghề vào khoảng 4.284 điều kiện. Trong đó 15 Bộ quản lý có quy định về ĐKKD, Bộ Công Thương là vô địch về ĐKKD với hơn 1.150 quy định.

Thực tế hiện nay, các ĐKKD đang ở hơn 230 văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Nhiều nhất là ở cấp Nghị định với hơn 162 quy định.

Với thực tế các giấy phép kinh doanh, rừng văn bản điều kiện kinh doanh như vậy, CIEM cho rằng, các ĐKKD đang tạo ra rào cản bất hợp lý đối với đầu tư, gia nhập thị trường, làm hạn chế số lượng DN đăng ký mới, làm nản lòng các DN đang hoạt động.

"Sự bất hợp lý của ĐKKD là một trong những lý do chính khiến nhiều DN phải đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh sau một thời gian hoạt động. Nhiều nhà đầu tư tiềm năng đã phải từ bỏ ý định kinh doanh sau khi tìm hiểu quy định pháp luật về ĐKKD. Lý do là quy định về ĐKKD thường yêu cầu phải có mặt bằng lớn, cơ sở vật chất và trang thiết bị lớn, đòi hỏi nhiều bằng cấp và kinh nghiệm, đòi hỏi phải kinh doanh theo một phương thức nhất định", TS Cung chỉ rõ.

Bên cạnh đó, theo CIEM các ĐKKD đang làm giảm cạnh tranh thị trường, làm giảm động lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp và làm giảm năng suất và giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Đặc biệt, nhiều ĐKKD tạo ra rủi ro lớn cho DN trong quá trình hoạt động. Nhiều ĐKKD không rõ ràng, tạo ra cơ hội cho sự tùy tiện trong quản lý nhà nước và sự nhũng nhiễu của một số cán bộ.

Theo TS Nguyễn Đình Cung: Nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh được quy định chung chung, không rõ ràng, không cụ thể. Những điểm không rõ ràng này chính là cơ sở để một số cán bộ vòi vĩnh doanh nghiệp, gây ra chi phí phi chính thức lớn cho doanh nghiệp.

Nguyễn Tuyền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm