Doanh nghiệp muốn tăng giá xăng dầu thêm 800 - 1000 đồng/lít
Khi mặt hàng xăng vẫn đang lỗ 1.000 đồng/lít và các mặt hàng dầu đang lỗ 800 - 900 đồng/lít, giá thế giới không bớt căng thăng, các doanh nghiệp xăng dầu cho rằng, "cần phải tăng" tương đương mức lỗ để ổn định thị trường.
Muốn tăng tối thiểu bằng mức lỗ
Ông Vương Đình Dung, Tổng Giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Quân đội cho hay: "Giá xăng dầu thế giới vẫn cứ tiếp tục cao, từ hôm 25/2 trở lại đây luôn dao đông từ 132 đến 137 USD/thùng. Nhập về đến Việt Nam, chúng tôi đã lỗ trên 1.000 đồng/lít đối với xăng A92. Đối với các mặt hàng dầu, mức lỗ có thấp hơn một chút nhưng cũng rất căng, từ âm 800 đến âm 900 đồng/lít".
Ông Dung nhấn mạnh, mức lỗ này là được tính sau khi thuế đã giảm đối với xăng bằng 0%, dầu giảm 3% và các mặt hàng đã được bù từ Quỹ bình ổn rồi, từ 780- 1.610 đồng/lít,kg.
Nói về cơ chế, ông Vương Đình Dung tỏ ra thất vọng nói: "Nghị định 84/2009 cho phép kinh doanh xăng dầu theo thị trường ra đời nhưng không thực hiện được, đến nay, vẫn cứ tồn tại như vậy. Tôi cho rằng, Nhà nước phải có những tuyên bố chính thức, rõ ràng để doanh nghiệp còn chủ động, Nghị định này có thực hiện nữa hay không? Vì nếu doanh nghiệp vì bám theo tinh thần thị trường của Nghị định 84 để "kêu" lên Chính phủ, kỳ vọng mặt hàng này được thị trường thì sẽ không nhận được sự đồng thuận từ nhiều phía".
Khó đỡ sức ép tăng giá
Chia sẻ với PV, thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Nguyễn Cẩm Tú chia sẻ, sức ép tăng giá xăng dầu đã kéo dài từ lâu rồi nhưng kịch bản hiện nay là khác với thời kỳ năm 2008. Giá xăng dầu thế giới không tăng đột ngột như năm 20008 mà tăng dần dần nên sức ép lên giá bán lẻ trong nước cũng là dần dần.
"Các mặt hàng xăng dầu đang bán ra trên thị trường hiện nay là số hàng tồn kho của 30 ngày trước. Sức ép tăng giá là trong tương lai tới", ông Tú cắt nghĩa.
Theo vị thứ trưởng này, trước mắt, nguồn cung xăng dầu vẫn đang được đảm bảo. Nhưng, ngay lập tức, ông lưu ý: " Nguồn cung không thiếu nhưng vẫn luôn ở tình trạng nguy hiểm. Năm 2011, chỉ có Petrolimex đạt hạn mức tối thiểu nhập khẩu xăng dầu, còn lại, hầu hết tất cả các doanh nghiệp còn lại đều giảm lượng nhập khẩu xăng dầu. Tình hình thị trường xăng dầu hồi tháng 9/2011 cũng đã suýt tái diễn lại kịch bản tháng 2-3/2011, nhiều cửa hàng đóng cửa. Vì thế, các kênh thông tin quốc tế nghi ngờ thị trường xăng dầu Việt Nam sắp tới có thể quay trở lại cảnh của tháng 2-3/2011 là có cơ sở".
Lãnh đạo Bộ Công Thương bày tỏ quan điểm không thể chủ quan với tương lai thị trường xăng dầu thế giới chưa có tín hiệu giảm nhiệt.
Iran, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới vừa tuyên bố ngừng cung cấp dầu cho Anh - Pháp, nguồn cung tại EU sẽ căng thẳng và áp lực giá tiếp tục tăng là thấy rõ. Nếu như tháng 3 và các tháng tới, giá thế giới vẫn tăng như vừa qua thì một thời gian nữa, hệ lụy xấu tác động lên thị trường xăng dầu trong nước sẽ bộc lộ.
Cũng theo tính toán của lãnh đạo Bộ Công Thương, hiện, thuế nhập khẩu xăng đã tới giới hạn, Quỹ bình ổn cũng đến giới hạn. Khó mà tránh khỏi nếu thị trường thế giới vẫn căng thẳng thì các nhà làm chính sách xăng dầu chỉ còn một con đường tháo gỡ khó khăn duy nhất là giá.
Lần điều chỉnh giá xăng dầu gần đây nhất là ngày 10/10/2011. Theo ông Tú, tất cả những vấn đề xảy ra vừa qua, từ việc chất lượng kém, gian lận đo lường... đều có một phần nguyên nhân là sức ép bán lỗ. Các doanh nghiệp đầu mối phải giảm lỗ nên giảm hoa hồng cho cây xăng bán lẻ. Trung bình vốn đầu tư cho một cây xăng là vài tỷ đồng, nếu như bán lít xăng nào, lỗ lít xăng đó, trong khi, đóng cửa bán hàng thì không được, sẽ bị rút phép.
Chính vì thế, nếu không giải quyết tận gốc vấn đề lỗ tích lũy của các doanh nghiệp xăng dầu thì các nhà quản lý sẽ không bao giờ ổn định được thị trường này. Vì thực tế, lỗ mấy nghìn tỷ đồng xăng dầu là có thật và lỗi là do cơ chế điều hành.
Được biết, Tổ điều hành thị trường trong nước vừa có đánh giá, các mặt hàng cơ bản trong tháng 2-3 đang có xu hướng hạ và ổn định. Ví dụ như thép, đường kinh, phân bón... Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 ở mức tăng 1, 37% cũng là mức thấp nhất so với cùng kỳ tháng 2 trong vòng 10 năm trở lại đây.
Trong khi đó, ngày 15 háng tháng là thời điểm Tổng Cục Thống kê "chốt" bài toán ước tính CPI. Vì lẽ này, khá nhiều ý kiến cho rằng, đầu tháng 3, nếu phải tăng giá xăng dầu để ổn định thị trường, gỡ khó cho doanh nghiệp thì việc này sẽ không có tác động lớn vào CPI tháng 3, lại tranh thủ đúng lúc thời điểm mặt bằng giá chung trên thị trường đang thấp.
Có thể, đây chính là một cơ sở khiến khá nhiều doanh nghiệp xăng dầu đang kỳ vọng vào động thái nới giá của Bộ Tài chính vào thời gian tới.