Doanh nghiệp “loay hoay” định giá tài sản vô hình

Tại hội thảo về định giá tài sản trí tuệ - tài sản vô hình trong doanh nghiệp mới đây, nhiều đại biểu nêu ý kiến cần ban hành các chuẩn mực để định giá tài sản trí tuệ, đặc biệt là thương hiệu, một cách đáng tin cậy.

Từ đó tạo điều kiện để các doanh nghiệp góp vốn, hợp tác, kinh doanh, chuyển nhượng các tài sản trí tuệ một cách thuận lợi như các tài sản khác.

 

Không biết mình đáng giá bao nhiêu

 

Hiện nay, các doanh nghiệp nhà nước lớn như Vietcombank, Bảo Minh đều gặp khó khăn trong cổ phần hoá vì không định giá được tài sản vô hình, trong đó có thương hiệu.

 

Mặc dù Bộ Tài chính đã có quy định công thức tính giá trị lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước (dựa vào giá trị tài sản trên sổ sách, tỷ lệ lợi nhuận bình quân của doanh nghiệp), các công ty này vẫn cảm thấy không hợp lý và khó áp dụng.

 

Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng đối với các doanh nghiệp nhà nước lớn trong các ngành dịch vụ như bảo hiểm, ngân hàng, tư vấn - ngành mà yếu tố thương hiệu phụ thuộc vào uy tín, sự cam kết và lòng tin của khách hàng.

 

Để xác định giá trị doanh nghiệp Vinaconex tại thời điểm 1/1/2004, Bộ Xây dựng đã thống nhất thuê 2 công ty kiểm toán độc lập vào kiểm toán trước. Theo đó, Vinaconex có tổng giá trị tài sản gần 3.700 tỉ nhưng giá trị tài sản vô hình chỉ 6,6 tỉ, bao gồm “giá trị lợi thế kinh doanh” 3,1 tỉ và “giá trị thương hiệu”... 3,5 tỉ!

 

Ông Phạm Xuân Phong, phó giám đốc công ty bảo hiểm Bảo Minh từng phát biểu rằng vấn đề bức xúc nhất đối với “mình” là định giá. Tính toán sơ bộ của tư vấn cho thấy hai phương pháp của Bộ Tài chính cho ra hai kết quả hết sức chênh lệch, nên ông thấy chưa thật thuyết phục với phương pháp nào.

 

Ông Kelvin Lee, giám đốc bộ phận tư vấn định giá và chiến lược công ty PriceWaterhouseCooper Việt Nam đánh giá phương pháp định giá trên giá trị tài sản không phản ánh được khả năng sinh lợi của doanh nghiệp. Còn phương pháp chiết khấu dòng tiên phức tạp và cần đầy đủ thông tin (thường chỉ có được ở những nền kinh tế phát triển).

 

Theo tiến sĩ Nguyễn Trọng, chủ tịch Hội Tư vấn khoa học, công nghệ và quản lý TPHCM, về mặt kỹ thuật, thế giới có nhiều phương pháp định giá khác nhau phù hợp với từng lĩnh vực khác nhau. Việc Bộ Tài chính chỉ cho phép áp dụng hai phương pháp nói trên theo những công thức tính toán cố định đang hạn chế việc tìm kiếm và áp dụng những phương pháp phù hợp hơn.

 

Có của cũng khó xài

 

Thống kê của Interbrand về tỷ lệ giá trị tài sản trong tổng tài sản doanh nghiệp cho thấy tài sản vô hình, trong đó có thương hiệu rất quan trọng.

 

Thương hiệu chiếm ít nhất 1/3 giá trị cổ phiếu, có những trường hợp rất cao như McDonald’s (71%), Disney (68%), Coca - Cola và Nokia (51%). Còn tại Việt Nam, thương hiệu kem đánh răng P/S đã được mua lại với giá 5,3 triệu USD.

 

Vai trò của thương hiệu quan trọng như vậy nhưng theo ông Lê Phụng Hào, phó tổng giám đốc công ty Kinh Đô, nhận thức cũng như khả năng xây dựng của doanh nghiệp còn yếu, yếu nhất là khả năng hoạch định chiến lược và quản trị.

 

Ngoài ra, còn có nguyên nhân từ quản lý nhà nước và luật pháp. Trước đây, đã có nhiều kiến nghị cần sửa đổi, bổ sung chuẩn mực kế toán Việt Nam quy định, hướng dẫn cụ thể về các tài sản cố định vô hình theo hướng thương hiệu cũng phải được xem là tài sản cố định vô hình.

 

Đồng thời, cũng cần sửa đổi, bổ sung quy định hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao đối với loại tài sản này để có cơ sở hạch toán chi phí. Nghị định 103 (tháng 9/2006) đã đề cập tới khả năng trên. Tuy nhiên, thực hiện thế nào thì vẫn chưa rõ.

 

Gần đây, Bộ Tài chính có công văn trả lời Tổng công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam và Công ty TNHH xây dựng và chế biến thực phẩm Kinh Đô về việc không được góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng thương hiệu để thành lập công ty cổ phần. Theo các chuyên gia, đây là một thiệt thòi cho các công ty có thương hiệu mạnh tại Việt Nam, làm nản lòng việc đầu tư cho thương hiệu.

 

Theo Mỹ Lệ

Báo SGTT