Doanh nghiệp làm ăn kém, cổ phiếu vẫn tăng bằng lần

Việt Đức

(Dân trí) - Không ít công ty thua lỗ hoặc có lãi "hẻo" nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng vài trăm phần trăm từ đầu năm. Chuyên gia đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư với những cổ phiếu kiểu này.

Nửa đầu năm, chỉ số VN-Index tăng gần 28%, cao nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, theo thống kê của CNBC. Mức tăng ấn tượng của VN-Index vượt xa các chỉ số chứng khoán của Mỹ (S&P 500 là 14,4%) hay châu Âu (Stoxx 600 là 13,5%).

Trong đà tăng chung của thị trường, không ít cổ phiếu tăng giá bằng lần trong 6 tháng đầu năm. Trong đó, nhiều cổ phiếu của các doanh nghiệp vốn hóa nhỏ, vốn giao dịch dưới mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu cũng tăng trưởng vài trăm phần trăm từ đầu năm.

Cổ phiếu tăng bằng lần

Theo số liệu của FiinTrade, cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trên sàn từ đầu năm là SPI của Spiral Galaxy. Đầu năm nay, thị giá của SPI chưa đến 2.000 đồng/cổ phiếu nhưng hiện tại giao dịch ở vùng giá hơn 16.000 đồng, tăng gần 860%. 

Trong khi đó, doanh nghiệp này lỗ ròng 15 tỷ đồng năm 2020. Quý I năm nay, công ty chỉ có doanh thu 2 tỷ đồng và lỗ 2 tỷ đồng. Hiện tại, mức lỗ lũy kế của SPI là 19 tỷ đồng. 

Dù có kết quả kinh doanh bết bát, cổ phiếu SPI vẫn tăng "khủng" song song với quá trình biến động tại doanh nghiệp. Trong năm 2021, doanh nghiệp này đổi tên, thay mới toàn bộ thành viên HĐQT, ban giám đốc, dời trụ sở từ TPHCM ra Hà Nội.

Cổ phiếu TGG của Công ty Xây dựng và Đầu tư Trường Giang  cũng là một trường hợp khác tăng giá gần 8 lần. Ngày giao dịch đầu tiên của năm 2021, TGG đóng cửa ở mức 1.220 đồng/cổ phiếu. Sau phiên 1/7, cổ phiếu này đã vượt mệnh giá, chạm mốc 10.300 đồng/cổ phiếu. 

Doanh nghiệp làm ăn kém, cổ phiếu vẫn tăng bằng lần - 1

Những cổ phiếu tăng giá mạnh nhất từ đầu năm 2021 (Nguồn: FiinTrade).

9 phiên giao dịch gần nhất, TGG đều tăng trần dù đã bị HSX đưa vào diện kiểm soát từ ngày 7/6. Công ty này đang lỗ lũy kế 35 tỷ đồng và chỉ có doanh thu vỏn vẹn 34 triệu đồng vào quý I. 

Hay như cổ phiếu VNA của Công ty cổ phần Vận tải biển Vinaship tăng hơn 300% từ 4.000 đồng lên 17.000 đồng/cổ phiếu sau 6 tháng đầu năm dù vẫn lỗ lũy kế 215 tỷ đồng. Năm 2020, công ty này chỉ lãi vỏn vẹn 1 tỷ đồng còn quý I năm nay có lợi nhuận 3 tỷ. 

Đây chỉ là 3 cổ phiếu tăng vài lần, vượt qua mốc mệnh giá 10.000 đồng và có khối lượng giao dịch bình quân trên 100.000 đơn vị/phiên trong 3 tháng gần nhất. Ngoài ra, còn nhiều cổ phiếu tăng giá hàng trăm phần trăm trong nửa đầu năm 2021 dù bị hạn chế giao dịch trên sàn, kết quả kinh doanh kém tích cực với thanh khoản thấp hơn. 

Cổ phiếu CEO của Công ty cổ phần tập đoàn C.E.O cũng đi theo đồ thị hình sin khi tăng gần 90% trong tháng cuối năm 2020 từ 7.200 đồng/cổ phiếu lên 13.800 đồng/cổ phiếu rồi lại giảm hơn 50% xuống dưới 9.000 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 2. Trong 2 tháng tiếp theo, giá cổ phiếu này lại tăng một mạch 50% lên 13.500 đồng/cổ phiếu rồi sau đó lao dốc về mức 10.000 đồng/cổ phiếu hiện tại.

Xuyên suốt thời gian đó, tập đoàn này báo cáo kết quả lỗ 103 tỷ đồng năm 2020 và tiếp tục lỗ thêm 38 tỷ đồng trong quý I năm nay.

Tùy thuộc khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư

Ông Lê Quang Minh, Giám đốc Phân tích của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, nhìn nhận, bên cạnh cổ phiếu của một số doanh nghiệp lớn, có kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt tăng giá hàng trăm phần trăm, cũng có những cổ phiếu của các công ty làm ăn không tốt vẫn tăng mạnh.

Ông Minh phân tích chung, việc cổ phiếu vượt mốc mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu là điều kiện để doanh nghiệp có thể tiến hành hoạt động phát hành thêm cổ phiếu. Ngược lại, nếu dưới mệnh giá, doanh nghiệp khó triển khai việc huy động vốn.

Theo ông, việc đầu tư vào những cổ phiếu dưới mệnh giá, có kết quả kinh doanh thiếu tích cực tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư. Chuyên gia này đưa ra lời khuyên nhà đầu tư nên tiếp cận các kênh thông tin chính thống, hạn chế ra quyết định theo thông tin mang tính cá nhân trên những hội nhóm, diễn đàn nhưng thiếu sự kiểm chứng để hạn chế rủi ro.  

Trên sàn chứng khoán, không ít trường hợp cổ phiếu từng tăng nóng trong một thời gian ngắn dù kết quả kinh doanh bết bát rồi sau đó liên tục giảm sàn. Đầu năm 2021, cổ phiếu RIC của Công ty  Quốc tế Hoàng Gia, doanh nghiệp sở hữu khách sạn casino ở Quảng Ninh, tăng trần 34 phiên liên tục rồi sau đó lại giảm sàn 15 ngày liên tiếp trước khi lặp lại chu kỳ tăng trần rồi giảm sàn. Hiện tại, thị giá RIC ở mức 19.200 đồng, cao hơn gần 300% so với hồi đầu năm. 

Doanh nghiệp làm ăn kém, cổ phiếu vẫn tăng bằng lần - 2

Đồ thị diễn biến giá cổ phiếu RIC từ đầu năm (Ảnh: Tradingvie).

Một chuyên gia chứng khoán cho rằng những cổ phiếu có diễn biến như vậy không phải là trường hợp hiếm trên sàn chứng khoán. Thông thường, diễn biến tương tự xảy ra ở cổ phiếu dưới mệnh giá, vốn hóa nhỏ. Do thị giá thấp, cổ phiếu dễ tăng mạnh, mang lại lợi nhuận cao trong thời gian ngắn, thu hút nhà đầu tư "lướt sóng". 

Với những cổ phiếu này, nhà đầu tư thường chỉ nắm giữ ngắn hạn và không quan tâm nhiều đến các yếu tố phía sau. Nhà đầu tư không có nhiều kinh nghiệm và không sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao cần cân nhắc tránh đổ tiền vào những cổ phiếu này.