Doanh nghiệp kêu cứu về đấu thầu thu phí Quốc lộ 5
(Dân trí) - Hơn 2 năm kể từ ngày trúng thầu quyền thu phí 2 trạm Quán Toan và trạm Hải Dương trên Quốc lộ 5, Công ty cổ phần Quản lý và xây dựng 234 đang bên bờ phá sản bới những thủ tục “hành chính” không đáng có xuất phát từ Cục đường bộ Việt Nam.
Cuộc đấu thầu quy mô
Thực hiện chủ trương xã hội hóa thu phí trên các tuyến quốc lộ, tháng 4/2005, Cục Đường bộ VN đã tổ chức đấu thầu quyền thu phí 2 trạm Quán Toan và trạm Hải Dương trên Quốc lộ 5 trong thời hạn 5 năm. Đơn vị trúng thầu ban đầu là Công ty Quản lý sửa chữa đường bộ 240 (Công ty 240) với giá xấp xỉ 470 tỷ đồng. Tuy nhiên do Công ty 240 phạm quy nên đơn vị trúng thầu là Công ty quản lý sửa chữa đường bộ 234 (Công ty 234).
Ngày 24/10/2005, Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) đã ký 2 Quyết định số 4002 và 4003 phê duyệt Công ty 234 trúng thầu thay thế Công ty 240 với giá 431,4 tỷ đồng. (bao gồm 236 tỷ đồng gói thầu Trạm thu phí Hải Dương - quốc lộ 5 (Km 58+200) và 195,4 tỷ đồng đối với gói thầu số 3 trạm thu phí Quán Toan - Quốc lộ 5).
“Thay mặt Hội đồng quản trị, thay mặt toàn thể gần 700 người lao động, công ty chúng tôi làm công văn này tha thiết kêu cứu với Bộ trưởng công tâm xem xét và sớm giải quyết dứt điểm vấn đề chúng tôi đã báo cáo”, đây là một phần trong công văn lãnh đạo Công ty cổ phần Quản lý và xây dựng 234 gửi lên Bộ trưởng Giao thông Vận tải liên quan đến cuộc đấu thầu chuyển giao quyền thu phí Quốc lộ 5 đã kéo dài hai năm nay. |
Việc ký kết hợp đồng giữa các bên bị ngưng trệ từ đó. Lý do là nhà thầu đề nghị được kéo dài thời hạn thu phí thêm 10 tháng vì khi lập dự án thì việc thu phí xe máy vẫn thực hiện nhưng sau đó thì dừng, trạm thu phí Quán Toan và trạm thu phí Hải Dương cũng dịch chuyển tới vị trí khác.
Đề nghị đấu thầu lại
Để giải quyết rốt ráo vấn đề, ngày 8/3, Bộ GTVT có văn bản số 1170/BGTVT và liên bộ GTVT - Tài chính cũng có văn bản số 1502 yêu cầu Cục đường bộ Việt Nam khẩn trương thực hiện ký kết hợp đồng chuyển giao quyền thu phí theo quyết định số 4002 và 4003 của Bộ GTVT.
Thời hạn đến hết ngày 15/3, nếu bên trúng thầu không thực hiện ký kết hợp đồng theo quy định, Cục đường bộ VN thu hồi khoản tiền bảo lãnh dự thầu (2 tỷ đồng-NV) và nộp vào ngân sách nhà nước.
Thực hiện ý kiến của Bộ GTVT, ngày 14/3 Cục đường bộ VN đã có buổi làm việc với đơn vị trúng thầu là công ty 234. Kết thúc buổi làm việc, đơn vị trúng thầu thống nhất nhận ký hợp đồng chuyển giao quyền thu phí trên QL 5 theo các QĐ 4002, 4003. Tuy nhiên, đến ngày 17/4 là ngày hai bên dự kiến chính thức ký kết hợp đồng thì Cục đường bộ lại từ chối ký vì nhà thầu không có bảo lãnh thực hiện hợp đồng.
Trong công văn báo cáo gửi lên Bộ GTVT, Cục đường bộ khẳng định đã nhiều lần làm việc với Công ty 234 (nhà thầu) nhưng do nhà thầu chưa nộp Giấy bảo lãnh thực hiện hợp đồng nên việc ký kết hợp đồng chưa thực hiện được.
Ngày 25/4 Cục đường bộ Việt Nam tiếp tục có văn bản 1417 với “tối hậu thư” yêu cầu nhà thầu chậm nhất là 10 giờ ngày 11/5/2007 phải nộp giấy bảo lãnh thực hiện hợp đồng để ký kết hợp đồng.
Vào lúc 8 giờ 30 ngày 11/5 nhà thầu đã nộp giấy bảo lãnh thực hiện hợp đồng bằng 10% giá trị trúng thầu 431,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến lúc này Cục đường bộ lại một lần nữa từ chối ký hợp đồng chuyển giao quyền thu phí quốc lộ 5. Lý do: hồ sơ mời thầu hết hiệu lực và Cục đường bộ đề nghị Bộ GTVT hủy kết quả đầu thầu và tổ chức đấu thầu lại.
Doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản
Ông Nguyễn Đình Hoan - Giám đốc công ty 234 bức xúc: Nếu biết hồ sơ dự thầu hết hiệu lực thì tại sao ngay khi đó Cục đường bộ không ra phán quyết cuối cùng? Tại sao ngày 25/4/2007, Cục đường bộ VN vẫn có công văn yêu cầu công ty chuẩn bị bảo lãnh thực hiện hợp đồng để ký kết hợp đồng vào ngày 11/5?
Theo ông Hoan, chính việc “chạy đua” với những yêu cầu của Cục đường bộ khiến công ty cùng 700 cán bộ, công nhân viên lâm vào tình cảnh khốn đốn.
Trước đó, công ty này đã phải huy động vay vốn của CBCNV toàn công ty với số tiền hơn 50 tỷ đồng, mỗi tháng công ty này phải trả lãi vay hơn 600 triệu đồng cộng với khoản phí bảo lãnh thực hiện hợp đồng mà công ty này phải trả ngay lần đầu sau khi phát hành là 700 triệu đồng.
Ngoài ra, nếu việc ký kết hợp đồng với Cục đường bộ đổ vỡ, doanh nghiệp này vẫn phải nộp phạt cho ngân hàng bảo lãnh hơn 20 tỷ, tương đương với 5% giá trị trúng thầu.
Một cuộc đấu thầu quy mô, tốn kém kéo dài hai năm vẫn chưa tìm được hồi kết. Liệu hợp đồng có tiếp tục được ký kết hay bị hủy bỏ, dư luận đang chờ đợi câu trả lời từ phía Bộ GTVT.
Phúc Hưng