1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Doanh nghiệp Hàn Quốc muốn bán nhiều nho, táo, ớt… ở Việt Nam

Đại Việt

(Dân trí) - Doanh nghiệp Hàn Quốc đang rất tích cực quảng bá các sản phẩm chủ lực của mình đến người tiêu dùng Việt Nam như: nho, táo, ớt, nhân sâm, rong biển, bí đỏ…

Doanh nghiệp Hàn Quốc muốn bán nhiều nho, táo, ớt… ở Việt Nam - 1

Các bên chia sẻ thông tin với nhau thông qua hội thảo trực tuyến. Ảnh: Đại Việt

Tại Hội thảo Doanh nghiệp trực tuyến Hàn - Việt, các doanh nghiệp Việt Nam, Hàn Quốc đều bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác kinh doanh, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục hoành hành.

Trao đổi qua màn hình máy tính, ông Sin Jae Geun, đại diện một doanh nghiệp chế biến nông sản tại Hàn Quốc cho biết, công ty ông đang xúc tiến hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam để tiêu thụ nông sản.

Công ty của ông Sin Jae Geun chuyên sản xuất các loại nông sản chế biến như ớt không cay, bí đỏ, lá kim (rong biển), tảo bẹ, củ dền, táo…

"Chúng tôi làm chín các nguyên liệu, sau đó trộn vào một ít bột nếp rồi đem đi phơi khô, đóng gói. Các sản phẩm của chúng tôi thường dùng để làm món ăn vặt. Giá mỗi sản phẩm dao động từ 50.000 - 90.000 đồng/gói", ông Sin Jae Geun nói.

Theo ông Sin Jae Geun, công ty ông chưa có mối hợp tác nào với doanh nghiệp Việt Nam. Chính vì vậy, ông mong muốn sản phẩm của công ty mình sẽ "bước" vào thị trường Việt Nam trong thời gian sớm nhất cũng như tiếp cận với người tiêu dùng Việt. Công ty ông có thể cung cấp khoảng 1 tấn hàng hóa/tuần.

Doanh nghiệp Hàn Quốc muốn bán nhiều nho, táo, ớt… ở Việt Nam - 2

Ớt xanh không cay tẩm bột nếp phơi khô làm món ăn vặt. Ảnh: Đại Việt

Cũng như doanh nghiệp nói trên, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đã gửi sản phẩm của mình đến hội thảo để doanh nghiệp Việt và người tiêu dùng tiếp cận. Các sản phẩm như: nho tươi, hồng sâm, nhân sâm, dầu thực vật và nhiều loại nông sản đã được trưng bày, giới thiệu.

Doanh nghiệp Hàn Quốc muốn bán nhiều nho, táo, ớt… ở Việt Nam - 3

Nhiều sản phẩm nho tươi được giới thiệu đến doanh nghiệp và người tiêu dùng. Ảnh: Đại Việt

Ông Nguyễn Khắc Minh Trí, đại diện một doanh nghiệp chuyên thực hiện các giải pháp nông nghiệp tại TPHCM cho biết, công ty ông cũng đang có vùng trồng ớt chuông tại huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Doanh nghiệp cũng mong muốn được kết nối với các doanh nghiệp Hàn Quốc để phát triển đầu ra cho sản phẩm.

"Doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc đều rất cần những buổi kết nối như thế này để đôi bên cùng tìm hiểu, tạo cơ hội cho nhau trong giao thương hàng hóa. Doanh nghiệp Việt hiện nay cũng rất chịu khó tìm tòi, sáng tạo trong việc áp dụng công nghệ trong sản xuất. Hàng hóa của Việt Nam đủ sức vươn đến các thị trường khó tính nhất của quốc tế", ông Trí nói.

Theo ông Trí, vùng trồng ớt chuông của công ty ông cũng đang được áp dụng công nghệ "Made in Vietnam" do chính người Việt làm ra.

Điển hình là việc phân tích lượng dưỡng chất trong đất, tạo ra các thiết bị cảm biến độ ẩm cho đất, quản lý nước tưới, quản lý dưỡng chất, phân bón cho cây… Việc số hóa, sử dụng các thiết bị tự động đã giúp giảm chi phí sản xuất và tăng năng suất cho cây trồng.

Cũng theo ông Trí, "bài toán" về chất lượng, năng suất đã được giải quyết. Vấn đề quan trọng tiếp theo là đầu ra cho sản phẩm. Doanh nghiệp đang cố gắng tìm đối tác là các doanh nghiệp chế biến, bán lẻ để tiêu thụ sản phẩm ớt chuông của công ty.

Doanh nghiệp Hàn Quốc muốn bán nhiều nho, táo, ớt… ở Việt Nam - 4

Các sản phẩm nông nghiệp của Hàn Quốc được trưng bày, giới thiệu. Ảnh: Đại Việt

Ông Lee Cheol Woo, Thống đốc tỉnh Gyeongsangbuk Bắc (Hàn Quốc) cho biết, các doanh nghiệp của tỉnh này rất mong muốn được hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam. Bởi, dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021 là 6,7%. Đây là thông tin vô cùng ý nghĩa đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc.

"Việt Nam đang là nơi có tốc độ phát triển nhanh nhất Đông Nam Á. Việc tăng cường kết nối giao thương sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên. Chúng tôi sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp một cách tốt nhất", ông Lee Cheol Woo nói.

Tại buổi hội thảo trực tuyến, các nhà chức trách cho biết, Hàn Quốc đang mở rộng phạm vi văn hóa, kinh tế và thương mại sang các nước Đông Nam Á và Việt Nam là quốc gia mới nổi, phát triển tiêu biểu ở khu vực.

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Hàn Quốc và Việt Nam vào năm 1992, khối lượng thương mại giữa hai nước đã tăng hơn 100 lần. Việt Nam trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Hàn Quốc sau Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Ông Ahn Seong Ho - đại diện Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại TPHCM - cho biết, dịch Covid-19 đã khiến các doanh nghiệp không thể kết nối trực tiếp được với nhau. Tuy nhiên, doanh nghiệp cả hai bên đã đều nỗ lực trong việc chia sẻ thông tin, kết nối cùng nhau để tạo ra những sự hợp tác bền chặt, lâu dài.

Ông tin rằng, Việt Nam luôn là miền đất hứa, đầy tiềm năng cho doanh nghiệp Hàn Quốc. Và đất nước Hàn Quốc cũng luôn sẵn sàng chào đón các doanh nghiệp Việt đến đầu tư kinh doanh, mở rộng thị trường.