Doanh nghiệp Hà Giang xin tạo điều kiện xuất khoáng sản sang Trung Quốc

(Dân trí) - Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hà Giang kiến nghị Thủ tướng tính thuế xuất khẩu cho phù hợp, "tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được phép xuất khẩu các loại khoáng sản sang Trung Quốc, để các doanh nghiệp có thể giảm thiểu được các chi phí". Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã bác bỏ kiến nghị này.

Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời kiến nghị của một số doanh nghiệp (DN), hiệp hội DN đưa ra tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp (DN) năm 2016.

Trong văn bản kiến nghị của Hiệp hội DN tỉnh Hà Giang, các DN này cho biết, do Hà Giang là tỉnh miền núi nơi địa đầu của Tổ quốc, gần với Trung Quốc nhưng xa các trung tâm công nghiệp. Chi phí vận tải về các khu công nghiệp trong nước quá xa, giá chi phí quá nhiều làm tăng phí trong giá thành, không đem lại hiệu quả kinh tế cho DN và xã hội.

Do đó, các DN này kiến nghị Thủ tướng tính thuế xuất khẩu cho phù hợp để "tạo điều kiện cho các DN được phép xuất khẩu các loại khoáng sản sang Trung Quốc, để các DN có thể giảm thiểu được các chi phí, đem lại hiệu quả kinh tế cho DN và xã hội cao hơn".

Bộ Tài chính từ chối xem xét lại các khoản thuế, phí với hoạt động xuất khẩu khoáng sản
Bộ Tài chính từ chối xem xét lại các khoản thuế, phí với hoạt động xuất khẩu khoáng sản

Hiệp hội DN Hà Giang cũng đề nghị Chính phủ rà soát lại các loại thuế và phí đối với các loại khoáng sản. Vì theo những DN này, hiện nay có trên 11 loại thuế và phí như vậy là quá nhiều và quá cao gây nhiều khó khăn cho DN.

Cụ thể: Thuế GTGT 10% (nếu xuất khẩu là 30-40% trên giá bán). Thuế tài nguyên 10-12% trên giá bán (tăng 30 lần). Thuế thu nhập DN từ 32-50% tùy loại khoáng sản (tăng khoảng 3 lần). Phí môi trường chiếm từ 6-14% trên giá bán (cao bằng hoặc cao hơn thuế). Tiền cấp quyền khai thác là 2% nhưng thu trước, tính từ 1 tỷ đến vài chục tỷ đồng trên 1 mỏ trong 1 năm.

Ngoài ra, còn tiền ký quỹ môi trường, chi phí trả tiền sử dụng nước mặt và xả thải vào nguồn nước, tiền thuê đất và bồi thường đất, tiền trồng rừng hoàn nguyên và phục hồi môi trường, tiền hỗ trợ địa phương nơi công ty khai thác và chế biến.

Các DN này còn cho rằng, tiền sử dụng tài liệu thu 1 lần, nhưng giá trị từ 1 tỷ đến vài chục tỷ đồng trên 1 mỏ, điều này không phù hợp vì khi đã đấu giá cấp quyền khai thác thì tiền tài liệu đã nằm trong giá trị của mỏ.

Sau khi tiếp nhận ý kiến DN, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, thuế xuất khẩu các sản phẩm ở Việt Nam về cơ bản ở mức 0%, riêng các sản phẩm tài nguyên thô xuất khẩu thì áp dụng mức thuế suất cao trong phạm vi cam kết quốc tế để đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất trong nước.

Người phát ngôn của Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh rằng, tài nguyên là một trong những nguồn lực có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Luật khoáng sản đã quy định "Nhà nước bảo đảm khoáng sản được bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả, đồng thời quy định về nguồn thu ngân sách Nhà nước từ hoạt động khoáng sản" bao gồm: Thuế theo quy định của pháp luật về thuế; phí, lệ phí theo quy định của pháp luật; và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

"Mỗi chính sách thu hiện hành liên quan đến tài nguyên đều được gắn với mục tiêu điều chỉnh riêng, là công cụ tài chính, thể hiện vai trò sở hữu Nhà nước đối với tài nguyên quốc gia và thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên của tổ chức, cá nhân" - Thứ trưởng Vũ Thị Mai khẳng định.

Các khoản thu đối với khai thác khoáng sản hiện hành (trong đó có chính sách thu từ thuế, phí, lệ phí) trong thời gian qua được ban hành, sửa đổi, bổ sung để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, DN khai thác và địa phương nơi có khoáng sản được khai thác trong từng thời kỳ, phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về khoáng sản.

Bà Mai lưu ý rằng, việc điều tiết các khoản thu từ khoáng sản luôn hướng các DN thực hiện khai thác khoáng sản tiết kiệm, hiệu quả; có chính sách khuyến khích DN đầu tư vào chế biến sâu, nâng cao giá trị sản phẩm tài nguyên. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị DN thực hiện theo quy định của pháp luật nêu trên.

Ngoài ra, trong văn bản kiến nghị, Hiệp hội DN Hà Giang cũng đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh cắt bỏ phần phí trên thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào của các loại xe ô tô tại Thông tư số 34 ngày 28/3/2013 của Bộ tài chính.

Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Tài chính khẳng định, việc quy định giá tính lệ phí trước bạ hiện hành là đảm bảo tính đồng bộ với quy định của pháp luật (về thuế GTGT, thuế TNDN...), đảm bảo giá tính lệ phí trước bạ được xác định phù hợp với giá chuyển nhượng tài sản thực tế trên thị trường trong nước.

Bích Diệp

Doanh nghiệp Hà Giang xin tạo điều kiện xuất khoáng sản sang Trung Quốc - 2