1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Doanh nghiệp gỗ liên kết để phát triển

Khác với tình trạng hoạt động manh mún, rời rạc trước đây, các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ đang có xu hướng hợp tác với nhau để giữ vững thị trường, đáp ứng những đơn hàng lớn từ phía bạn hàng quốc tế.

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vietfores) nói: “Liên kết giữa các doanh nghiệp bây giờ đã khá hơn. Đơn hàng lớn ngày một nhiều trong khi các doanh nghiệp nhỏ lại khó có thể đáp ứng được những đơn hàng đó, vì vậy buộc phải liên kết.”

Việc liên kết đã hình thành từ hai năm nay, sau khi Việt Nam ký được nhiều hợp đồng lớn với khách hàng Mỹ. Với mỗi đơn hàng lớn vượt quá năng lực của doanh nghiệp, họ sẽ tìm đối tác liên kết để chia sẻ từng công đoạn sản xuất. Nỗ lực này đã tăng cường khả năng đáp ứng các đơn hàng lớn, vì vậy uy tín của các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng cao.

Ngành gỗ hiện có 2.000 doanh nghiệp chế biến mà hầu hết là những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo ông Quyền, việc hợp tác không chỉ giúp doanh nghiệp chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất mà còn giúp hạ giá gỗ đầu vào do nhập khẩu tập trung thay vì manh mún như hiện nay.

Ông Quyền cho biết thêm, do nhận thức được những lợi thế của liên kết nên các doanh nghiệp đang hợp tác theo hướng: các doanh nghiệp nhỏ hơn làm vệ tinh cho các doanh nghiệp lớn; hình thành các nhóm doanh nghiệp để cùng trao đổi kinh nghiệm và giúp nhau sản xuất, kinh doanh; hoặc tham gia liên doanh.

Hiện tại, ngành gỗ có 53 liên doanh. Các doanh nghiệp mạnh, trường vốn thì hình thành tập đoàn chế biến gỗ xuất khẩu như Công ty TNHH Khải Vi; Công ty Cổ phần Savimex và Công ty TNHH Trường Thanh TPHCM. Mỗi tập đoàn có khá nhiều công ty vệ tinh.

Một điển hình về liên kết là Cụm Công nghiệp Gỗ Phú Tài ở tỉnh Bình Định. Trong năm đầu mới hình thành cụm (2001), chỉ có 5 doanh nghiệp nhưng tới nay có tới gần 60 doanh nghiệp cùng hợp tác để sản xuất và kinh doanh.

Theo Vietfores, Hiệp hội đang xúc tiến thành lập ba trung tâm chuyên nhập khẩu gỗ nguyên liệu ở ba miền đất nước theo hình thức mỗi trung tâm là một công ty cổ phần. Trước mắt, Vietfores, xúc tiến thành lập đầu mối phía Bắc sau đó sẽ ở miền Trung và Nam.

Không dừng ở liên kết trong phạm vi quốc gia, Vietfores còn ký thoả thuận với Quỹ Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) thành lập Mạng lưới kinh doanh lâm sản Việt Nam (VFTN).

Kể từ 2006, VFTN, sẽ liên kết các lâm trường, chủ rừng với các công ty chế biến gỗ trong nước nhằm giám sát nguồn gốc gỗ, giúp doanh nghiệp sản xuất chế biến gỗ thấy rõ tiềm năng kinh tế, lợi ích thực sự nếu đạt được các tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững cấp quốc tế.

Trong năm 2005, nhờ có những liên kết chặt chẽ mà ngành gỗ đã gặt hái được thành quả đáng khích lệ. Kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt trên 1,5 tỷ USD, tăng 33% so với năm ngoái. Đồ gỗ Việt Nam hiện được xuất sang 120 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam từ chỗ chỉ là sản phẩm thô (gỗ tròn, gỗ xẻ) nay đã phát triển lên một trình độ gia công cao hơn, gồm bốn nhóm: đồ mộc ngoài trời, đồ mộc trong nhà, đồ mỹ nghệ, và sản phẩm dăm gỗ.

Theo TTXVN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm