Doanh nghiệp gỗ kêu cứu, Hải quan tạm áp thuế xuất khẩu ván gỗ ghép về 0%

An Linh

(Dân trí) - Lãnh đạo Tổng cục Hải quan chỉ đạo Cục Hải quan Đồng Nai tạm thời vẫn áp dụng mức thuế xuất khẩu ván gỗ ghép thanh cao su 0% và chờ quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Trước đó, sau khi các doanh nghiệp ngành gỗ gửi đơn kêu cứu về việc họ bị áp thuế suất thuế xuất khẩu 25% thay vì 0%, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan lập đoàn công tác vào Cục Hải quan Đồng Nai phối hợp với các bộ ngành, hiệp hội xử lý vụ việc nhằm tháo gỡ cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp gỗ kêu cứu, Hải quan tạm áp thuế xuất khẩu ván gỗ ghép về 0% - 1

Lãnh đạo Tổng cục Hải quan đối thoại với các doanh nghiệp sản xuất ván gỗ ghép cao su sau khi họ có đơn kêu cứu

Trong ngày 5/8, tại Đồng Nai, ông Lưu Mạnh Tưởng, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan sau khi nghe lãnh đạo Hiệp hội gỗ (Viforest), doanh nghiệp gỗ đưa ra thực trạng đã quyết định trong khi chờ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, mức thuế xuất khẩu ván gỗ ghép cao su xuất khẩu vẫn được áp dụng mức 0%.

Trước đó, theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, 23/7/2018 Công ty cổ phần chế biến Gỗ mộc Cát Tường đăng ký tờ khai xuất khẩu tại Chi cục Hải quan Biên Hòa - Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai đối với 5 mẫu hàng có tên khai báo Ván gỗ cao su ghép với nhiều kích thước khác nhau, mã số khai báo 4412.99.90 với mức thuế suất xuất khẩu 0%, tương ứng mã số HS là 4418.

Tuy nhiên, ngày 24/6/2020 Tổng cục Hải quan ban hành thông báo kết quả phân loại, cho biết mặt hàng có kết quả phân tích là ván gỗ cao su dạng tấm/thanh, đã bào, đã chà nhám, nhiều kích cỡ, được ghép ngang từ các thanh đã ghép nối đầu.

Nhóm doanh nghiệp gỗ cho biết, lý giải của hải quan cho hay, các tấm/thanh ván gỗ cao su chưa sử dụng được ngay mà phải qua gia công thêm để làm ván lót sàn, mặt bàn, cầu thang,... tùy thuộc vào mục đích sử dụng. Vì vậy, mặt hàng này phải áp mã số 4407.29.97.90 và phải chịu thuế suất thuế xuất khẩu 25% (mã số HS 4407).

Tại cuộc làm việc với đoàn, ông Tưởng đề nghị Viforest và doanh nghiệp gỗ đưa ra các căn cứ, cơ sở để chứng minh cho việc phân loại mặt hàng này vào nhóm 4418 thay vì nhóm 4407.

Ông Phạm Hoàng Thông, đại diện Công ty mộc Cát Tường, quy trình sản xuất ván ghép thanh từ gỗ cao su của công ty bao gồm 14 bước: từ gỗ cao su dạng thanh đã qua cưa xẻ, tẩm sấy chống mối mọt sau khi nhập về được cắt chọn, bào hai mặt, bào hai cạnh bằng máy chuyên dụng. Thanh cao su sau đó được phân loại chất lượng phôi, lựa màu, đánh mộng để tạo mộng âm dương hình răng lược ở hai đầu để ghép dọc thành các thanh dài. Các thanh ghép dọc đạt yêu cầu sẽ được bào cạnh rồi sau đó ghép ngang. Sản phẩm sau ghép được cắt theo quy cách, chà nhám để chà sạch keo thừa, tạo độ láng tuyệt đối và đảm bảo kích thước cuối cùng theo yêu cầu của đơn hàng.

"Sản phẩm gỗ cao su được chế biến có mức độ gia công và tạo giá trị gia tăng sâu hơn so với nhóm 4407, nên việc phân loại vào nhóm 4418 là hợp lý", ông Thông cho biết.

Tại buổi gặp gỡ với doanh nghiệp gỗ, bà Đào Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) cho biết: Nhóm 4407 có phạm vi rất rộng, bao gồm cả ván ghép từ các thanh gỗ, trong đó không quy định ghép dọc hay ghép ngang. Theo đó, nếu các sản phẩm không vượt qua công đoạn gia công thì hoàn toàn phù hợp với nhóm 4407.

“Những mặt hàng dưới dạng tấm phẳng dùng cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau, chưa nhận dạng được các phần chưa lắp ráp trong một cấu kiện gỗ hoặc phải gia công thêm để phù hợp cho mục đích sử dụng tiếp theo thì không phù hợp với nhóm 4418”, bà Hương nêu rõ.

Doanh nghiệp gỗ kêu cứu, Hải quan tạm áp thuế xuất khẩu ván gỗ ghép về 0% - 2

Ông Lưu Mạnh Tưởng, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan

Còn bà Nguyễn Thị Minh Ngọc, Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết việc phân loại mã HS phải tuân thủ tuyệt đối theo quy định của Tổ chức Hải quan thế giới. Thời gian gần đây, Bộ Tài chính nhận được ngày càng nhiều vụ việc liên quan đến áp thuế chống bán phá giá của các nước Mỹ, EU.

Theo bà này, các nước áp thuế hoặc khiếu kiện Việt Nam trợ cấp liên quan tới việc áp mã HS và họ thường cho rằng các doanh nghiệp Việt được hưởng lợi từ HS sẽ có giá thành sản phẩm thấp hơn và cạnh tranh với sản phẩm trong nước của họ..

Ông Huỳnh Quang Thanh, Phó Chủ tịch Viforest đề xuất Tổng cục Hải quan cho phép doanh nghiệp xuất khẩu ván gỗ ghép vẫn được áp dụng với mức thuế 0%, sau đó khi các cơ quan nhà nước xem xét kỹ quy trình và tham vấn các bên, nếu có áp thuế 25% theo mã HS 4407, doanh nghiệp sẽ thực hiện sau.

Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng ghi nhận các ý kiến của hiệp hội và doanh nghiệp, trong quá trình tham vấn các cấp có thẩm quyền, cơ quan hải quan sẽ không làm xáo trộn hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Ông Tưởng yêu cầu trước mắt để hạn chế xáo trộn hoạt động kinh doanh, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh và khó khăn của doanh nghiệp, Cục Hải quan Đồng Nai cho phép doanh nghiệp xuất khẩu gỗ ván ghép được hưởng thuế suất thuế xuất khẩu 0%. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải cam kết sẽ thực hiện quyết định cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền và quyết định cuối cùng sẽ được áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm