Doanh nghiệp được “tự chủ” việc sử dụng con dấu

(Dân trí) - Theo nội dung của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Sáng nay 26/11, tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) với tỷ lệ phiếu tán thành là 85,51%. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2015. Một số điều đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội sửa đổi sau khi có những ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Theo nội dung của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Đây được xem là điểm sửa đổi có tính đột phá trong lần sửa đổi của Luật lần này.

Doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu theo quy định.
Doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu theo quy định.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Trước khi Luật được thông qua, có ý kiến đề nghị nghiên cứu thêm để phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành về quản lý và sử dụng con dấu cũng như có biện pháp bảo đảm con dấu có giá trị pháp lý và không bị giả mạo.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, doanh nghiệp có quyền tự chủ quyết định về hình thức, nội dung và việc quản lý, sử dụng con dấu. Đồng thời, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Khi tham gia các hoạt động kinh doanh, bên đối tác đương nhiên có các biện pháp kiểm tra toàn diện về doanh nghiệp, kể cả tính xác thực của con dấu để hai bên có thể tin tưởng, ký kết, thực hiện giao dịch.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhấn mạnh, việc quản lý, sử dụng con dấu là quyền của doanh nghiệp, được quy định trong Điều lệ công ty. Để làm rõ hơn nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin chỉnh lý khoản 3 Điều 44 của dự án Luật như sau: “Việc quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty.”

Cùng với việc quy định về con dấu, một trong những điểm mới của Luật là tại điểm d khoản 1 Điều 108 của Luật Doanh nghiệp sửa đổi đã được sửa đổi theo hướng các doanh nghiệp Nhà nước phải có báo cáo đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh của công ty mẹ và công ty con.

“Báo cáo đánh giá kết quả hoạt động của công ty và công ty con của công ty gồm ba phần: Kết quả hoạt động kinh doanh hàng năm; Kết quả thực hiện kế hoạch 5 năm cộng dồn đến năm báo cáo; Kết quả thực hiện chiến lược phát triển cộng dồn đến năm báo cáo. Nội dung chi tiết các phần báo cáo do Chính phủ hoặc cơ quan đại diện chủ sở hữu quy định”, báo cáo giải trình Luật Doanh nghiệp sửa đổi cho biết.

Một chỉnh sửa nữa trong Luật Doanh nghiệp có liên quan đến doanh nghiệp Nhà nước,đó là quy định tiêu chuẩn của thành viên Hội đồng thành viên. Theo đó, Ủy ban thương vụ Quốc hội đã bổ sung quy đinh về tiêu chuẩn trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tế của thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Giám đốc tại Điều 92 và Điều 100 của dự án Luật Doanh nghiệp.

Ngoài ra, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng chỉnh lý bổ sung quy định về kiểm soát viên không phải là Trưởng Ban kiểm soát phải có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc liên quan đến một trong các chuyên ngành tài chính, kế toán, kiểm toán, luật, quản trị kinh doanh trong các ngành, nghề, lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh chính của doanh nghiệp, nơi được bổ nhiệm làm kiểm soát viên.

Đối với việc thanh toán và xử lý cổ phần mua lại, khoản 2 Điều 131 đã quy định rõ cổ phần mua lại là cổ phần chưa bán. Việc chào bán cổ phần này phải được thực hiện theo quy định tương ứng của Luật và bảo đảm quyền, lợi ích của các cổ đông công ty mà không cần thiết hạn chế thời hạn được quyền bán lại cổ phần này.

Riêng về vấn đề bổ sung những quy định cho các luật chuyên ngành, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật. Tuy nhiên, việc liệt kê hết các Luật chuyên ngành được áp dụng quy định đặc thù sẽ không đầy đủ. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định của dự án Luật đã trình; đồng thời, trong quá trình dự thảo, thẩm tra và ban hành luật, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan soạn thảo, thẩm tra nghiên cứu, xem xét, chỉnh lý các dự án Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua, bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Nguyễn Hiền

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm