Doanh nghiệp dược sẵn sàng với "thị trường bùng nổ" khi bình thường mới
(Dân trí) - Trạng thái bình thường mới đã được thiết lập tại nhiều tỉnh thành trên cả nước cùng với đó chuyên gia y tế khuyến cáo tiếp tục duy trì 5K và các biện pháp bảo vệ sức khỏe của người dân. Đây là dư địa và cũng là thách thức của các doanh nghiệp dược.
Dư địa từ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân
Tỉ lệ đạt miễn dịch cộng đồng ngày càng cao, giúp người dân yên tâm hơn, đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh quay trở lại. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế đã khuyến cáo ngay cả khi tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19, vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Về mặt khoa học, không có loại vaccine nào đạt 100% khả năng bảo vệ. Tỉ lệ bảo vệ không mắc bệnh dao động từ 70% - 80%, như vậy có khoảng 20-30% sau khi tiêm đủ vaccine ngừa Covid-19 vẫn có thể bị nhiễm.
Theo Quyết định số 4109/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc hướng dẫn tạm thời "Danh mục thuốc điều trị ngoại trú cho người nhiễm Covid-19 tại nhà", sát khuẩn hầu họng là một trong 7 nhóm thuốc, bên cạnh thuốc hạ sốt, giảm đau; cân bằng điện giải; hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng; kháng virus; chống viêm corticosteroid và chống đông máu.
Kể cả với những F0 sử dụng Túi thuốc an sinh để điều trị tại nhà, bác sĩ cũng yêu cầu người bệnh phải thường xuyên vệ sinh vùng hầu họng để hỗ trợ làm giảm nồng độ virus. Ngay cả với những người xung quanh bị nghi nhiễm và những người không nhiễm bệnh, cũng nên súc họng nhiều lần mỗi ngày.
Thực tế này, theo nhận xét của đại diện Traphaco, mở ra cơ hội thị trường nhưng cũng là thách thức với các doanh nghiệp dược khi một mặt cần đáp ứng lượng hàng hóa lớn phục vụ người dân một mặt cần duy trì giá bán ổn định trong bối cảnh giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, chi phí sản xuất, vận chuyển tăng mạnh gần đây.
Ghi nhận từ thực tế cho thấy, nhu cầu sử dụng thuốc sát khuẩn họng vẫn cao ngay cả khi tình hình dịch đã qua đỉnh căng thẳng. Dây chuyền sản xuất T-B Fresh của Traphaco, theo chia sẻ của lãnh đạo doanh nghiệp, đã chạy tối đa công suất 72.000 chai/ngày, thực hiện sản xuất 3 ca/ngày từ quý II.
T-B Fresh được sản xuất trên dây chuyền hiện đại tại nhà máy Traphaco Hưng Yên với nhiều dòng sản phẩm cho người lớn, trẻ em. Trong 2 năm nay, Traphaco giữ nguyên giá bán dù nguyên vật liệu đầu vào gia tăng mạnh, bởi vậy giá bán của sản phẩm chỉ chưa tới ½ so với sản phẩm cùng loại nhập ngoại. Hiệu quả tốt của thuốc đã được chứng minh qua thực tế lâm sàng nhiều năm bởi vậy vào cuối tháng 8, 200.000 chai thuốc sát khuẩn họng T-B Fresh của Traphaco đã được vận chuyển từ nhà máy ngoài Bắc vào TPHCM, phục vụ cho Chương trình Túi thuốc an sinh hỗ trợ điều trị F0 tại nhà.
Ngoài thuốc sát khuẩn họng, Traphaco cũng tăng công suất tối đa các dây chuyền thuốc nhỏ mắt,…. Nhằm kịp thời cung cấp, đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân trong mùa dịch. Việc liên tục duy trì công suất tối đa các dây chuyền dù phải thực hiện quy tắc "3 tại chỗ", nhưng không bị áp lực vì nhà máy được tự động hóa hoàn toàn, sản xuất khép kín, không sử dụng nhiều nhân công.
Không để đứt gãy chuỗi cung ứng thuốc trong đại dịch
Ngoài việc gia tăng hàng tự sản xuất an toàn, một thách thức lớn khác với các doanh nghiệp dược là không để đứt gãy chuỗi cung ứng thuốc trong bối cảnh vận chuyển, đi lại khó khăn trong đại dịch, nhiều rủi ro về nhiễm bệnh với các trình dược viên, nhân viên giao hàng…
Khảo sát thực hiện trong tháng 9 của CTCK SSI cho biết nhiều doanh nghiệp dược phía Nam đã phải giảm 30% công suất, không đủ thuốc cung ứng cho các nhà phân phối vì nhiều nhân viên không thể đi làm, đứt gãy trong khâu tổ chức vận chuyển, giao hàng…
Chuỗi phân phối của Traphaco với quy mô 28.000 nhà thuốc trên toàn quốc lại "hóa giải" được thách thức này một cách chủ động. Công ty vốn đã áp dụng công nghệ từ trước và có được kho dữ liệu lớn xây dựng gần 6 năm qua, nhờ vậy có thể dự báo được mức độ các khu vực bị ảnh hưởng doanh số, mức độ tồn hàng tại mỗi nơi để có phương án luân chuyển hàng tới khu vực có nhu cầu cao, không để tình trạng kệ trống thuốc. Đặc biệt, góp phần đảm bảo chuỗi sản xuất - bán hàng thông suốt, không bị đứt gãy bất cứ thời điểm nào, khu vực nào trong những thời điểm dịch bệnh căng thẳng đỉnh điểm như quý III vừa qua.
Với nhiều nỗ lực như vậy, quý III năm nay, Traphaco đạt doanh thu hợp nhất 561 tỷ đồng, tăng trưởng 22% so với cùng kỳ; lũy kế 9 tháng đạt 1.582 tỷ đồng, tăng trưởng 21% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý 3 ước đạt 70 tỷ đồng, vượt 17% kế hoạch, tăng trưởng 37% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, Traphaco ước đạt 195 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng 38% so với cùng kỳ năm 2020.
Đặt trong bối cảnh các doanh nghiệp dược phẩm sụt giảm doanh thu trong quý III, kết quả của Traphaco khá ấn tượng. Thống kê của SSI đánh giá, lũy kế 8 tháng năm 2021, tổng doanh thu dược phẩm tại Việt Nam đã giảm 11% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu từ các cửa hàng thuốc bán lẻ giảm 3% và doanh thu tại bệnh viện giảm 16% dựa trên ước tính từ các công ty dược niêm yết và dữ liệu đấu thầu thuốc từ Cục Quản lý Dược Việt Nam.
Bước sang giai đoạn bình thường mới, với định hướng chiến lược "sống chung với Covid-19" đã được Chính phủ triển khai, việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, nâng cao sức đề kháng của mỗi người dân càng quan trọng. Đây là điều kiện để đảm bảo cho "Chiến lược sống chung với Covid-19" thành công, góp phần nhanh chóng ổn định cuộc sống của người dân và sớm hồi phục kinh tế trở lại. Việc đảm bảo cung ứng thuốc chất lượng, đầy đủ, ổn định giá cả, nhất là các sản phẩm đã được các chuyên gia y tế khuyến cáo tăng cường sử dụng, cũng đòi hỏi nỗ lực lớn của các doanh nghiệp dược.