1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Doanh nghiệp "dài cổ" chờ quy định về bất động sản xanh

(Dân trí) - Ngoài "sự cô đơn" vì dám tiên phong, doanh nghiệp bất động sản xanh còn đang đối mặt với thiếu nhân lực có kinh nghiệm, vốn đầu tư ban đầu cao... Do đó, doanh nghiệp đề nghị Chính phủ cần sớm có quy định về bất động sản xanh cũng như giảm thuế để khích lệ.

"Tấm gương" là nước láng giềng

Tại buổi tọa đàm “Bất động sản Xanh: Trào lưu hay xu thế?” diễn ra vào ngày 20/9, các chuyên gia đều khuyên doanh nghiệp nên học cách làm bất động sản xanh (BĐSX) của Singapore. Đồng thời, mong muốn sớm có quy định rõ ràng về BĐSX cũng như giảm thuế cho doanh nghiệp làm loại hình nhà ở này.

Doanh nghiệp "dài cổ" chờ quy định về bất động sản xanh - 1

Tại buổi tọa đàm “Bất động sản Xanh: Trào lưu hay xu thế?”, nhiều doanh nghiệp kiến nghị giảm thuế

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, bất động sản xanh là một xu thế tất yếu. Ở các nước phát triển, BĐSX đã trở thành tiêu chí sống của con người.

Theo ông Võ, Singapore đã nói đến BĐSX từ thời Thủ tướng Lý Quang Diệu khi đưa cây xanh phủ khắp đất nước. Cho đến nay, quốc đảo sư tử này là nước đảm bảo được triết lý phát triển xanh cho nhà ở.

“Hiện nay, nhà ở xã hội của Singapore cũng được yêu cầu đưa bao nhiêu diện tích cây xanh lên từng tầng nhà. Qua đó, ta có thể thấy họ chú trọng như thế nào cho tiện ích cuộc sống của người dân”, ông Võ cho hay.

"Trông người lại nghĩ đến ta", hiện tại Việt Nam, luật pháp nói về tiêu chí nhà ở xanh vẫn còn đang... bỏ trống. Cụ thể nhất có thể thấy là luật kinh doanh bất động sản thì hoàn toàn không có những tiêu chí về bất động sản xanh. Luật này chủ yếu nói về vấn đề mua bán và kinh doanh dịch vụ.

Ông Đỗ Hữu Nhật Quang, Phó Chủ nhiệm CLB Kiến trúc xanh TPHCM cho hay, ở Singapore có một lộ trình về BĐSX rất cụ thể. Cụ thể, đến năm 2030, 80% công trình tại quốc gia này phải là công trình xanh… Hiện nay, Singapore đã có được 37% về công trình xanh.

Cũng theo ông Quang, hiện nay, ở Việt Nam rất ít công ty đủ can đảm để thực hiện những dự án của mình thành công trình xanh. Do đó, cần khuyến khích chủ đầu tư mạnh dạn hơn để làm các công trình xanh của mình.

Bên cạnh đó, cần thay đổi phương thức quản lý của các cơ quan Nhà nước trong phê duyệt và quản lý các dự án bất động sản. Cần luật hóa công trình xanh và có lộ trình phát triển phù hợp...

Chí phí tăng thêm 10%, kiến nghị giảm thuế

Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng Giám đốc Phúc Khang Corporation cho biết, làm công trình xanh chi phí ban đầu tăng thêm khoảng 10% để thỏa mãn các tiêu chí đặt ra (tiêu chuẩn của LEED) nhưng tiết kiệm về lâu dài. Trong đó, hiệu quả giảm 30% sử dụng nước và tối thiểu 20% năng lượng.

Theo bà Mẫu, thực hiện công trình xanh sẽ có 4 thách thức vô cùng lớn gồm: “Sự cô đơn” của những nhà tiên phong trong phát triển công trình xanh; chi phí đầu tư nguồn lực ban đầu cao hơn; thời gian phát triển dự án, thủ tục phức tạp; nguồn nhân lực có kinh nghiệm phát triển công trình xanh chưa nhiều.

Đồng quan điểm trên, bà Lê Thị Tú Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đồi Xanh Nha Trang cho biết, BĐSX ngoài việc sử dụng vật liệu kiến trúc, xây dựng thân thiện với môi trường thì còn phải biết tái chế để giảm khí thải…

Theo bà Tú Anh, công trình xanh giúp giảm được khoảng 14% lượng nước sinh hoạt, 40% vật liệu xây dựng và 39% năng lượng so với các công trình thông thường.

Bên cạnh đó, bà Tú Anh cũng đưa ra dẫn chứng bất động sản hiện nay với nhiều loại hình như: Biệt thự, nhà riêng lẻ… tiêu hao nguồn tài nguyên với một mức độ “kinh khủng” dẫn đến tiêu thụ 14% lượng nước sinh hoạt, 40% vật liệu xây dựng (chủ yếu từ tài nguyên thiên nhiên)… Đồng thời, bà Tú Anh mong muốn Chính phủ cần có những ưu đãi về thuế cho doanh nghiệp để khích lệ làm BĐSX.

Công Quang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm