1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Doanh nghiệp “chết” nhưng chưa thể "chôn" vì... thiếu luật

(Dân trí) - Góp ý cho Luật Phá sản (sửa đổi), đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TPHCM) cho rằng, Luật ban hành phải xử lý được sự bế tắc “chết” không “chôn” được của nhiều doanh nghiệp hiện nay mà các cơ quan, tòa án vô phương cứu chữa.

Luật ban hành phải xử lý được sự bế tắc “chết” không “chôn” được
Luật ban hành phải xử lý được sự bế tắc “chết” không “chôn” được của nhiều doanh nghiệp hiện nay mà các cơ quan, tòa án vô phương cứu chữa.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Thảo luận tại tổ chiều 18/11 về dự thảo Luật phá sản (sửa đổi), đa số đại biểu đều tán thành việc sửa đổi luật cho phù hợp với thực tiễn, bởi luật này gắn bó mật thiết với nền kinh tế thị trường. Luật phá sản sẽ tạo hành lang pháp lý để những doanh nghiệp không còn đáp ứng đủ điều kiện bước ra khỏi thị trường một cách hợp pháp.

Đánh giá về Luật phá sản hiện nay, đại biểu Trần Du Lịch, phó trưởng đoàn TPHCM cho rằng, Luật đi “thụt lùi” vì chỉ dừng lại ở mức tiếp cận luật hiện hành, chưa có gì đột phá.

“Đây là luật chơi kinh tế thị trường, tức là những người không có điều kiện, không còn muốn chơi sẽ bước ra khỏi cuộc chơi một cách có trật tự. Do đó, Luật ban hành phải xử lý được sự bế tắc “chết” không “chôn” được của doanh nghiệp hiện nay mà các cơ quan, tòa án vô phương cứu chữa”, đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Dẫn số liệu thống kê của toàn ngành Tòa án, trong 10 năm thụ lý 336 đơn xin phá sản và thụ lý được 80 vụ phá sản, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) cho rằng: Mỗi năm, cả nước có khoảng 50.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể thế nhưng do luật qui định chưa chặt chẽ nên dù doanh nghiệp không làm thủ tục phá sản cũng chẳng sao.

Do đó, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, Luật cần hoàn thiện nội dung cho phù hợp với hàng loạt luật khác thì sẽ hiệu quả hơn. Ví dụ như, Luật đăng ký Kinh doanh hiện nay quá dễ dàng nên khi chưa làm thủ tục khai tử đã sinh ra cái mới. Đúng ra, hai Luật này phải gắn liền, đi liền với nhau.

Góp ý cho dự thảo, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (đoàn Hà Nội) cho rằng, trong thời kỳ phát triển kinh tế, việc thành lập doanh nghiệp hay phá sản doanh nghiệp là điều bình thường. Tuy nhiên, dự thảo sửa đổi cần đơn giản các quy định, trình tự thủ tục phá sản nhằm khắc phục những bất cập của luật hiện hành.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) lưu ý các nhà làm Luật nên mở rộng đối tượng điều chỉnh vì hiện nay các loại hình kinh doanh đã mở rộng. Bởi trên thực tế, có một số không phải doanh nghiệp nhưng phát sinh công nợ rất nhiều. Trong cơ chế thị trường, các loại hình này là vì lợi nhuận. Có hộ kinh doanh có vốn lên tới hàng chục tỷ đồng nhưng có khi một hợp tác xã qui mô vốn lại không bằng.

Cũng với ý kiến mở rộng đối tượng áp dụng Luật Phá sản, đại biểu Phạm Huy Hùng (đoàn Hà Nội) cho hay, cần bổ sung các công ty tài chính, bảo hiểm, ngân hàng thuộc đối tượng áp dụng luật phá sản. Bởi những đối tượng này khi phá sản nếu không được giám sát chặt chẽ sẽ gây ra những phản ứng dây chuyền tiêu cực, tác động xấu đến nền kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (đoàn TPHCM) đề nghị dự thảo luật cần mở rộng đối tượng là các chủ thể kinh doanh khác như hộ cá nhân, hộ gia đình vì có quy mô vốn lớn, quy mô phát sinh công nợ lớn, giao dịch của các chủ sạp ở chợ lên tới hàng tỷ đồng.

“Nếu bình thường không có sự can thiệp của cơ quan pháp lý thì không thể thúc đẩy quá trình này thực hiện nhanh hơn. Việc đưa vào đây cũng như sự cảnh báo để các chủ doanh nghiệp nếu không thực thi nhiệm vụ thanh toán thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp”, đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa nói.

Với mục đích tạo sân chơi bình đẳng cho các chủ thể đăng ký kinh doanh ngoài doanh nghiệp và hợp tác xã, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (đoàn Hà Nội) đề nghị bổ sung và mở rộng đối tượng để mọi đối tượng kinh doanh đều bị điều chỉnh của luật này. Theo đại biểu, trong hoạt động sản xuất kinh doanh rõ ràng có vay nợ, và khi vay nợ không thể trả sẽ bị phá sản. Việc mở rộng đối tượng, đại biểu Hường cho rằng sẽ đảm bảo minh bạch, rõ ràng, phù hợp với chuẩn mực quốc tế và yêu cầu hội nhập…

Nguyễn Hiền
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm