1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

"Doanh nghiệp bị phạt nặng cộng lãi suất cao vì sai sót từ...10 năm trước"

(Dân trí) - Theo phản ánh của đại diện các doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam, do sự diễn giải khác nhau về các quy định luật pháp, có những trường hợp doanh nghiệp bị phạt nặng cộng với lãi suất cao cho những sai sót được xác định 10 năm sau đó. Thậm chí, có trường hợp do cán bộ thuế nhầm lẫn mà doanh nghiệp liên tục bị truy thu những khoản thuế đã nộp.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Kenneth M Atkinson, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam (BBGV) nhìn nhận, mặc dù đã cải cách nhiều lần, thủ tục về thuế vẫn tốn rất nhiều thời gian của doanh nghiệp.

Toàn cảnh diễn đàn VBF đang diễn ra sáng nay (5/12)
Toàn cảnh diễn đàn VBF đang diễn ra sáng nay (5/12)

"Trong nhiều trường hợp, quá trình thanh tra thuế diễn ra nhiều năm sau năm tài chính, cộng với việc các quy định thường được diễn giải theo nhiều cách, thậm chí là giữa các Chi Cục thuế ở các tỉnh thành khác nhau đã khiến cho doanh nghiệp bị phạt nặng cộng với lãi suất cao cho những sai sót được xác định 10 năm sau đó", ông Kenneth phản ánh.

Bên cạnh đó, lãnh đạo BBGV cũng chỉ ra tình trạng, có nhiều trường hợp, do nhầm lẫn từ phía Chi Cục thuế, cán bộ thuế liên tục truy thu những khoản thuế mà đã được doanh nghiệp nộp đầy đủ trước đó. Các hội viên cũng từng phản hồi trường hợp được đề nghị in bản kê khai thuế trực tuyến vì cục thuế không thể tìm thấy cơ sở dữ liệu này.

Trong khi đó, khi các công ty muốn quyết toán thuế thì lại gặp khó khăn vì cơ quan thuế dường như không có cán bộ sẵn sàng đảm nhiệm việc này.

Vì vậy, đại điện các doanh nghiệp Anh Quốc đề xuất, việc thanh tra thuế nên được thực hiện hàng năm để tránh mức phạt nặng và lãi suất cao cho những thiếu sót không cố ý. Hoặc, nếu việc thanh tra hàng năm là không khả thi, cách tính phạt và lãi suất cho những khoản nộp chậm phải thay đổi để phù hợp với thực tế rằng do cơ quan thuế không thể tiến hành thanh tra hàng năm, thay vì bắt doanh nghiệp chịu phạt vì việc này.

Ngoài ra, hiệp hội cũng kiến nghị các cơ quan thuế phân công cán bộ chuyên trách để theo dõi việc quyết toán thuế với doanh nghiệp thay vì chỉ truy thu doanh nghiệp một cách không cần thiết vì những khoản thuế đã được nộp đầy đủ.

Liên quan đến vấn đề này, nêu tại diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VBF cũng phản ánh, các cuộc khảo sát gần đây của VCCI về cải cách thủ tục hành chính cho thấy một tín hiệu đáng lo ngại là doanh nghiệp tư nhân càng lớn thì chi phí tuân thủ thủ tục hành chính càng cao, doanh nghiệp quy mô càng lớn và kinh doanh càng thành công thì bị thanh tra, kiểm tra càng nhiều.

"Đây là một lực cản đáng kể để các doanh nghiệp không lớn lên được và quy mô bình quân của doanh nghiệp Việt Nam đang nhỏ dần đi", ông Lộc nhận xét.

Sự yếu kém của các thiết chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của doanh nghiệp trong kinh doanh đang là một trong những điểm quan ngại hàng đầu của doanh nghiệp hiện nay và đang phát đi những tín hiệu không tốt về môi trường kinh doanh lành mạnh.

Đáp lại những mối băn khoăn của đại diện doanh nghiệp trong và ngoài nước, thay mặt Chính phủ, đại diện Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, việc cải cách thủ tục thuế, hải quan và thay đổi cơ chế phục vụ đang được Bộ Tài chính tập trung thực hiện. Theo đó, tiếp thu ý kiến các đại diện doanh nghiệp, Bộ sẽ thống nhất về vấn đề thanh tra, kiểm tra thuế định kỳ, cơ quan thi hành sẽ là thanh tra thuế của Tổng cục Thuế, đồng thời cũng sẽ thống nhất về quy định nộp phạt.

Hiện tại, với những kết quả bước đầu của tiến trình cải cách, Việt Nam đã giảm được thời gian giải quyết thủ tục nộp thuế xuống còn 117 giờ (giảm 420 giờ/năm), giảm thời gian thông quan từ 21 ngày xuống còn 14 ngày với thủ tục xuất khẩu và còn 13 ngày với thủ tục nhập khẩu. Đây là những cải cách quan trọng và góp phần củng cố mục tiêu hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm