Chính phủ thống nhất giảm áp lực thuế phí, hạ lãi suất cho doanh nghiệp

(Dân trí) - Theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết 35, Bộ Tài chính được yêu cầu xem xét giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với lao động trong một số lĩnh vực; Ngân hàng Nhà nước duy trì mặt bằng lãi suất thị trường ở mức hợp lý, có các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp. Nghị quyết được ban hành sau khi Hội nghị Thủ tướng và cộng đồng doanh nghiệp 2016 diễn ra.

Chính phủ nhấn mạnh phương châm kiến tạo, coi doanh nghiệp là đối tương phục vụ.
Chính phủ nhấn mạnh phương châm kiến tạo, coi doanh nghiệp là đối tương phục vụ.

Rà soát chi phí chính thức và phi chính thức

Giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp là một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp vừa mới được ban hành.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan rà soát các quy định pháp luật về đất đai theo hướng điều chỉnh giảm tiền thuê đất, chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất và các chi phí khác của doanh nghiệp. Rà soát, điều chỉnh mức phí đường bộ, phí BOT; đánh giá và đề xuất mức điều chỉnh hợp lý để giúp doanh nghiệp giảm chi phí, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải.

Cơ quan này cũng được giao xử lý nợ chậm nộp cho doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan; nghiên cứu, đề xuất giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nghiên cứu, đề xuất để thực hiện bù trừ thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh (bù trừ hai chiều).

Đáng chú ý, Chính phủ cũng yêu cầu xem xét giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với lao động trong một số lĩnh vực: Công nghệ thông tin thuộc lĩnh vực công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản…

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan rà soát, điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng phù hợp với năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Rà soát, đề xuất chế độ bảo hiểm xã hội hợp lý, hài hòa lợi ích của người lao động, doanh nghiệp và xã hội để doanh nghiệp thích ứng và sử dụng lao động phù hợp.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi quy định về trình tự, thủ tục, điều kiện để kinh doanh dịch vụ phòng cháy chữa cháy theo hướng đơn giản hóa, bảo đảm minh bạch, đáp ứng đủ điều kiện theo yêu cầu chuyên môn; đồng thời loại bỏ những quy định, điều kiện hạn chế cạnh tranh, tạo điều kiện để mọi doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực này.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức điều tra, thống kê, tổng hợp các chi phí chính thức, chi phí không chính thức đối với doanh nghiệp, so sánh với các doanh nghiệp trong khu vực, quốc tế và đề xuất giải pháp giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, tại Nghị quyết này, Chính phủ cũng giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan điều hành chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt, chặt chẽ, duy trì mặt bằng lãi suất thị trường ở mức hợp lý. Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn tín dụng.

Cụ thể, rà soát, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, giảm bớt phiền hà cho khách hàng, bảo đảm an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật; nâng cao năng lực thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng. Nghiên cứu, xây dựng các chương trình vay vốn với lãi suất hợp lý, khuyến khích đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.

Ngoài gánh nặng thuế phí, doanh nghiệp còn phải chi trả lớn cho các chi phí không chính thức
Ngoài gánh nặng thuế phí, doanh nghiệp còn phải chi trả lớn cho các chi phí không chính thức

Chưa đầy một nửa số doanh nghiệp có lãi là điều không bình thường

Trước đó, khi chuẩn bị cho Hội nghị Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp năm 2016, ông Lê Mạnh Hà - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã đánh giá, doanh nghiệp đang phải cõng trên lưng quá nhiều gánh nặng. "Một ông ốm yếu 40 cân mà phải gánh đến 3-4 tạ khó khăn thì không sống nổi!" - ông Hà nhận xét.

Do đó, cần phải làm thế nào để tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh để họ có thể sống được, tối thiểu là nuôi được gia đình và hơn nữa là tạo công ăn việc làm cho xã hội, tạo sản phẩm cho nền kinh tế.

Còn theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, trong khoảng thời gian 15 năm trở lại đây, kể từ ngày có Luật doanh nghiệp, Việt Nam có 941.000 doanh nghiệp đã được đăng ký thành lập. Tính đến ngày 31/12/2015, cả nước có 513.000 doanh nghiệp còn hoạt động (chiếm 54,5%), tuy nhiên, song song với đó cũng có tới 428.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể vì nhiều lí do khác nhau (chiếm 45,5%).

Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cũng cho thấy bức tranh không mấy lạc quan. Trong số các doanh nghiệp đang hoạt động ở thời điểm cuối năm 2015, 42% doanh nghiệp hoạt động có lãi, hơn một nửa (58%) doanh nghiệp thua lỗ hoặc hòa vốn.

"Con số 42% này, mặc dù được cải thiện so với mức 32% và 35% của những năm trước, nhưng việc chỉ có chưa đầy một nửa số doanh nghiệp kinh doanh có lãi trong một nền kinh tế là điều không bình thường, cho thấy hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp còn thấp và môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều khó khăn" - ông Lộc nhận định.

Hiện các doanh nghiệp Việt Nam đang phải vay ngân hàng với lãi suất cho vay bình quân khoảng 8,5%/năm, trong khi lạm phát chỉ ở mức 1,84% năm 2014 và 0,6% năm 2015. Ông Lộc tính toán, như vậy, lãi suất thực mà doanh nghiệp Việt Nam đang phải chịu đựng là 7 - 8%/năm, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực (lãi suất thực của Philippines là 2,2%/năm, lãi suất thực của Malaysia là 2,1%/năm).

Vị chủ tịch VCCI chỉ ra thực trạng, các doanh nghiệp trong nước đang phải gánh chịu các chi phí của cả các khoản nợ xấu của hệ thống ngân hàng cũng như nợ công của Chính phủ. Rõ ràng là nếu mức lãi suất thực hợp lý của người gửi tiền khoảng 2% và mức chênh lệch lãi suất huy động và cho vay hợp lý của hệ thống ngân hàng khoảng 2-3%, mặt bằng lãi suất hiện nay cần phải được giảm thêm 2% nữa mới về mức hợp lý. Vì thế, Chính phủ nên đặt mục tiêu cụ thể giảm lãi suất thực 1-2% trong năm tới cùng với việc giải quyết nợ xấu một cách thực chất.

Không chỉ vậy, các khoản thuế, phí ở Việt Nam hiện đã chiếm tới 40,8% lợi nhuận của doanh nghiệp. Đây là mức huy động thuộc loại cao nhất trong khu vực. Do đó, cần cải cách theo hướng cắt giảm là thuế và phí, bỏ thuế khoán thay vào đó là thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân, miễn thuế môn bài cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hộ kinh doanh.

Như vậy, qua Nghị quyết số 35 có thể thấy, nhiều vấn đề, đề xuất mà cộng đồng doanh nghiệp đề xuất (trực tiếp hoặc thông qua VPCP/VCCI) đều đã được Thủ tướng, Chính phủ lắng nghe, đề ra phương án giải quyết.

Bích Diệp

Chính phủ thống nhất giảm áp lực thuế phí, hạ lãi suất cho doanh nghiệp - 3