1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Doanh nghiệp bất động sản vẫn muốn "đánh bạc"?

Nhiều chủ đầu tư bất động sản (BĐS) tỏ rõ quan điểm sẽ không giảm giá vì cho rằng giá BĐS giờ đã bắt đáy, và nếu có giảm thì chất lượng sẽ không đảm bảo…

Nhiều chủ đầu tư bất động sản (BĐS) tỏ rõ quan điểm sẽ không giảm giá vì cho rằng giá BĐS giờ đã bắt đáy, và nếu có giảm thì chất lượng sẽ không đảm bảo… Nhưng rõ ràng, với việc thị trường BĐS đang ngày càng xuất hiện nhiều dự án giá rẻ (dưới 15 triệu/m2, thậm chí là 10 triệu/m2 theo tinh thần gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng) thì đây chính là canh bạc mà họ sẽ phải đối diện.
 
Bất động sản vẫn đang là cục nợ lớn nhất của nền kinh tế.
 
Theo nhận định của giới chuyên gia, thị trường BĐS năm 2014 sẽ tiếp tục khó khăn. Điều này đồng nghĩa với việc hàng trăm ngàn tỉ đồng (một phần trong số dư nợ lên tới hơn 1 triệu tỉ đồng mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng từng đề cập vào cuối năm 2012) tiếp tục bị “chôn” trong thị trường BĐS. Và nếu mớ dư nợ này không được giải quyết thì chắc chắn, những nỗ lực giải cứu, hỗ trợ thị trường mà Chính phủ, Bộ Xây dựng cũng như Ngân hàng Nhà nước đưa ra sẽ không phát huy hiệu quả, thậm chí là sẽ đi vào bế tắc.

Nhìn lại diễn biến trên thị trường BĐS thời gian gần đây mới thấy, người mua nhà đã quay lại thị trường, giới đầu tư cũng bắt đầu tìm kiếm cơ hội đầu tư từ nhà và đất, đặc biệt là sau khi một loạt chính sách hỗ trợ mua nhà, đất… được đưa ra, triển khai thực hiện. Tuy nhiên, cái khó ở đây là họ rất khó tìm ra sản phẩm phù hợp với khả năng tài chính của mình, giá BĐS vẫn ở mức rất cao.

Chẳng đâu xa, mới đây, khi Công ty cổ phần Xây dựng số 1 Lai Châu (chủ đầu tư dự án chung cư Đại Thanh – dự án có mức giá thấp nhất trên thị trường tính đến thời điểm hiện tại, 10 triệu đồng/m2) mở bán căn hộ thuộc dự án Kim Văn – Kim Lũ, thị trường BĐS Hà Nội tiếp tục chứng kiến một cơn “sốt, nóng”. Có thể vẫn còn những hoài nghi về độ “sốt, nóng” mà dự án này tạo nên nhưng rõ ràng, với mức giá vào khoảng 700 – 800 triệu đồng cho một căn hộ từ 53 – 58 m2, lại được vay vốn theo gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng sẽ có cơ tiếp cận mua nhà, hiện thực hóa giấc mơ sở hữu nhà ở của mình.

Tuy nhiên, đó là câu chuyện của một dự án, còn nhìn toàn cục thị trường thì mới thấy, xu hướng giảm giá, khuyến mại khủng như những tháng cuối năm 2012 và năm 2013 đã không còn tái diễn trên thị trường. Người ta gần như không còn thấy những chiêu khuyến mãi khủng kiểu như mua nhà tặng vàng, mua nhà khuyến mại m2 sử dụng… Hệ quả thì đã rõ, thị trường tiếp tục gặp khó, thanh khoản thấp, thậm chí, gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng cũng lại đang chật vật tìm đầu ra vì thiếu nguồn cung (căn hộ có diện tích dưới 70m2, giá thấp hơn 15 triệu/m2)..

Nói như vậy để thấy rằng, mệnh đề giảm giá, giải phóng hàng tồn trên thị trường BĐS như vậy cũng đã được chứng minh phần nào. Nhu cầu nhà ở của người dân hiện vẫn đang rất lớn và nếu các doanh nghiệp cung ứng các sản phẩm hợp lý, giá cả phù hợp thì chắc chắn sản phẩm làm ra sẽ được thị trường hấp thụ ngay lập tức chứ không phải sống trong cảnh ế ẩm, đóng băng như hiện nay.

Thời gian gần đây, câu hỏi giải pháp nào giải cứu thị trường BĐS tiếp tục nhiều chuyên gia đặt ra và thực tế đã có vô vàn giải pháp được đưa ra nhưng thực tế, thị trường vẫn chưa có nhiều biến chuyển. Thậm chí, quan điểm để thị trường BĐS rơi tự do – một trong những quan điểm gây phản ứng mạnh nhất trên thị trường BĐS năm 2013 – tiếp tục được TS Alan Phan tái khẳng định.

Các doanh nghiệp đều đã nhận thức được việc giảm giá là cần thiết, là cấp bách nhưng lại chẳng mấy ai giảm và nếu có giảm thì lại giảm chẳng đáng là bao so với sự trông mong của người dân, của người tiêu dùng BĐS. Người mua vẫn chờ giá nhà giảm tiếp là nhận định chung của nhiều nhà đầu tư, nhiều chuyên gia cả trong và ngoài lĩnh vực BĐS đưa ra vào lúc này.

Bài toán cân bằng lợi ích giữa chủ đầu tư – khách hàng không phải đến tận bây giờ mới được đặt ra nhưng đâu là điểm cân bằng thì lại chưa có lời giải. Thị trường vẫn chờ đợi một đợt giảm giá thực sự cầu thị của các doanh nghiệp, chủ đầu tư nhưng chỉ có điều, khi nó diễn ra thì thị trường lại thấy sốc, thấy bất ngờ và lại đặt câu hỏi hồ nghi. Thậm chí, năm 2013, có đại diện doanh nghiệp khi nhìn vào quyết định điều chỉnh giá bán xuống mức 10 triệu đồng/m2 tại dự án chung cư Đại Thanh còn nói thẳng là phá giá, là sản phẩm không đảm bảo chất lượng…

Và với cách nghĩ như vậy, các doanh nghiệp BĐS đã và đang đặt mình vào một canh bạc. Họ vẫn đang trông ngóng vào sự giải cứu của Chính phủ, của chính sách…

GS. Đặng Hùng Võ khi đề cập tới câu chuyện doanh nghiệp BĐS tố nhau phá giá, sản phẩm là không đảm bảo chất lượng… đã cho rằng, mức giá 10 triệu đồng/m2 là hoàn toàn có thể thực hiện và chất lượng cuộc sống vẫn đảm bảo.

Trong rất nhiều bài viết trước, Petrotimes phản ánh nhiều ý kiến của các chuyên gia rằng, giá BĐS hoàn toàn có thể giảm tiếp, thậm chí là giảm sâu hơn nữa, vấn đề chỉ là doanh nghiệp, chủ đầu tư có dám làm, dám thay đổi cách nghĩ, cách làm, cách tư duy hay không mà thôi.

Sau hơn 3 năm “cầm hơi” với thị trường, các doanh nghiệp nên thay đổi, điều này cũng đã được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng, các doanh nghiệp cần phải cơ cấu sản phẩm của công ty mình, doanh nghiệp mình vì thực tế, hàng tồn BĐS chủ yếu là các sản phẩm hạng sang, sản phẩm cao cấp,…

Ở một góc độ khác, quan điểm "không thể giảm giá" mà nhiều doanh nghiệp đưa ra đúng là một “canh bạc”. Doanh nghiệp vẫn quyết cầm cự, vẫn quyết không giảm giá chờ thời vì đồng vốn mà họ đã bỏ ra là quá lớn, các khoản chi phí cho lãi suất ngân hàng, duy trì sản xuất, kinh doanh,… đã đẩy giá thành sản phẩm lên quá cao và giờ là không thể giảm thêm. Giảm là chết, là lỗ và rất có thể là phá sản, vậy lên giữ giá, hoạt động cầm chừng, “ngủ đông” chờ “xuân” là điều mà nhiều chủ đầu tư đang nghĩ tới.

Một "canh bạc" đã được dựng lên trên thị trường BĐS, nhưng chỉ cần nhìn vào bối cảnh của thị trường thời gian gần đây cũng có thể thấy, ván bài này đang có phần nghiêng lợi thế về người tiêu dùng. Làm ăn thì phải có lãi nhưng cũng phải biết nhìn thời cuộc, biết tiến, biết lui cho đúng lúc đúng thời. Yếu tố quay vòng vốn nhanh cần phải được nhìn nhận quan trọng hơn.

Theo Thanh Ngọc
Petrotimes
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm