DNews

Chọn kênh đầu tư năm 2025: Gửi ngân hàng, chứng khoán hay đổ vào vàng, đất?

Thảo Thu

(Dân trí) - Nhiều kênh đầu tư được đánh giá hấp dẫn trong năm 2025. Dù vậy, lựa chọn kênh hiệu quả trong bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam tiềm ẩn nhiều biến số vẫn là bài toán khó.

Chọn kênh đầu tư năm 2025: Gửi ngân hàng, chứng khoán hay đổ vào vàng, đất?

Vàng có thể bước vào giai đoạn "ngủ đông"

Phiên giao dịch đầu tiên năm 2024, giá vàng miếng SJC được các cửa hàng lớn niêm yết ở mức 71-74 triệu đồng/lượng (mua - bán). Hiện tại, vàng được niêm yết trong vùng 82,5-84,5 triệu đồng/lượng (mua - bán). Trừ đi chênh lệch 2 chiều mua - bán, nhà đầu tư vàng lãi 8,5 triệu đồng nếu mua vàng miếng SJC từ đầu năm và nắm giữ cả năm vừa rồi.

Năm qua, để ổn định thị trường, Ngân hàng Nhà nước mở đấu thầu vàng miếng vào cuối tháng 4, nhưng diễn biến giá lại tiếp tục căng thẳng khi đạt mức cao nhất mọi thời đại 92,5 triệu đồng/lượng vào phiên ngày 10/5. Vàng trở thành kênh đầu tư có tỷ suất sinh lời vượt xa gửi tiết kiệm ngân hàng, chứng khoán… Chênh lệch với giá thế giới neo ở mức cao, có thời điểm hơn 20 triệu đồng/lượng.

6/9 phiên đấu thầu thành công với hơn 48.000 lượng vàng miếng được nhà điều hành tung ra thị trường. Tuy nhiên, giải pháp này không đạt được mục tiêu thu hẹp chênh lệch vàng miếng trong nước và thế giới.

Sau đó, nhà chức trách dừng đấu thầu và chuyển sang bán trực tiếp vàng "bình ổn" qua 4 ngân hàng quốc doanh (Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank) và Công ty SJC vào đầu tháng 6. Từ đó, kim loại quý trong nước "đổ đèo", trải qua nhiều phiên tăng - giảm về mức như hiện tại.

Vàng trong nước và thế giới hiện chỉ còn chênh 3-5 triệu đồng mỗi lượng, tùy thời điểm. Việc thu hẹp chênh lệch giữa giá đạt được, song lại xuất hiện tình trạng mua vàng khó, từ đó có hiện tượng giá vàng nhẫn có thời điểm vượt vàng miếng.

Đà tăng của kim loại quý năm vừa rồi được thúc đẩy với nhiều yếu tố, từ nguồn cung eo hẹp của thị trường trong nước, nhu cầu tăng lên trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm giảm cho tới sự cộng hưởng với giá thế giới khi thị trường quốc tế có nhiều phiên lập kỷ lục sau những bất ổn địa chính trị, quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương hay Mỹ bầu cử Tổng thống.

Chuyên gia tài chính Ngô Thành Huấn lý giải đà diễn biến giá vàng liên quan trực tiếp đến kết quả cuộc bầu cử tại Mỹ. Kim loại quý lao dốc cùng thời điểm giá USD tăng, sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ.

Theo ông Huấn, biến động địa chính trị, kinh tế suy thoái, lãi suất hạ khiến giá vàng được "bảo vệ" tuy nhiên những yếu tố hỗ trợ sẽ không duy trì dài hạn được nữa. "Có thể vàng sẽ kết thúc quá trình tăng trong năm 2025 và bước vào chu kỳ "ngủ đông" tại giai đoạn 2026-2030.

"Tôi không khuyến nghị mua thêm. Người nào có đừng bán, hãy giữ", ông Huấn nêu.

Ông cho rằng vàng không phù hợp để mua thêm vào lúc này. 2 kênh đầu tư triển vọng được ông Huấn gợi ý là bất động sản và cổ phiếu thông qua chứng chỉ quỹ mở. "Xác suất vàng tăng lại có nhưng sẽ chỉ 5-10%, trong khi 2 kênh còn lại có dư địa để tăng bằng lần", ông Huấn nói.

"2025 là chu kỳ cuối cùng của vàng. Nếu không có biến động chính trị lớn thì vàng sẽ nhường lại thị trường cho chứng khoán và bất động sản", ông Huấn đưa ra quan điểm.

Chọn kênh đầu tư năm 2025: Gửi ngân hàng, chứng khoán hay đổ vào vàng, đất? - 1

Vàng có thể bước vào giai đoạn "ngủ đông" (Ảnh: Thành Đông).

Báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho rằng nếu tình hình thị trường giữ nguyên như hiện tại, giá vàng 2025 sẽ tăng chậm hơn năm 2024.

Vàng thế giới năm qua đã ghi nhận năm tốt nhất trong hơn một thập kỷ khi có khoảng 40 lần lập đỉnh, có thời điểm tiến sát 2.800 USD/ounce vào cuối tháng 10/2024. Tổng nhu cầu vàng trong quý III/2024 lần đầu tiên chạm 100 tỷ USD. Dù bị bán tháo sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, kim loại quý vẫn tăng 30% năm vừa rồi.

WGC nhận định kim loại quý vẫn có tiềm năng tăng giá, nếu nhu cầu của các ngân hàng trung ương mạnh hơn dự báo hoặc tình hình tài chính kém đi, kéo nhu cầu trú ẩn lên cao. Dù vậy, mức tăng năm 2025 có thể chậm hơn năm 2024. Bên cạnh đó, nếu làn sóng giảm lãi suất bị đảo ngược, kim loại quý sẽ gặp nhiều thách thức.

Lãi suất sẽ tăng chậm lại

Năm 2023, sau 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng bước vào "cuộc đua" giảm lãi suất huy động. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng từ mức đỉnh 10-12,5%/năm thời điểm đầu năm được điều chỉnh xuống chỉ còn 5% trước khi năm 2023 khép lại.

Sang năm 2024, làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm bắt đầu mạnh lên từ đầu tháng 4. Thời điểm đó, lãi suất cao nhất hệ thống cho kỳ hạn 12 tháng chỉ quanh 5%/năm nhưng đến cuối năm, các ngân hàng đã bắt đầu trả lãi suất từ 6%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng, tuy nhiên đa phần là ngân hàng quy mô vừa, nhỏ. Năm 2024, theo khảo sát của phóng viên Dân trí, mỗi tháng có ít nhất 10 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động.

Các ngân hàng tư nhân có nhiều lần điều chỉnh lãi suất. Còn nhóm 4 ngân hàng thương mại quốc doanh hiếm khi thay đổi lãi suất huy động trong năm qua. Thậm chí, lần gần nhất, Vietcombank cập nhật lãi suất huy động đã diễn ra cách đây tròn 9 tháng (1/4/2024).

Chỉ riêng tháng 12/2024, 12 ngân hàng tăng lãi suất huy động, gồm: Techcombank, BVBank, CBBank, DongA Bank, VPBank, VIB, OCB, MSB, GPBank, TPBank, ABBank và IVB. Trong đó, ABBank là ngân hàng đầu tiên tăng lãi suất 2 lần trong tháng.

Chọn kênh đầu tư năm 2025: Gửi ngân hàng, chứng khoán hay đổ vào vàng, đất? - 2

Năm 2024, làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm bắt đầu mạnh lên từ đầu tháng 4 (Ảnh: Mạnh Quân).

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu của Chứng khoán MB (MBS), kỳ vọng sẽ không có bất kỳ đợt cắt giảm lãi suất chính sách nào trong năm 2025. Khả năng tăng lãi suất trong bối cảnh nới lỏng kinh tế toàn cầu là không cao. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để giữ lãi suất ở mức thấp, qua đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Chứng khoán: Thị trường sẽ chưa thể bứt phá ngay

Năm qua, từ mức 1.130 điểm hồi cuối năm, VN-Index - chỉ số thể hiện xu hướng biến động giá của tất cả các cổ phiếu niêm yết và giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) - cải thiện khi tâm lý thị trường dần lạc quan. VN-Index đã tăng 12,6% trong năm 2024, có thời điểm chỉ số này vượt 1.300 điểm.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Agriseco, nhận định hiện tại là giai đoạn bản lề trước khi bước vào mùa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2024.

"Tôi cho rằng lợi nhuận toàn thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng cùng với sự phục hồi của nền kinh tế. Câu chuyện đầu tư giai đoạn cuối năm cũng sẽ xoay quanh các nhóm ngành, các doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng mạnh", ông Khoa nói.

Theo ông, các nhóm ngành có thể thu hút dòng tiền với kết quả kinh doanh quý IV/2024 tích cực có thể kể đến như nhóm bán lẻ, logistics, xây dựng và vật liệu.

Chọn kênh đầu tư năm 2025: Gửi ngân hàng, chứng khoán hay đổ vào vàng, đất? - 3

Chứng khoán tăng hơn 12% năm 2024 (Ảnh: Đăng Đức).

VN-Index đang giao dịch ở mức P/E khoảng 13 lần, đây là mức tương đối thấp so với trung bình quá khứ. Với kỳ vọng lợi nhuận thị trường trong quý IV/2024 tăng khoảng 15% so với cùng kỳ, P/E dự phóng của VN-Index chỉ còn khoảng 12 lần. Chuyên gia cho rằng đây là mức hấp dẫn nếu như so với mặt bằng định giá trong quá khứ và các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, nhà đầu tư hiện tại vẫn lo ngại các yếu tố rủi ro về tỷ giá có thể sẽ là lực cản khiến thị trường gặp khó khăn trong việc bứt phá khỏi vùng kháng cự 1.300 điểm.

"Tôi cho rằng thị trường sẽ chưa thể bứt phá ngay khỏi vùng kháng cự kể trên và sẽ tiếp tục có các nhịp điều chỉnh, tái tích lũy từ bây giờ cho tới Tết âm lịch. Nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh này để tích lũy dần các cổ phiếu tốt với mặt bằng giá hấp dẫn", ông Khoa nhận định.

Bất động sản: Giá nhà khó giảm

Trong các kênh đầu tư phổ biến còn có bất động sản. Tuy nhiên, kênh này chưa có chỉ số mang tính đại diện để có thể so sánh cùng hệ quy chiếu.

Chuyên gia Nguyễn Quốc Anh nhận định thị trường bất động sản đã và đang đảo chiều từ trầm lắng sang sôi động, biểu hiện ở việc tăng trưởng ở nhiều phân khúc.

Phân tích kỹ hơn về lộ trình đảo chiều, ông dựa trên các chu kỳ biến động trước đó chia lộ trình phát triển sắp tới của thị trường bất động sản ra làm 4 giai đoạn gồm thăm dò, củng cố, khởi sắc và ổn định.

Chọn kênh đầu tư năm 2025: Gửi ngân hàng, chứng khoán hay đổ vào vàng, đất? - 4

Bất động sản Hà Nội (Ảnh: Mạnh Quân).

Cụ thể, từ quý I đến quý IV/2024 là thời điểm đảo chiều trong tâm lý của nhà đầu tư, động thái thăm dò dần xuất hiện trở lại. Tuy nhiên, sự ưu tiên cao nhất của người mua vẫn xoay quanh phân khúc ở thực, có pháp lý bảo đảm. Với các yếu tố nêu trên, phân khúc chung cư vẫn là "ngôi vua" trong giai đoạn này.

Từ quý IV/2024 đến quý II/2025 sẽ là khoảng thời gian thị trường bước sang giai đoạn củng cố. Nhà đầu tư dần yên tâm hơn với triển vọng phát triển của ngành địa ốc. Phân khúc chung cư lúc này sẽ nhường lại vị trí tâm điểm cho nhà riêng, nhà phố.

Sau giai đoạn này, thị trường sẽ tiến tới thời điểm khởi sắc, dự kiến sẽ bắt đầu từ quý II/2025 đến quý IV/2025. Nhà đầu tư lúc này sẽ không còn quá đặt nặng yếu tố giá bán, pháp lý như thời điểm thị trường ảm đạm. Thay vào đó, tiềm năng tăng giá mới là mấu chốt quyết định xuống tiền. Những phân khúc sinh lời tốt như đất nền và biệt thự dự án cũng vì vậy mà được nhà đầu tư đặc biệt chú ý.