Đổ máu giành “đất vàng” vỉa hè làm ăn

Với giới kinh doanh nhỏ lẻ ở Hà Nội, vỉa hè được ví như “gà đẻ trứng vàng”. Vì thế, bất chấp việc vi phạm pháp luật, hàng quán vỉa hè vẫn ngang nhiên lấn chiếm, tranh nhau phân lô, chia phần.

Tiền triệu đóng phí, xí phần

 

Công viên Hòa Bình mới được đưa vào hoạt động nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nằm ở phía Tây Bắc cửa ngõ Thủ đô, có diện tích gần 20ha, công viên này trở thành điểm vui chơi, giải trí cho người dân.

 

Ghi nhận của PV, có hàng trăm quán nước, hàng ăn lớn nhỏ "bao vây" công viên. Hàng quán mở cả ngày, đông đúc nhất là từ 17-19h. Buổi tối, bên ngoài công viên giống như một thiên đường bán hàng với đủ hàng hóa, từ nước giải khát, đồ ăn vặt, đồ chơi, quần áo...

 

Mặt tiền của công viên Hòa Bình vì thế giống như một chiếc bánh ngon mà ai cũng muốn nhảy vào giành lấy phần của mình. Chính vì lợi nhuận siêu khủng đã khiến hàng quán ở đây tranh nhau phân đất, phân ranh giới, mỗi suất vỉa hè khoảng 5m2.

 

Chạy xe ôm ở đây đã nhiều năm, anh Hưng cho biết, ngày đầu công viên mới đi vào hoạt động, các chủ quán vỉa hè đã đua nhau đến đây phân lô, kẻ vạch vôi chia phần nhằm chiếm lấy chỗ để bán hàng. Giờ thì chỗ nào chỗ ấy đều đã được phân chia hết cả.

 

Tuy là chiếm dụng trái phép để kinh doanh nhưng đất vỉa hè đều được phân lô, chia phần
Tuy là chiếm dụng trái phép để kinh doanh nhưng đất vỉa hè đều được phân lô, chia phần

 

Trong vai một người đi tìm hiểu để mở quán trà chanh trước công viên, PV tiếp xúc với anh Thuận, một chủ quán chuyên bán đồ ăn vặt ngay phía trước công viên Hòa Bình. Vừa nghe đến việc mở quán, anh Thuận vội xua tay và nói: "Tất cả vỉa hè ở đây đều có chỗ hết rồi, em mà chen chân vào chỉ tổ đánh nhau đổ máu thôi".

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Anh Thuận kể, để những hàng quán này được sống yên ổn thì "quán nhỏ 4 triệu đồng/tháng, quán lớn 5 triệu đồng/tháng, cứ nộp đủ tiền thì chả bao giờ bị đuổi mà cũng chẳng có người nào dám đến đây mở quán bán hàng nữa cả". Nói rồi anh Thuận dằn mặt: "Có bảo kê hết rồi đấy, không phải đất chùa nên ai muốn đến thì đến, em bỏ ngay cái ý định bán nước ở khu vực này đi. Không có chỗ cho những người mới như em đâu".

 

Anh Thuận nói rằng anh đã bán hàng ở đây được 3 năm, tuy công việc vất vả, mất tiền trả hàng tháng để mua sự yên ổn nhưng đổi lại, nhờ quán vỉa hè này mà anh có nguồn thu nhập ổn định và có thể nuôi sống cả gia đình.

 

Tương tự, ở khu vỉa hè ngoài công viên Nghĩa Đô (Cầu Giấy), sau khi biết PV có ý định tìm địa điểm mở quán nước, chị Hiền - chủ hàng nước trà đá trước công viên - cho hay bao năm nay, vỉa hè ngoài công viên rộng mênh mông nhưng không một quán mới nào dám mở thêm. "Muốn mở quán ở đây không dễ, phải có người quen và mất phí hàng tháng mới có thể 'sống' được", chị Hiền nói.

 

"Không chỉ riêng công viên này mà giờ vỉa hè chỗ nào cũng vậy cả thôi, cứ làm ăn được là đều có chủ hết", chị Hiền tiết lộ.

 

Đổ máu vì đất vỉa hè

 

5h chiều trên đường Nguyễn Văn Huyên (Cầu Giấy, Hà Nội), hàng trăm các quán giày nhếch (giày cũ, được đồng nát gom lại bán cho thợ độ giày, làm lại như mới rồi đem bán - PV), giầy giá rẻ, giày Trung Quốc được bày bán phục vụ cho nhu cầu của những người nghèo, sinh viên, lao động chân tay. Giá mỗi đôi chỉ tầm 50.000-150.000 đồng.

 

Nhiều vụ đổ máu vì tranh giành những đất vỉa hè đẹp để buôn bán
Nhiều vụ đổ máu vì tranh giành những đất vỉa hè đẹp để buôn bán

 

Theo những người bán hàng, đường Nguyễn Văn Huyên được coi là khu chợ đêm của những người lao đông nghèo. Buổi tối ở đây rất đông đúc. Chính vì vậy, giá cả mặt bằng cũng tỉ lệ thuận với sự đông đảo của khách hàng. Do đó, để có một chỗ bán giày đẹp, nhiều người đã phải trả giá bằng tiền bạc, thậm chí cả tranh giành xô xát dẫn tới đổ máu.

 

"Không phải thích ngồi đâu cũng được, đất ở đây có lô hết rồi. Mỗi lô được khoảng 4m, giá cả hơn chục triệu đồng/lô. Ai không đóng đuổi ngay", anh Vinh - một người bán giầy, bật mí. Theo anh, một suất bán giày trên vỉa hè này được bán với giá 10 triệu đồng, chưa kể phải nộp phí hàng tháng. Nếu chỗ đẹp, giá cả có thể cao hơn.

 

Kinh nghiệm xương máu giúp anh Vinh an toàn kinh đoanh suốt chục năm qua là "đóng tiền đầy đủ, chỗ mình mình làm chứ không xâm chiếm, lấn sân sang chỗ của người khác".

 

Theo lời anh Vinh, mấy năm lại đây, khu vực này trở lên đông đúc hơn bao giờ hết, người bán đổ về đây rất đông. 5h chiều, khu này đã trở thành một thiên đường bán đồ cũ, giày giá rẻ.

 

Bán hàng ở đây hơn chục năm, anh Vinh đã chứng kiến rất nhiều vụ xô xát vì tranh nhau đất vỉa hè. Có những vụ đánh nhau như trên phim. "Nhiều lắm rồi. Mới năm ngoái, có cậu từ Nam Định vào nghề nhặt giày này cũng bị đánh tơi tả, chảy máu mồm nằm cả tuần liền ra ý".

 

Lý do, anh Vinh cho hay, chỉ vì cậu đó từ ở quê lên mới vào nghề được hơn một tháng, không có tiền, ra vỉa hè đường Nguyễn Văn Huyên thấy có chỗ trống liền bỏ bao tải giày xuống để bày bán. Ngay lập tức, một thanh niên xăm trổ lao ra cảnh cáo, dằn mặt. Do không biết luật nên cậu ta cãi lại vài câu. Không nói không rằng, thanh niên xăm trổ này lao vào đánh tới tấp. Cuối cùng, cậu này phải nằm nhà nửa tháng tĩnh dưỡng và cố chạy đủ 10 triệu đồng để mua chỗ bán hàng mới được yên thân.

 

Cách đây không lâu, Lan - sinh viên một trường đại học ở quận Cầu Giấy -cũng quyết đi buôn quần áo. Lan sang tận chợ Ninh Hiệp lấy hàng về. Địa điểm bán được chọn là ở vỉa hè khu chợ Xanh.

 

Lan kể, lúc đó cứ nghĩ vỉa hè bán chỗ nào cũng được nên cô chọn chỗ đẹp nhất ngay cạnh cổng chợ. Một lát sau, một phụ nữ trông rất ghê gớm chạy ra hăm dọa "Đây là chỗ tao mua rồi, mày muốn bán thì mỗi ngày đưa 100.000 đây, không thì biến". Đôi co, cãi nhau nảy lửa, Lan không chịu đóng mà cũng không chịu đi khiến người phụ nữ kia nóng mặt, xông vào tát và đánh cô tới tấp. Bị bất ngờ, Lan không kịp chống trả. Kết quả, mặt mày Lan thâm tím, máu mũi, máu mồm chảy ròng. Sợ quá, cô chạy vội bỏ cả lô hàng mới lấy về.

 

"Sau lần đó, em bỏ luôn ý định kiếm vỉa hè để bán hàng bởi đi mấy chỗ nữa cũng đều được nói vỉa hè đã phân chia cả rồi", Lan nhớ lại.

 

Theo Bảo Hân

VEF
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước