“Đô la hóa bóp méo cung - cầu ngoại tệ”
(Dân trí) - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết, đô la hóa chính là nguyên nhân khiến cho tỷ giá không phản ánh chính xác cung cầu ngoại tệ và hoạt động đầu cơ ngoại tệ hết sức rủi ro.
Thời gian gần đây, khi đi mua ô tô, mua các dòng xe nhập khẩu, thậm chí mua máy in ở siêu thị, mua hàng điện tử, điện lạnh ở phố Huế (Hà Nội)… người bán hàng đã yêu cầu khách hàng thanh toán bằng đô la Mỹ (USD). Thực tế này được các chuyên gia tài chính gọi là nền kinh tế đô la hóa ở mức cao.
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, để hạn chế tình trạng đô la hoá, người dân và doanh nghiệp không nên nắm giữ ngoại tệ nếu không có nhu cầu.
Cũng theo Thống đốc, trong những thời điểm cung cầu ngoại tệ trên thị trường mất cân bằng như một vài thời điểm trong thời gian vừa qua, tình trạng đô la hoá cũng gây thêm khó khăn cho việc ổn định trở lại của thị trường ngoại tệ. Bởi đô la hoá làm tăng hiện tượng đầu cơ, bóp méo cung cầu ngoại tệ.
Thậm chí, đô la hoá đã làm giảm nhu cầu phát triển các công cụ phòng ngừa rủi ro trên thị trường ngoại hối, không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển thị trường ngoại hối, mà các doanh nghiệp cũng đối mặt với nguy cơ thiệt hại lớn do không có công cụ phòng ngừa rủi ro khi USDbiến động bất thường.
Ngoài ra, việc niêm yết giá bằng ngoại tệ cũng khiến cho người dân bị thiệt khi thanh toán tiền mua hàng hoá do các cửa hàng áp dụng tỷ giá không thống nhất.
Do đó, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nhắn nhủ: “Để bảo vệ lợi ích của mình, người dân cũng như các doanh nghiệp nên cân nhắc, đề phòng những rủi ro do biến động tỷ giá, cũng như tránh chạy theo tâm lý đám đông đầu cơ ngoại tệ”.
Đô la hoá là tình trạng đồng ngoại tệ thay thế đồng bản tệ trong việc thực hiện các chức năng của tiền tệ là dự trữ giá trị, phương tiện thanh toán và đơn vị tính toán. Đây là hiện tượng thường gặp phải ở các nền kinh tế chuyển đổi. Tại Việt Nam, đô la hoá vẫn khá phổ biến với thói quen dự trữ tài sản bằng ngoại tệ, giao dịch, mua bán, niêm yết giá bằng ngoại tệ. Hiện tượng đô la hoá gây ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả thực thi chính sách tiền tệ và chính sách tỷ giá. Mức cung tiền trở nên khó dự báo hơn và mức cầu nội tệ trong nước không ổn định ảnh hưởng đến việc hoạch định các chính sách. |
Nguyễn Hiền