1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đình trệ hàng trăm dự án công nghiệp vì Luật quy hoạch: Ảnh hưởng lớn đến đầu tư, phát triển

(Dân trí) - Theo thông tin tổng hợp từ Văn phòng Chính phủ, hiện có khoảng gần 370 dự án đầu tư sản xuất công nghiệp không thể triển khai vì vướng quy hoạch, tập trung ở các dự án lưới điện, và năng lượng sạch. Nhưng cũng có hàng loạt dự án ở các bộ, ngành địa phương khác rơi vào tình trạng tương tự

Nguy cơ hàng loạt dự án đình trệ

Đây là số liệu được Văn phòng Chính phủ tổng hợp sơ bộ từ báo cáo của một số bộ ngành về việc vướng mắc khi triển khai Luật Quy hoạch mới. 
Cũng theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, đang có 39 quy hoạch ngành quốc gia, 63 quy hoạch tỉnh chưa thể triển khai do chưa có hướng dẫn cụ thể. Bên cạnh đó, có khoảng 25 quy hoạch các ngành như quy hoạch xây dựng vùng, tỉnh; quy hoạch khoáng sản; quy hoạch điện lực; quy hoạch cấp nước của các vùng kinh tế trọng điểm không thể ban hành. Rồi hàng loạt quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất 2016-2020 của các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Quảng Nam, Bến Tre, Cà Mau, Hải Dương, không thể ban hành.

Đình trệ hàng trăm dự án công nghiệp vì Luật quy hoạch: Ảnh hưởng lớn đến đầu tư, phát triển - 1

Nhiều dự án điện mặt trời gấp rút cho kịp tiến độ 

Nhận định về thực tế này, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng tổ công tác…. cho hay, Nếu không sớm xử lý thì tất cả đình trệ hết.

“Thủ tướng rất quan tâm vấn đề này. Khi họp thường trực Chính phủ, các Bộ trưởng cũng kiến nghị rất nhiều. Một nhà máy điện khởi công muốn đầu tư cũng không được. Một dự án giao thông muốn triển khai cũng phải dừng lại vì không có trong quy hoạch mà không bổ sung được”, ông Dũng nói và bày tỏ sự băn khoăn, những quy hoạch đang làm dở có làm tiếp không, có cho thẩm định không, thẩm định rồi có phê duyệt không. Những cái đã phê duyệt thì có tiếp tục cho điều chỉnh, bổ sung không hay tất cả nằm im tất.

Trong thông báo số 150/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ bàn tới luật Quy hoạch diễn ra tháng 4 vừa qua cũng thừa nhận, đến thời điểm hiện tại đã phát sinh một số vướng mắc, khó khăn trong việc triển khai thực hiện luật Quy hoạch. Đó là nghị định chi tiết thi hành một số điều của luật Quy hoạch chưa được ban hành nên chưa có căn cứ để triển khai lập quy hoạch mới cho giai đoạn 2021-2030.

Việc luật Quy hoạch có hiệu lực từ 1/1/2019 và các luật quy hoạch chuyên ngành hết hiệu lực từ thời điểm này trong khi các quy hoạch thực hiện theo luật Quy hoạch mới chưa có đã gây khó khăn cho nhiều dự án, nhiều quy hoạch đã lập xong nhưng không thể điều chỉnh bổ sung và phê duyệt đã gây ách tắc ảnh hưởng đến đầu tư phát triển.

Nói về thực tế triển khai các dự án công nghiệp sau thời điểm Luật Quy hoạch có hiệu lực, từ ngày 1/1/2019, ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho hay, tôi e rằng, trong vòng 3 năm tới sẽ không có một dự án khoáng sản mới nào được đưa vào khai thác. Các dự án đang treo hết.

“Do yêu cầu tích hợp nên tất cả hàng chục loại khoáng sản từ quặng sắt, bô xít, ti tan… đều năm trong một bản quy hoạch. Như vậy, chỉ chuyện lập đề cương, chọn nhà thầu tư vấn thôi đã khó vì mỗi loại khoáng sản một tính chất, giờ hiếm có một nhà thầu nào có chuyên môn để lập được quy hoạch mấy chục loại, hay làm sao để họ liên doanh với nhau cũng chưa rõ”, ông Hoài nói.

Đó là chưa kể tới việc, làm sao vừa lồng các loại khoáng sản với nhau nhưng phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội chung của địa phương. “Nhiều mỏ khoáng sản trải dài qua nhiều tỉnh nên không biết tỉnh lập quy hoạch trình Bộ hay Bộ lập quy hoạch trình tỉnh để tích hợp”, ông Hoài nhận xét.

Hậu quả thế nào nếu các dự án năng lượng không kịp tiến độ?

Theo ông Phương Hoàng Kim, Cục trưởng Cục Điện và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), Luật Quy hoạch mới quy định việc lập, điều chỉnh bổ sung các dự án lưới điện được tích hợp trong quy hoạch tỉnh là do UBND tỉnh trình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, mà chưa quy định thẩm quyền của bộ quản lý ngành.

Điều này dẫn tới Bộ Công thương sẽ tham gia làm quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương (với phần điện, năng lượng) thế nào thì chưa biết. Đó là chưa kể, hiện rất nhiều trạm biến áp 110kV, 220 kV nằm tại vị trí ranh giới 2 tỉnh, có công năng cấp điện cho cả khu vực chứ không phải nội bộ 1 tỉnh.

Đình trệ hàng trăm dự án công nghiệp vì Luật quy hoạch: Ảnh hưởng lớn đến đầu tư, phát triển - 2

Hàng loạt dự án năng lượng, công nghiệp có nguy cơ đình trệ 

“Do vậy, nếu luật mới tách hệ thống lưới điện 110kV và nguồn điện vừa và nhỏ vào quy hoạch tỉnh sẽ làm giảm tính liên kết lưới điện cũng như khiến địa phương lúng túng vì không đủ khả năng dự báo cả nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội của địa phương lân cận”, ông Kim nhận xét.

Trong báo cáo gửi tới Thủ tướng Chính phủ về việc vướng mắc triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý ngành theo Luật Quy hoạch mới có hiệu lực từ 1/1/2019, Bộ Công thương cũng nhắc tới thực tế đã và đang nhận được nhiều đề nghị điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nhưng chưa có căn cứ để triển khai thực hiện.

Trong số đó có tới 5 dự án điện khí LNG có quy mô công suất cỡ cả ngàn MW/nhà máy; 210 dự án điện mặt trời, 3 dự án điện chất thải rắn, 59 dự án điện gió. Về lưới điện, cũng có gần 100 dự án đang chờ điều chỉnh quy hoạch (4 dự án lưới điện 500 kV, 64 dự án lưới điện 220 kV và 23 dự án lưới điện 110 kV).

Mặc dù tại Quyết định số 995/QĐ-TTg (ngày 9/8/2018), Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các bộ tổ chức lập quy hoạch ngành, quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó Bộ Công thương được giao thực hiện Quy hoạch Phát triển điện lực và quy hoạch năng lượng quốc gia, nhưng Bộ này cho biết, các dự án ngành điện vẫn đang bị tắc.

“Hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, gây ra lúng túng khi có dự án mới, vì không biết có thuộc thẩm quyền của Bộ Công thương với việc tiếp tục thực hiện theo quy định tại Thông tư 43/2013/TT-BTC về quy trình, thủ tục lập thẩm định phê duyệt bổ sung quy hoạch phát triển điện lực”, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết tại báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ.

Vì vậy, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh kiến nghị, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể quy định phạm vi lưới điện trong Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia và phạm vi lưới điện trong quy hoạch tỉnh.

Với thực tế hiện nay, trước khi Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia và quy hoạch tỉnh giai đoạn mới được phê duyệt, Bộ Công thương đề nghị Thủ tướng cho phép Bộ được thực hiện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch theo quy định chuyên ngành trước đây. Theo đó, các nguồn điện trên 50 MW và lưới điện từ cấp 220 kV trở lên sẽ do Thủ tướng phê duyệt, điều chỉnh bổ sung quy hoạch; các dự án dưới cấp này sẽ do Bộ Công thương đảm nhiệm.

H.Thanh 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm