1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Điều hành xuất khẩu gạo: Bị nêu "không tiếp thu", Bộ Công Thương nói gì?

(Dân trí) - Bộ Công Thương khẳng định phương án điều hành xuất khẩu gạo trình Thủ tướng Chính phủ đã được Bộ Công Thương 2 lần xin ý kiến các bộ, ngành.

Điều hành xuất khẩu gạo: Bị nêu không tiếp thu, Bộ Công Thương nói gì? - 1

Những bất cập trong công tác điều hành xuất khẩu làm khó doanh nghiệp.

Bộ Công Thương nói gì về việc Bộ Tài chính nêu "không tiếp thu góp ý"?

Sáng 19/4, Bộ Công Thương cho biết đã nhận được văn bản của Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý tài chính đối với mặt hàng gạo.

Theo đó, Bộ Công Thương khẳng định phương án điều hành xuất khẩu gạo trình Thủ tướng Chính phủ đã được Bộ Công Thương 2 lần xin ý kiến các bộ, ngành.

“Ý kiến tham gia của các bộ, ngành đã được Bộ Công Thương tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 6 tháng 4 năm 2020”, Bộ Công Thương cho biết.

Còn với các ý kiến mới, đưa ra sau khi Thủ tướng Chính phủ đã kết luận và có ý kiến chỉ đạo về vấn đề xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương cho biết những nội dung này sẽ được tổng hợp, phân tích và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/4.

“Tất cả các báo cáo của Bộ Công Thương về vấn đề xuất khẩu gạo trình Thủ tướng Chính phủ và các hướng dẫn sau đó của Bộ Công Thương đều được công bố kịp thời, công khai, minh bạch để báo chí, các cơ quan, tổ chức liên quan biết, thực hiện và đưa tin”, Bộ Công Thương khẳng định.

Trước đó, tại văn bản ngày 16/4, Bộ Tài chính cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã làm việc với các đơn vị, trong đó có thành viên là Bộ Tài chính.

“Tuy nhiên thời gian cuộc họp chỉ có 1/2 ngày nên chưa thể đánh giá được tổng thể nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, Bộ Tài chính cho biết.

Bộ Tài chính cũng cho biết đã có 2 lần tham gia ý kiến với Bộ Công Thương, cụ thể:

Tại công văn số 3905/BTC-QLG ngày 03/4/2020, Bộ Tài chính có đề nghị tiếp tục cho xuất khẩu gạo đối với gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ, gạo thơm; tạm dừng xuất khẩu loại gạo tẻ thường đến hết 15/6/2020 để đảm bảo mua đủ gạo dự trữ quốc gia.

2 phương án đề xuất của Bộ Tài chính

Bộ Tài chính cho biết đến ngày 10/4, Bộ đã tiếp công văn số 4355/BTC-QLG có ý kiến như sau: Nhiều doanh nghiệp đã được phê duyệt kết quả trúng thầu và thông báo kết quả trúng thầu nhưng có văn bản từ chối ký hợp đồng hoặc không đến ký hợp đồng với số lượng 160.300 tấn.

Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị chỉ cho phép xuất khẩu gạo đối với những doanh nghiệp đã trúng thầu với Cục Dự trữ Nhà nước khu vực và phải ký hợp đồng giao hàng xong. Chỉ thực hiện xuất khẩu gạo sau ngày 15/6/2020.

Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất không được ký hợp đồng xuất khẩu gạo tẻ thường mới (kể cả phụ lục hợp đồng làm thay đổi số lượng gạo xuất khẩu), tạm dừng xuất khẩu loại gạo tẻ thường đến hết 15/6/2020. Ngoài ra tiếp tục cho xuất khẩu gạo đối với gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ, gạo thơm.

Theo Bộ này, Bộ Công Thương cần chủ trì xây dựng lộ trình hợp lý để thực hiện xuất khẩu gạo của những hợp đồng đã ký từ tháng 6/2020 đến tháng 12/2020 phù hợp với diễn biến dịch ở Việt Nam và thế giới, phù hợp với an ninh lương thực trong bối cảnh khả năng diễn ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Tại công văn này, Bộ Tài chính cũng cho biết đã nêu rõ: Theo phương án điều hành nêu trong dự thảo của Bộ Công Thương cho thấy doanh nghiệp rất bị động trong quyết định phương án kinh doanh, thậm chí phải đền bù hợp đồng do không còn số lượng được xuất.

Do vậy, Bộ Tài chính cho đề xuất 02 phương án:

Phương án 1: Giao Hiệp hội lương thực Việt Nam phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu giữa các doanh nghiệp có sự giám sát của Bộ Công Thương.

Phương án 2: Giao Bộ Công Thương phân bổ hạn ngạch xuất khẩu gạo trong điều kiện dịch bệnh Covid-19.

“Tuy nhiên, các ý kiến nêu trên không được Bộ Công Thương tiếp thu”, Bộ Tài chính cho biết.

Trước đó, ngày 23/3, Chính phủ cho dừng xuất khẩu gạo, theo đề xuất của Bộ Công Thương nhằm đảm bảo an ninh lương thực khi Covid-19 diễn biến phức tạp.

Ngay lập tức, 0h ngày 24/3, hải quan dừng thông quan tất cả lô hàng khiến doanh nghiệp "mắc kẹt". Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam, tính đến thời điểm này có cả trăm nghìn tấn gạo ùn ứ ở cảng.

Đến cuối ngày 24/3, chính Bộ Công Thương lại kiến nghị Thủ tướng cho xuất khẩu gạo trở lại. Giải thích sau đó về việc hôm trước xin dừng hôm sau xin hoãn này, Bộ Công Thương cho biết "do có độ vênh số liệu gạo dự trữ, cần tính toán lại sản lượng". Sau đó một cuộc họp liên ngành giữa các bộ ngành, doanh nghiệp, địa phương có liên quan được tổ chức. 

Sau khi Thủ tướng cho phép xuất khẩu gạo trở lại với hạn ngạch 400 nghìn tấn trong tháng 4 thì việc điều hành xuất khẩu gạo tiếp tục "trục trặc" với phản ánh của doanh nghiệp về những bất thường khi hải quan mở tờ khai lúc... nửa đêm.

Ngày 17/4, Bộ Công Thương cũng đã lập đoàn kiểm tra liên ngành để nắm tình hình về lượng gạo tại các cảng phục vụ điều hành xuất khẩu gạo trong 4 ngày (20-24/4). Kết quả kiểm tra sẽ là cơ sở báo cáo Thủ tướng tình hình xuất khẩu gạo tháng 4 và phương án điều hành tháng 5.

Nguyễn Mạnh