Bến Tre:
Điêu đứng vì heo chết hàng loạt nghi do uống nước nhiễm mặn
(Dân trí) - Thời gian gần đây, người chăn nuôi ở huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre) điêu đứng vì heo bị chết hàng loạt với các triệu chứng tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa nghi do nước nhiễm mặn.
Tại xã Bình Khánh Đông (huyện Mỏ Cày Nam) có gần 900 con heo bị chết. Ông Bùi Văn Dũng, 40 tuổi (ngụ ấp Phú Đông Thượng, xã Bình Khánh Đông) cho biết: “Hơn một tháng trước đàn heo xuất hiện hiện tượng tiêu chảy làm 26 con chết, trong đó có 5 con heo nái. Hiện tại trong chuồng chỉ còn 10 con heo nái và 40 con heo con nhưng số lượng heo con đang xuất hiện tình trạng tiêu chảy tương tự”.
Theo ông Dũng, nguyên nhân do đàn heo uống phải nước nhiễm mặn nên mới chết hàng loạt làm nhiều người nuôi trắng tay. Trong khi đó, nguồn nước cho heo ăn uống, tắm đều đã bị mặn nhưng cũng đành phải sử dụng vì không còn cách nào khác.
Để ngăn tình trạng heo chết hàng loạt, gia đình ông Dũng đầu tư khoan khoan giếng lấy được nước tầng nông, nước ngọt hơn nên đàn heo của ông mới trụ lại được lại đến nay.
Rất nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện bị thiệt hại năng nề do heo chết hàng loạt với số lượng lớn. Một số hộ dân phải khoan giếng, mua nước ngọt cho heo uống nhằm ngăn chặn tình trạng heo chết hàng loạt do uống phải nước nhiễm mặn.
Theo thông kê của Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Mỏ Cày Nam, tổng đàn heo của toàn huyện có hơn 250.000 (lớn nhất trên địa bàn tỉnh). Theo tại, qua thống kê sơ bộ đã có trên 1.200 con heo bị chết. người dân khai báo đàn heo chết do uống phải nước bị nhiễm mặn.
Ông Trần Quang Thái, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Bến Tre cho biết: “Cơ quan đã tuyên truyền thông qua cơ quan thông tin đại chúng và phân công cán bộ đến từng địa phương hướng dẫn cụ thể rõ ràng về quy định thẩm định để được xem xét hỗ trợ thiên tai”.
Tuy nhiên, theo Chi cục Chăn nuôi và thú y, hiện danh sách heo chết do huyện Mỏ Cày Nam lập vào báo lên nhưng không đủ 3 cơ sở để xem xét vào diện được hỗ trợ theo quy định của hướng dẫn.
Cụ thể, 3 cơ sở căn bản để heo nuôi được xem xét mức hỗ trợ là đàn heo nuôi tại chuồng phải bị ảnh hưởng đồng loạt (từ 80% trở lên) và heo chết với các triệu chứng tiêu chảy, giảm ăn, rối loạn tiêu hóa; nước đang sử dụng đo được tại thời điểm heo chết phải trên 4‰ theo mức khuyến cáo; các biện pháp đã thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn mà không mang lại được hiệu quả hoặc người chăn nuôi không còn khả năng thực hiện tiếp, đặc biệt dấu hiệu của vật nuôi chết không mang dấu hiệu nào của bệnh khác gây ra… Trong khi đó, heo chết cũng có nguyên nhân khác như sốt cao do nhiễm khuẩn E.coli, tiêu chảy chứ không hoàn toàn do nước mặn.
Vì vậy, nhiều hộ dân ở huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre) có heo chết không quan tâm đến chuyện hỗ trợ dù gặp nhiều khó khăn vì thủ tục, quy định phức tạp.
Minh Giang