Điều chưa từng xảy ra trong lịch sử: Chứng khoán "tê liệt" vì… tiền
(Dân trí) - Một cú sụt mạnh tới hơn 30 điểm đã kích thích lòng tham của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Thế nhưng, rất nhiều nhà đầu tư đã bất lực khi hệ thống chập chờn vì nhịp độ giao dịch quá mạnh.
Vừa lóe lên tia hi vọng về sự hồi phục ở những phút đầu của phiên giao dịch sáng nay (24/12), thị trường đã bị "tắm đỏ" với hàng trăm mã giảm giá và có nhiều mã trong đó giảm sàn.
Việc đặt lệnh tiếp tục gặp khó khăn, theo đó, tâm lý của nhà đầu tư trở nên xấu hơn. Một số công ty chứng khoán buộc phải ra thông báo với khách hàng về lỗi gián đoạn giao dịch trực tuyến hay ứng dụng không thể truy cập.
Nhiều nhà đầu tư bị mất bình tĩnh và kê lệnh bán, tháo chạy khỏi cổ phiếu khiến chỉ số chính VN-Index có lúc mất hơn 30 điểm.
Tuy nhiên, sau đó, dòng tiền lại chảy mạnh vào bắt đáy giúp đà giảm được thu hẹp lại, VN-Index có chỉ còn giảm hơn 8 điểm.
Sự "chập chờn" của hệ thống kèm theo tâm lý không vững của nhà đầu tư khiến diễn biến chỉ số cũng trở nên thất thường. Hoạt động giao dịch, thậm chí chỉ là theo dõi cũng trở nên mệt mỏi và gây ức chế với nhà đầu tư.
Tạm đóng cửa phiên sáng, VN-Index ghi nhận mất 15,54 điểm tương ứng 1,44% xuống còn 1063,36 điểm. Lúc này, sàn HSX đã có tới 12.752,95 tỷ đồng đổ vào giải ngân. VN30-Index cũng sụt mạnh với mức giảm 15,52 điểm tương ứng 1,48% còn 1030,18 điểm.
HNX-Index giảm 3,03 điểm xuống còn 187,22 điểm với giá trị giao dịch đạt 1.290,3 tỷ đồng và thị trường UPCoM thu hút được 651,9 tỷ đồng, chỉ số giảm 0,88 điểm xuống còn 72,72 điểm.
Thống kê toàn thị trường có tới 647 mã giảm giá, 33 mã giảm sàn. Tuy nhiên, vẫn còn có 175 mã đi ngược dòng và tăng giá, đáng chú ý có 41 mã tăng trần.
Bất chấp thị trường biến động dữ dội, sáng nay một số cổ phiếu vẫn đạt được mức tăng tương đối tốt. KBC tăng 6,7% lên 20.600 đồng; QCG tăng 4,7% lên 8.900 đồng; AMV tăng 2,2% lên 18.700 đồng.
Trong khi SAB và VJC tăng thì trong nhóm cổ phiếu lớn, BID, VHM, CTG, VNM, TCB giảm đã gây áp lực không nhỏ cho VN-Index.
Riêng rổ VN30 có một số mã đang giảm khá sâu là HDB giảm 3,8%; BID giảm 3,2%; VPB giảm 3,1%; CTG giảm 2,6%. VRE, GAS, VHM, VNM cũng đang giảm.
Cho đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức từ Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM giải thích về nguyên nhân khiến nhà đầu tư bị "treo lệnh", "kẹt lệnh". Bộ phận công nghệ thông tin HSX vẫn đang theo dõi và tìm hiểu để đưa ra kết luận.
Tuy vậy, một trong những nguyên nhân dễ thấy là do sự quá tải của lệnh đặt, bao gồm các lệnh nhỏ lẻ của nhà đầu tư diễn ra cùng lúc, hoặc trong một thời gian ngắn.
Thời gian vừa qua chứng kiến sự bùng nổ của thị trường chứng khoán về thanh khoản. Số lượng nhà đầu tư mới gia nhập thị trường ngừng tăng.
Theo dữ liệu thống kê từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới trong tháng 11 là 41.497 tài khoản. Con số này tương đương với con số kỉ lục về số lượng tài khoản mở mới trong tháng 3/2018.
Xét theo từng nhóm, nhà đầu tư cá nhân trong nước ghi nhận số lượng mở mới tài khoản chứng khoán cao kỷ lục, đạt 41.080 tài khoản trong tháng 11 và phá vỡ cả kỷ lục trước đó với 40.554 tài khoản mở mới trong tháng 3/2018.