"Điện thoại, viễn thông" dẫn đầu danh sách phàn nàn của người tiêu dùng

(Dân trí) - Cục Quản lý Cạnh tranh đã nhận được rất nhiều cuộc gọi phản ánh các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng liên quan đến nhóm “điện thoại, viễn thông”, cụ thể là việc tính phí các dịch vụ giá trị gia tăng trên điện thoại di động của các nhà mạng.

Nhiều người tiêu dùng phàn nàn liên quan đến nhóm “điện thoại, viễn thông”.
Nhiều người tiêu dùng phàn nàn liên quan đến nhóm “điện thoại, viễn thông”.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương trong năm 2016, Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 đã ghi nhận có 6.701 cuộc gọi đến, trong đó các tổng đài viên của Cục Quản lý Cạnh tranh (QLCT) đã tiếp nhận và trả lời 4.053 cuộc gọi, chiếm tỷ lệ 60,48%. Trong đó có 1.193 cuộc gọi liên quan đến yêu cầu hỗ trợ giải quyết khiếu nại hoặc phản ánh vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.

Theo báo cáo, trong năm 2016, ngành hàng được yêu cầu tư vấn giải quyết khiếu nại và được phản ánh tới Cục nhiều nhất là hàng hóa tiêu dùng thường ngày (237 trường hợp, chiếm khoảng 19,86%). Sau đó là nhóm điện thoại, viễn thông (166 trường hợp, chiếm 13,91%) và nhóm đồ điện tử gia dụng (136 trường hợp, chiếm 11.4%) .

Đây là 3 nhóm ngành hàng thường xuyên nằm trong nhóm bị khiếu nại, phản ánh nhiều nhất. Bên cạnh hàng hóa tiêu dùng hàng ngày (do tính chất tiêu dùng thường xuyên làm phát sinh nhiều vi phạm và phản ánh), thì trong năm 2016, đáng chú ý là Tổng đài nhận được rất nhiều cuộc gọi phản ánh các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng liên quan đến nhóm “điện thoại, viễn thông”, cụ thể là việc tính phí các dịch vụ giá trị gia tăng trên điện thoại di động của các nhà mạng.

Bên cạnh việc tiếp nhận và giải quyết yêu cầu tư vấn, hỗ trợ của người tiêu dùng qua Tổng đài 1800 6838, trong năm 2016, Phòng 7 đã tiếp nhận và xử lý 374 vụ việc khiếu nại bằng văn bản của người tiêu dùng. Trong đó, có những vụ việc nghiêm trọng như vụ việc quảng cáo sai sự thật thông qua hình thức trúng phiếu mua hàng qua điện thoại của công ty Thái Dương Xanh, vụ việc Công ty Prevoir dừng tái tục hợp đồng....

Báo cáo cũng điểm lại một số vụ việc điển hình trong năm 2016, gồm vụ việc khiếu nại về việc bị “lừa đảo” khi mua hàng qua điện thoại của Công ty TNHH TM Thái Dương Xanh Việt Nam. Theo đó, người tiêu dùng khiếu nại về việc được Công ty Thái Dương Xanh gọi điện thông báo trúng phiếu mua hàng trị giá 5 triệu đồng, được sử dụng để mua điện thoại Samsung Galaxy A8 trị giá 8,5 triệu đồng, vì thế, người tiêu dùng chỉ phải thanh toán 3,5 triệu đồng. Tuy nhiên, khi nhận được hàng qua bưu điện, người tiêu dùng phát hiện sản phẩm là điện thoại MIQ A8 với giá trị rất thấp.

Trên cơ sở khiếu nại của người tiêu dùng, Cục QLCT đã tiến hành làm việc, trao đổi với các bên liên quan để làm rõ các tình tiết của vụ việc cũng như tư vấn, hỗ trợ các quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Một số Đơn khiếu nại đã được Công ty Thái Dương Xanh và người tiêu dùng giải quyết theo phương án hòa giải “trả hàng – hoàn tiền”. Một số Đơn khiếu nại khác đang được tiếp tục kiểm tra và giải quyết theo quy định của pháp luật.

Vụ việc tranh chấp về số tiền đặt vé máy bay của hãng Air Asia qua ứng dụng trên điện thoại di động. Cụ thể, NTD đặt vé khứ hồi Đà Nẵng – Kuala Lumper. Khi thanh toán, ứng dụng báo số tiền hơn 40 USD, nhưng sau khi thanh toán bằng thẻ tín dụng thì ngân hàng báo số tiền là hơn 400 USD. Sau quá trình làm việc và trao đổi giữa cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và công ty về pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam, công ty đã tiến hành xin lỗi và chấp nhận hoàn lại tiền vé máy bay cho người tiêu dùng.

Trong năm 2016, Cục QLCT tiếp nhận nhiều đơn khiếu nại và phản ánh liên quan tới việc ký kết và thực hiện các hợp đồng tín dụng vay tiêu dùng liên quan đến nhiều hành vi có dấu hiệu vi phạm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đó là các hành vi như không cung cấp đầy đủ thông tin, không cung cấp hợp đồng, che dấu thông tin và áp dụng mức lãi suất quá cao, quấy rối người tiêu dùng và người thân…

Đối với các khiếu nại trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng, Cục QLCT khuyến cáo người tiêu dùng: chú ý phần lãi suất không được để trống mà phải thể hiện rõ và được hai bên đồng ý khi ký kết hợp đồng; tham khảo kỹ về lãi suất cũng như các điều kiện thanh lý sớm hợp đồng, tránh tình trạng bản thân không đáp ứng được điều kiện thanh lý hợp đồng, hiểu rõ các điều khoản hợp đồng để đảm bảo sau khi ký kết, người tiêu dùng sẽ tuân thủ toàn bộ điều khoản của hợp đồng…

Từ cuối năm 2015 và đầu năm 2016, Cục QLCT nhận được đơn của nhiều người tiêu dùng sử dụng sản phẩm ô tô Mazda3 All New 1.5L khiếu nại đối với Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) liên quan đến việc cung cấp sản phẩm khuyết tật với hiện tượng hiển thị lỗi động cơ (Check engine – “cá vàng”). Sau khi tiếp nhận đơn, Cục QLCT đã làm việc với người tiêu dùng, Công ty THACO, Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), Cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Nhật Bản… để xác minh và làm rõ các thông tin có liên quan đến vụ việc.

Đến tháng 6/2016, sau quá trình kiểm tra và thực hiện thủ tục, Công ty THACO đã có văn bản báo cáo Cục Đăng kiểm Việt Nam và Cục QLCT về việc sẽ chính thức tiến hành “Kiểm tra và khắc phục hiện tượng sáng Đèn báo kiểm tra động cơ trên xe Mazda3 All New (động cơ 1.5L)”. Theo đó, các đại lý ủy quyền của Mazda trên toàn quốc đã chủ động mời khách hàng tới trạm dịch vụ để thực hiện chương trình. Chi phí kiểm tra, khắc phục và thay thế phụ tùng do Vina-Mazda chi trả hoàn toàn.

Phương Dung