1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Điện mặt trời áp mái: Quản lý lúng túng, phát triển theo phong trào (!?)

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - "Có tình trạng lúng túng quản lý, dẫn đến việc phát triển điện mặt trời áp mái theo phong trào. Cần xem xét lại với tiêu chí rõ ràng, tránh trục lợi chính sách" - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.

Không phát triển kiểu phong trào

Sáng nay (12/1), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021.

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đánh giá cao kết quả đạt được năm 2020 với sự đóng góp của EVN trong đảm bảo cung ứng điện với tổng công suất nguồn điện đạt trên 69.000 MW. Điện thương phẩm đạt 216 tỷ kWh, tăng 3,4% so với 2019.

Điện mặt trời áp mái: Quản lý lúng túng, phát triển theo phong trào (!?) - 1

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của EVN.

Mặc dù 2020 là một năm rất khó khăn song EVN đã thực hiện nhiều giải pháp về kỹ thuật, về tài chính, đảm bảo công ty mẹ và các đơn vị đều có lãi, đồng thời tiến hành giảm tiền điền 2 lần cho doanh nghiệp, người dân trước những tác động Covid-19.

Sang năm 2021, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Theo Phó Thủ tướng, đây chính là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển, đồng thời cũng là yêu cầu nhiệm vụ cho ngành điện nói chung, trong đó có EVN trong thời gian tới.

"EVN vừa đảm bảo kinh doanh, vừa phải đảm bảo an ninh năng lượng. Không đủ điện thì phải chịu trách nhiệm" - Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã nêu ra một loạt những khó khách, thách thức cần phải khắc phục trong thời gian tới. Trong đó có vấn đề yêu cầu bảo vệ môi trường ngày càng cao, trong khi công nghệ của một số nhà máy đã lạc hậu.

"Để đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, chúng ta đẩy mạnh nguồn điện sạch, nhưng đã sạch thì giá cao. Đây là một thách thức"  - Phó Thủ tướng nêu vấn đề.

Bên cạnh đó, theo Phó Thủ tướng vốn đầu tư cho phát triển ngành điện rất lớn, nhưng việc huy động vốn gặp nhiều khó khăn. Các nguồn nhiên liệu sơ cấp truyền thống trong nước ngày càng cạn kiệt (than, thủy điện, khí tự nhiên…) trong khi nhu cầu phát triển nguồn điện ngày càng lớn.

Chưa kể, còn nhiều dự án nguồn điện lớn chậm tiến độ, từ đó ảnh hưởng đến đảm bảo an ninh năng lượng. "Cần sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án lớn đang chậm tiến độ. Hiện rất nhiều dự án chậm tiến độ, trong đó có cả của EVN, TKV, PVN, dự án tư nhân…" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Giao nhiệm vụ cho EVN thời gian tới, Phó Thủ tướng lưu ý Tập đoàn cần phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ ngành có liên quan xây dựng tiêu chí phát triển điện mặt trời áp mái.

"Vừa rồi còn lúng túng trong quản lý, dẫn đến việc đã phát triển điện mặt trời áp mái theo phong trào. Chỉ trong thời gian ngắn tăng lên rất mạnh. Chúng ta cần nghiên cứu chính sách với những tiêu chí rõ ràng, không để tình trạng trục lợi chính sách mà không quản lý được", Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ.

Theo Phó Thủ tướng, cần tăng cường kiểm soát quản lý điện mặt trời áp mái để vừa huy động được sức dân bởi loại điện này nếu sử dụng tại chỗ rất hiệu quả nhưng cũng tránh được tình trạng ồ ạt, phong trào, trục lợi.

"Cần xác định rõ không gian bố trí và thời gian thực hiện đầu tư các nguồn điện phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng địa phương. Không phát triển phong trào", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tăng trưởng đột biến điện mặt trời áp mái

Trước đó, báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Ninh - Giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia - cho biết: Trong năm 2020, ngành điện chứng kiến sự tăng trưởng đột biến của năng lượng tái tạo, trong đó, đáng chú ý là điện mặt trời áp mái.

Điện mặt trời áp mái: Quản lý lúng túng, phát triển theo phong trào (!?) - 2
Điện mặt trời áp mái tại Đắk Lắk (ảnh: Thúy Diễm)

Tháng 6/2020 sản lượng điện mặt trời áp mái đạt 6.000 MWp, nhưng đến tháng 12.2020 tăng lên 10.000 MWp. "Chính vì tăng đột biến như vậy, Trung tâm Điều độ hệ thống điện đã phải tiết giảm 365 triệu KWh", ông Ninh cho hay.

Cũng theo vị này, từ tháng 11 trở đi do tăng trưởng đột biến về mặt trời áp mái, chúng ta có khoảng 20 lần cắt giảm số giờ do thừa nguồn, tổng sản lượng cắt giảm là 35 triệu MW, công suất cắt giảm lớn nhất là ngày 27/12 vừa qua.

Trong các giờ thấp điểm trưa không thể dừng giảm các nguồn khác mà bắt buộc phải cắt nguồn năng lượng tái tạo, nếu tính theo tỷ trọng mà không phải theo công suất đặt năng lượng tái tạo ứng với giờ thấp điểm trưa thì tỷ trọng lên tới 50-60%, đặc biệt các ngày cuối tuần.

Lãnh đạo trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia kiến nghị EVN phê duyệt phương thức phân bổ nghĩa vụ cắt giảm công suất điện mặt trời áp mái và điện mặt trời mặt đất.

Giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia kiến nghị EVN có báo cáo Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét, phê dụyệt nguyên tắc huy động nguồn năng lượng tái tạo khi hệ thống thừa nguồn hoặc quá tải lưới điện; chủ trì cuộc họp để thông báo với các chủ đầu tư năng lượng tái tạo các phát sinh cũng như giải pháp xử lý để phối hợp với EVN thực hiện việc giảm phát một cách công bằng, minh bạch cho đến khi xử lý dứt điểm vấn đề thừa nguồn cung và quá tải.