Diễn biến mới vụ nghi lừa đảo 100 container hạt điều
(Dân trí) - Cảnh sát tài chính Italy đã ra quyết định giữ tại cảng 4 container hạt điều được vận chuyển đến cảng Genoa của nước này.
Thương vụ Sứ quán Việt Nam tại Italy đã làm việc với Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Napoli. Tham tán Thương mại Việt Nam tại Italy Nguyễn Đức Thanh cho biết đã thu thập được thông tin về một số người tham gia ký kết và thực hiện các hợp đồng này.
"Có một người trong ảnh này ở Napoli, đã lấy bộ chứng từ của doanh nghiệp Việt Nam và khoe khoang rằng tôi lấy được bộ chứng từ gốc rồi, mặc dù tôi chưa trả đồng nào, nhưng cứ để tôi lấy hàng đi, rồi 5 ngày 10 ngày sau tôi sẽ trả tiền", ông Thanh tiết lộ.
Hiện nay, chỉ còn 36 bộ chứng từ thất lạc mà các công ty Việt Nam chưa lấy lại được. Trong số 100 bộ chứng từ ban đầu thì các công ty giữ lại được hơn 50 bộ chứng từ, đòi lại được thêm nhiều bộ chứng từ khác mà DHL gửi trả cho Việt Nam. Quan trọng nhất là 4 container đầu tiên đến cảng Genoa đã được cảnh sát tài chính Italy ra quyết định giữ lại cảng.
Sắp tới, các luật sư sẽ làm việc với các cơ quan hữu quan Italy để có thể trả lại hàng cho phía Việt Nam, hoặc cho phía Việt Nam bán cho doanh nghiệp khác của Italy hay bán cho các nước khác.
Ngày 9/3, Đại sứ quán Việt Nam tại Italy đang tích cực hỗ trợ tìm cách giải quyết vụ 100 container hạt điều xuất sang nước này có dấu hiệu bị lừa đảo.
"Theo thông tin mới nhất mà Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) thông báo, đến nay chỉ còn 34 container của 5 doanh nghiệp là không xác minh được hồ sơ gốc chứ không phải là 100. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với Thương vụ để hỗ trợ các doanh nghiệp", Đại sứ Việt Nam tại Italy Nguyễn Thị Bích Huệ cho biết.
Ngay sau khi nhận được yêu cầu hỗ trợ của các công ty và Vinacas, Thương vụ Việt Nam tại Italy đã liên hệ với Tòa án kinh tế quốc tế, Trung tâm trọng tài thương mại quốc tế tại Việt Nam có ý kiến với các hãng tàu để họ không giao hàng cho người nhận hàng có bộ hồ sơ gốc tại Italy.
Ngày 8/3, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Italy đã liên hệ và trực tiếp đến hãng tàu COSCO tại thành phố cảng Genoa, phía Tây Italy. Hãng này đã đồng ý không giao lô hàng cho người mua trong nhóm nghi vấn là lừa đảo, mặc dù họ đã có chứng từ gốc, nộp phí cảng và đang đòi lấy container ra khỏi cảng. Hãng đã tạm thời ngừng vài ngày để phía Việt Nam có thời gian tiếp tục xử lý.
Theo Tham tán Nguyễn Đức Thanh, đó là cách để giảm tối đa tổn thất cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, do đang trong giai đoạn hàng cấp tập về tới các cảng Italy, nên cần huy động nhiều nguồn lực hơn. Đại sứ quán Việt Nam tại Italy đã gửi công hàm đến các cơ quan sở tại như Bộ Ngoại giao, Bộ Kinh tế phát triển cùng các cơ quan chức năng có liên quan nhờ hỗ trợ.
Trước đó, Vinacas có văn bản hỏa tốc gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Italy, Thương vụ Việt Nam tại Italy đề nghị hỗ trợ trong "tình huống khẩn cấp". Cụ thể, một số doanh nghiệp xuất khẩu gần 100 container điều nhân trị giá hàng trăm triệu USD sang Italy thông qua một công ty môi giới tại Việt Nam nhưng không nhận được tiền thanh toán và có nguy cơ mất hàng.
Các lô hàng này đã và đang đến một số cảng của Italy tuy nhiên, khi doanh nghiệp gửi hồ sơ nhờ thu tiền từ ngân hàng Việt Nam đến ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ của bên mua theo hướng dẫn thì bị thay đổi số Swift (mã riêng của từng ngân hàng được sử dụng trong các giao dịch liên ngân hàng trên toàn cầu). Sau khi ngân hàng bên mua nhận chứng từ thì họ thông báo bên mua không phải khách hàng của họ và trả lại bộ chứng từ nhưng không ghi rõ trả theo hình thức nào dù phía ngân hàng Việt Nam đã nhiều lần liên hệ.
Một số khách hàng gửi hồ sơ đến ngân hàng Italy thì ngân hàng Italy trả lời hồ sơ họ nhận là bản photo, không phải bản gốc.
Theo TTXVN