Diễn biến mới nhất vụ vài nghìn container nông sản ùn ứ ở cửa khẩu Lạng Sơn
(Dân trí) - Một lái xe với kinh nghiệm hàng chục năm cho biết, chưa năm nào ùn tắc lâu như năm nay. Có lái xe chờ 15 ngày chưa được thông quan. Cả nghìn tài xế phải sống trong cảnh tạm bợ.
Cửa khẩu lúc đóng lúc mở, có chỗ dừng hẳn
Thông tin mới nhất về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn cho thấy tình trạng ùn tắc kéo dài nhiều ngày qua chưa được cải thiện, thậm chí ngày càng tăng lên.
Tính đến sáng 19/12, tổng lượng xe tồn tại 3 khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma đến thời điểm trên là 4.903 xe, tăng lên 99 xe so với 4.804 xe tồn cách đó một ngày. Trước đó một hai ngày, lượng xe cũng tăng lên vài trăm.
Một lái xe với kinh nghiệm hàng chục năm cho biết, chưa năm nào ùn tắc lâu như năm nay. Có lái xe chờ 15 ngày chưa được thông quan. Cả nghìn tài xế phải sống trong cảnh tạm bợ.
Theo ghi nhận, chi phí mỗi tài xế phải bỏ ra không ít để duy trì đời sống tạm ở khu vực cửa khẩu. Trong khi đó, nỗi lo hàng hóa hỏng và không biết bao giờ có thể được thông quan "đè nặng". Hàng xe vẫn cứ nối dài trên các tuyến đường vào cửa khẩu... gây ám ảnh.
Trao đổi với Dân trí, một lãnh đạo Sở Công Thương Lạng Sơn cho biết, phía nước bạn Trung Quốc đưa ra các lý do về kiểm soát phòng chống dịch, lỗi mạng… nên tình hình hoạt động xuất khẩu bị ảnh hưởng.
"Tình hình diễn ra nhiều ngày rồi, tôi hy vọng mấy hôm nữa tình hình cải thiện, hoạt động bình thường trở lại để giảm bớt thiệt hại", vị này nhấn mạnh.
Theo thông tin từ phía lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, tính đến hiện nay chỉ có cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị tiếp tục thông quan hàng hóa, còn cửa khẩu Tân Thanh, Chi Ma đã tạm thời đóng cửa.
"Tại cửa khẩu Chi Ma, từ ngày 8/12, phía Trung Quốc đã thực hiện tạm dừng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cặp cửa khẩu Chi Ma - Ái Điểm do nghi phát hiện 3 ca nhiễm Covid-19 tại Trấn Ái Điểm.
Ngày 10/12, Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn đã gửi thư công tác số 28 để đề nghị khôi phục lại cửa khẩu này, tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía bạn. Dừng hẳn thì sẽ không có xe nào đi qua được nên việc cải thiện rất chậm", lãnh đạo Sở Công Thương chia sẻ.
Trong khi đó, ở cửa khẩu Tân Thanh, vị này cho biết cơ bản là dừng, cũng có lúc mở nhưng sau đó lại dừng vì lí do kiểm soát dịch. Nếu mở bình thường thì mỗi ngày cửa khẩu Tân Thanh thông quan được 200 xe. Còn nếu đóng như mấy hôm nay thì không có xe nào qua được.
"Ngày ở cửa khẩu Hữu Nghị cũng vậy, cũng có đúng lúc mở, nhúc nhắc. Nếu không xuất khẩu được mà cứ có xe lên thì tăng, ùn ứ khó tránh khỏi. Dịch bệnh tiếp tục gây ảnh hưởng nghiêm trọng, thiệt hại nhiều", vị này chia sẻ.
Xoay xở tìm đầu ra, cân đối việc đưa hàng lên xuất khẩu
Về giải pháp, lãnh đạo Sở Công Thương Lạng Sơn cho rằng cần nỗ lực đàm phán với phía nước bạn để cải thiện tình hình xuất khẩu.
"Nông sản tắc thì đối mặt với nguy cơ hỏng, rất thiệt hại. Chúng tôi khuyến cáo hiệp hội, doanh nghiệp, bà con cố gắng xoay xở các phương thức bán hàng khác chứ không chỉ trông chờ ở khu vực cửa khẩu này được. Nhiều xe thời gian qua đã phải quay đầu bán trong nội địa", vị lãnh đạo Sở chia sẻ.
Nói với Dân trí, ông Biện Tấn Tài - Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận - cũng cho biết đã có những khuyến cáo tới bà con, doanh nghiệp trong tỉnh về tình hình ùn ứ tại các khu cửa khẩu xuất sang Trung Quốc để cân đối, tính toán, tìm thị trường thay thế.
"Chúng tôi cũng đang thống kê số lượng cụ thể, bàn bạc giải pháp để gỡ khó, hỗ trợ cho bà con, doanh nghiệp. Cơ bản sẽ có những biện pháp trước mắt và lâu dài để xử lý về vấn đề này", ông Tài nói.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương Bình Thuận, mặt hàng ùn ứ nhiều ở trên cửa khẩu của tỉnh bây giờ là thanh long. Hiện thanh long Bình Thuận xuất khẩu sang 17 thị trường. Tuy nhiên vẫn còn tỷ lệ lớn xuất khẩu đường tiểu ngạch qua Trung Quốc.
Trong khi đó, ông Đặng Văn Tuấn - Giám đốc Sở Công Thương Tiền Giang - cho biết khi thương lái, doanh nghiệp không xuất khẩu được, tắc nghẽn trên đó thì sẽ không ai thu mua nữa, bà con nông dân sẽ khó khăn trong việc tiêu thụ.
Trước tình hình ùn ứ kéo dài, chiều 20/12, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam chủ trì buổi gặp gỡ trao đổi với các cơ quan báo chí về giải pháp tháo gỡ ùn ứ nông sản ở các cửa khẩu tại tỉnh Lạng Sơn. Tham dự cuộc trao đổi còn có ông Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn; ông Hồ Tỏa Cẩm - Tham tán công sứ thương mại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam.
Ông Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn - cho biết, tình trạng ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu chính ở Lạng Sơn như Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma đã kéo dài khoảng 15 ngày. Hiện chỉ có cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị tiếp tục thông quan hàng hóa, còn cửa khẩu Tân Thanh, Chi Ma đã tạm thời đóng cửa.
Nhiều ngày nay, nông sản đưa về cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn gia tăng mạnh, gây áp lực rất lớn trong công tác quản lý điều hành, như: bố trí sinh hoạt cho lái xe và người đi cùng; vệ sinh môi trường; an ninh trật tự và đặc biệt là công tác phòng, chống dịch, khiến nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 từ lái xe nội địa ở các địa phương vào địa bàn tỉnh Lạng Sơn rất cao.
Còn theo ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán công sứ thương mại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, hiện Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng đang rất quan tâm đến việc nhập khẩu nông sản từ Việt Nam và đã yêu cầu các cơ quan có liên quan, các địa phương tại Trung Quốc khẩn trương tìm giải pháp tháo gỡ tình trạng nông sản ùn ứ tại cửa khẩu. Để tạo điều kiện thông quan hàng hóa hiện nay, hai bên cần tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 ở cửa khẩu biên giới giữa hai bên.