Điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam

Năm 2015, mọi hàng rào thuế quan giữa các nước ASEAN sẽ được xoá bỏ. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng cạnh tranh khốc liệt hơn với các doanh nghiệp lắp ráp trong khu vực.

Lối thoát tốt nhất đã được các chuyên gia kinh tế đưa ra, đó là đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này, nhưng hiện tại kể cả sản lượng cũng như chất lượng chưa cao, đặc biệt quy mô phát triển còn manh mún. Theo Bộ Công thương, công nghiệp hỗ trợ trong nước vẫn phụ thuộc đến 80% vào nguyên liệu nhập khẩu và tỷ lệ nội địa hoá linh kiện của Việt Nam mới chỉ bằng 1 nửa so với các nước trong khu vực.
 
Điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam - 1
 

Trong 15 năm, hãng Honda tại Việt Nam đã đóng góp 20.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, ngay trong sản phẩm này, tỷ lệ tham gia của các doanh nghiệp trong nước mới chỉ dừng ở khoảng 50% và con số này càng thấp hơn đối với những ở dòng sản phẩm cao cấp.

Ông Koji Onishi, Tổng Giám đốc Honda tại Việt Nam cho biết: “Để đáp ứng được yêu chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn Honda toàn cầu, chúng tôi cũng đặt ra những tiêu chuẩn phụ tùng cho các nhà cung cấp. Khả năng nâng cao tỷ lệ nội địa hóa phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của các nhà cung cấp trong nước mà để đạt được thì cần sự đầu tư và hỗ trợ về cả vốn và chính sách ưu tiên phát triển”.          

Việc nâng mức nội địa hóa sản phẩm không những giúp cho các nhà sản xuất hạ giá thành mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia theo chuỗi. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ đang là điều kiện tốt cho nhiều đơn vị sản xuất, đặc biệt trong bối cảnh vốn và công nghệ của các doanh nghiệp trong nước chưa cao.

Ông Phạm Hữu Hùng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần kim khí Thăng Long: “Trong những ngày đầu tiên, hãng đã cử cán bộ kỹ thuật đến giúp chúng tôi tổ chức sản xuất và tạo ra những sản phẩm đạt yêu cầu”.

Tuy nhiên, việc tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ dừng ở các hạng mục đơn giản với giá trị chưa cao. Như ở ngành chế tạo ôtô những sản phẩm mang thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ dừng ở con số 5 - 10%. 

Ông Yasuaki Tanizaki, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam: “Công nghiệp hỗ trợ cũng như các ngành khác, phải có lãi thì các doanh nghiệp mới đầu tư vào, nếu không đương nhiên họ sẽ không đầu tư. Để công nghiệp hỗ trợ phát triển nên có chế độ thu hút đầu tư từ nước ngoài. Hiện quỹ đầu tư Jica, Jbic có dành 1 khoảng khoảng 100 triệu USD cho phát triển công nghiệp hỗ trợ, các bạn nên tận dụng những khoản đầu tư này”.  

Mới đây, Thủ tướng đã quyết định ban hành danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong ngành ngành dệt may, da giầy, điện tử - tin học, sản xuất lắp ráp ôtô, cơ khí chế tạo và các sản phẩm hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao. Đồng thời thành lập các khu công nghiệp hỗ trợ tập trung, đây được coi là cơ sở để ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có thêm điều kiện phát triển. Ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại - Bộ Công thương: “Chính phủ cần có những hỗ trợ thêm cho các doanh nghiệp làm hỗ trợ như ưu đãi vay vốn và các doanh nghiệp cũng nên tìm cách để liên kết với các hàng nước ngoài”.        

Triển lãm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 4 tại Hà Nội được đánh giá là điều kiện tốt để các doanh nghiệp trong nước tiếp cận gần hơn với các đối tác nước ngoài. Và ngay cả Bộ Công thương cũng coi đây là cơ hội để hiểu và chỉ đạo sát thực hơn cho lĩnh vực công nghiêp hỗ trợ. Tuy nhiên, ngay cả đến lần thứ 4, sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước vẫn dừng ở mức độ khiêm tốn với nhiều sản phẩm còn tương đối nghèo nàn.
 
Theo Đặng Tú
VTV.vn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm